Đảng Dân chủ xã hội hiểu vấn đề dân tộc như thế nào ? 1 Tháng Chín 1904


I

Mọi vật đều thay đổi... Đời sống xã hội thay đổi và cùng với nó « vấn đề dân tộc » cũng thay đổi theo. Trong các thời kỳ khác nhau thì có những giai cấp khác nhau xuất hiện trên vũ đài đấu tranh, và mỗi giai cấp đều hiểu « vấn đề dân tộc » theo quan điểm riêng của mình. Do đó, trong những thời kỳ khác nhau, « vấn đề dân tộc » phục vụ cho những lợi ích khác nhau, mang những màu sắc khác nhau tùy theo từng thời kỳ và tùy theo giai cấp đề xuất ra nó.

Cho nên ở nước ta đã có cái mà người ta gọi là « vấn đề dân tộc » của quý tộc : sau khi « sáp nhập Giê-óoc-gi vào nước Nga », bọn quý tộc Giê-óoc-gi bị tước mất những đặc quyền và thế lực mà chúng vẫn hằng được hưởng dưới các thời kỳ thống trị của các triều vua Giê-óoc-gi thì chúng cảm thấy chúng đã mất cái gì ; chúng coi tình trạng làm « người dân thường » là xúc phạm đến thanh danh của chúng, nên bọn quý tộc mong muốn Giê-óoc-gi được giải phóng. Như thế có nghĩa là chúng muốn đặt vua chúa và quý tộc Giê-óoc-gi lên đầu lên cổ dân Giê-óoc-gi, và do đó giao phó vận mệnh của nhân dân Giê-óoc-gi cho bọn ấy! Đó là « chủ nghĩa dân tộc » quân chủ và phong kiến. « Phong trào » đó không còn để lại một vết tích gì rõ rệt trong đời sống của nhân dân Giê-óoc-gi cả, không làm được việc gì vẻ vang, trừ một vài âm mưu của bọn quý tộc Giê-óoc-gi chống lại bọn quan cai trị người Nga ở Cáp-ca-dơ, - nếu có thể coi đó là những việc vẻ vang. Chỉ cần những sự biến của đời sống xã hội hơi đụng đến « phong trào » đó, - chính bản thân phong trào này cũng yếu sẵn, - cũng đủ để hoàn toàn phá hoại được phong trào đó. Thật vậy, sự phát triển của nền sản xuất hàng hóa, việc xóa bỏ chế độ nông nô, việc thành lập ngân hàng của quý tộc, sự mâu thuẫn giữa các giai cấp ở thành thị và nông thôn ngày càng trầm trọng, việc phong trào của nông dân nghèo ngày càng mạnh lên, v,v., tất cả những việc đó đã giáng một đòn chí tử vào bọn quý tộc Giê-óoc-gi và đồng thời vào cả « chủ nghĩa dân tộc » quân chủ và phong kiến nữa. Quý tộc Giê-óoc-gi chia thành hai phái. Phải thứ nhất rời bỏ mọi « chủ nghĩa dân tộc » , và bắt tay với chế độ chuyên chế Nga để kiếm chác những chức vị lương cao bổng hậu, những trái khoản nhẹ lãi, những nông cụ, và để được chính phủ bảo hộ chống lại những « người bạo động » ở nông thôn, v.v. Phái thứ hai của quý tộc Giê-óoc-gi, yếu hơn, đánh bạn với bọn giáo chủ và bọn tăng viện trưởng Giê-óoc-gi , như thể là phái này đã dùng chủ nghĩa tăng lữ để che giấu một « chủ nghĩa dân tộc » bị đời sống thực tế lên án. Phái này rất nhiệt tình trong việc xây dựng lại những nhà thờ Giê-óoc-gi đã bị phá hủy ( đây là điểm chính trong cương lĩnh của phái đó!), là « những công trình xây dựng của thời oanh liệt xưa , và họ thành kính mong chờ có được phép màu đề thực hiện những « nguyện vọng » quân chủ và phong kiến của họ.

Như thế là chủ nghĩa dân tộc quân chủ và phong kiến trong lúc hấp hối, đã có một hình thức tăng lữ.

Mặt khác, ở nước ta đời sống xã hội hiện nay đã đề ra vấn đề dân tộc của giai cấp tư sản. Khi giai cấp tư sản trẻ tuổi ở Giê-óoc-gi đã trải qua tất cả những khó khăn trong việc cạnh tranh tự do với bọn tư bản « ngoại quốc », thì nó bắt đầu mượn lời của bọn dân chủ - dân tộc ở Giê-óoc-gi, để nói một cách rụt rè đến một nước Giê-óoc-gi độc lập. Giai cấp tư sản Giê-óoc-gi muốn dựng lên một hàng rào thuế quan chung quanh thị trường Giê-óoc-gi, dùng sức mạnh để đuổi giai cấp tư sản « nước ngoài » ra khỏi thị trường đó, nâng một cách giả tạo giá cả hàng hóa và làm giàu bằng những thủ đoạn « yêu nước » ấy.

Mục đích của chủ nghĩa dân tộc của giai cấp tư sản Giê-óoc-gi trước kia và hiện nay vẫn là như thế. Chẳng cần phải nói rằng muốn đạt mục đích đó thì phải mạnh; thế nhưng sức mạnh lại ở trong giai cấp vô sản. Chỉ có giai cấp vô sản mới có thể làm cho « chủ nghĩa yêu nước » trống rỗng của giai cấp tư sản trở nên có sức sống. Chủ nghĩa đó thấy cần phải tranh thủ giai cấp vô sản, cho nên khi đó « bọn dân chủ - dân tộc » đã xuất đầu lộ diện. Bọn chúng ra sức bài bác chủ nghĩa xã hội khoa học ; kịch liệt chỉ trích những người dân chủ - xã hội và khuyên những người vô sản Giê-óoc-gi nên rời bỏ những người này, chúng phính nịnh giai cấp vô sản Giê-óoc-gi, dụ dỗ họ nên « vì lợi ích của bản thân công nhân » , mà ra sức củng cố, bằng cách này hay cách khác, giai cấp tư sản Giê-óoc-gi. Chúng khẩn khoản yêu cầu những người vô sản rằng: “Các anh không nên đưa « Giê-óoc-gi » (hay là giai cấp tư sản Giê-óoc-gi ?) đến chỗ bị tiêu diệt, các anh hãy quên những « sự bất đồng trong nội bộ » đi, các anh hãy thân thiện với giai cấp tư sản Giê-óoc-gi đi, v... Nhưng vô ích! Những lời đường mật của các nhà chính luận tư sản không thể ru ngủ được giai cấp vô sản Giê-óoc-gi! Những cuộc tấn công thẳng tay của những người mác-xít Giê-óoc-gi, và nhất là những hoạt động giai cấp mạnh mẽ, những hoạt động này đã gắn bó những người vô sản Nga, Ác-mê-ni, Giê-óoc-gi và những người vô sản khác, vào cùng một đội ngũ xã hội chủ nghĩa, đều đã giáng một đòn khủng khiếp vào bọn dân tộc tư sản ở nước ta và đuổi chúng ra khỏi chiến trường.

« Muốn phục hồi lại thanh danh đã bị ô nhục » , những nhà yêu nước đang phá sản của chúng ta « ít ra » đều phải « thay đổi màu da của chủ nghĩa dân tộc » , ít ra cũng phải khoác cái vỏ xã hội chủ nghĩa vào, nếu họ không thể thấm nhuần được tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Quả nhiên tờ Xứ Giê-óoc-gi, một cơ quan bất hợp pháp... theo chủ nghĩa dân tộc tư sản, hay « xã hội chủ nghĩa » cũng được, đã xuất hiện một cách bất chợt. Làm như thế người ta muốn tranh thủ những công nhân Giê-óoc-gi! Nhưng đã quá muộn rồi! Công nhân Giê-óoc-gi đã biết phân biệt trắng đen ; họ đã đoán thấy một cách dễ dàng rằng bọn dân tộc tự sản « chỉ thay đổi màu sắc » cho tư tưởng của chúng thôi, chứ tư tưởng đó không thay đổi gì về căn bản cả và tờ « Xứ Giê-óoc-gi » chỉ có cái tên là xã hội chủ nghĩa mà thôi. Công nhân đã biết rõ điều đó và chế giễu những « vị cứu tinh » của Giê-óoc-gi! Những hy vọng của bọn Đông-ki-sốt của tờ Xứ Giê-óoc-gi đã phá sản !

Mặt khác, sự phát triển kinh tế ở nước ta đã dần dần làm cho những giới tiến bộ của giai cấp tư sản Giê-óoc-gi và « nước Nga » gần gũi lại với nhau ; gắn bó những giới đó với « nước Nga » về mặt kinh tế và chính trị, và do đó làm rung chuyển những cơ sở đã lung lay của. chủ nghĩa dân tộc tư sản. Và đó là đòn thứ hai giáng vào chủ nghĩa dân tộc tư sản!

Một giai cấp mới, giai cấp vô sản, đã bước vào vũ đài đấu tranh, và từ đó một « vấn đề dân tộc » mới đã xuất hiện, « vấn đề dân tộc » của giai cấp vô sản. Giai cấp vô sản khác với tầng lớp quý tộc và giai cấp tư sản chừng nào, thì « vấn đề dân tộc » mà giai cấp vô sản đề ra khác với « vấn đề dân tộc » của tầng lớp quý tộc và giai cấp tư sản chừng đó.

Bây giờ chúng ta hãy xem « chủ nghĩa dân tộc » đó là gì ?

Đảng dân chủ - xã hội hiểu « vấn đề dân tộc » như thế nào ?

Giai cấp vô sản Nga đã bắt đầu nói đến đấu tranh từ lâu rồi. Như mọi người đều biết, mục đích của mọi cuộc đấu tranh là thắng lợi. Nhưng muốn cho giai cấp vô sản thắng lợi, thì tất cả công nhân phải đoàn kết lại, không phân biệt dân tộc. Hiền nhiên là điều kiện thiết yếu làm cho giai cấp vô sản Nga thắng lợi là xóa bộ hàng rào ngăn cách các dân tộc và liên kết chặt chẽ những người vô sản Nga, Giê-óoc-gi, Ác-mê-ni, Ba Lan, Do-thái và những người vô sản các nước khác lại với nhau.

Đó là lợi ích của giai cấp vô sản Nga.

Nhưng chế độ chuyên chế Nga, kẻ thù tệ hại nhất của giai cấp vô sản Nga, không ngừng chống lại sự đoàn kết của những người vô sản. Bằng những biện pháp ăn cướp, nó bài xích nền văn hóa dân tộc, ngôn ngữ, phong tục và những thiết chế của các dân tộc « không phải người Nga », Chế độ chuyển chế đã tước đoạt những quyền công dân cần thiết của các dân tộc đó, áp bức họ trong mọi lĩnh vực, dùng thái độ giả nhân giả nghĩa đề gieo rắc hoài nghi và hằn thù giữa các dân tộc đó, đẩy họ đi đến những cuộc xung đột đồ máu, những việc đó tỏ rõ rằng chế độ chuyên chế không có mục đích nào khác ngoài việc gây bất hòa giữa các dân tộc trong nước Nga, làm cho mối ác cảm dân tộc sâu sắc thêm, củng cố những hàng rào ngăn cách dân tộc hòng chia rẽ những người vô sản một cách chắc chắn hơn, chia cắt một cách chắc chắn hơn toàn bộ giai cấp vô sản ở Nga thành những tập đoàn dân tộc nhỏ bé và bằng cách đó giáng một đòn chí tử vào tinh thần giác ngộ giai cấp của công nhân, vào sự đoàn kết giai cấp của ho.

Đó là lợi ích của thế lực phản động ở Nga, đó là chính sách của chế độ chuyên chế Nga.

Hiển nhiên là chẳng chóng thì chầy, lợi ích của giai cấp vô sản Nga tất nhiên phải xung đột với chính sách phản động của chế độ chuyên chế Nga hoàng. Điều đó đã xảy ra, và chính trên cơ sở đó mà « vấn đề dân tộc » đã được đề ra trong nội bộ Đảng dân chủ - xã hội.

Làm thế nào xóa bỏ được những hàng rào dân tộc đã được dựng lên giữa các dân tộc, làm thế nào đánh tan được chủ nghĩa đặc thù dân tộc, để cho các dân tộc đó gần gũi nhau hơn trước, để đoàn kết chặt chẽ hơn những người vô sản Nga ?

Đó là nội dung của « vấn đề dân tộc » của Đảng dân chủ - xã hội, Bọn dân chủ - xã hội.

Bọn dân chủ-xã hội liên bang chủ nghĩa trả lời rằng cần phải phân chia thành những đảng dân tộc khác nhau và thiết lập một « liên bang tự do » giữa các đảng ấy.

« Tổ chức công nhân dân chủ - xã hội Ác-mê-ni » cũng nhắc lại luận điệu đó.

Mọi người đều biết, người ta khuyên chúng ta không nên đoàn kết thành một chính đảng thống nhất toàn Nga do một trung ương duy nhất lãnh đạo, mà nên chia thành nhiều đảng do nhiều trung ương lãnh đạo, và như thế là để tăng cường sự đoàn kết giai cấp! Chúng ta muốn làm cho những người vô sản thuộc các dân tộc gần gũi với nhau. Vậy chúng ta phải làm gì ? Bọn dân chủ - xã hội liên bang chủ nghĩa trả lời rằng: hãy tách rời những người vô sản ra thì sẽ đạt được mục đích. Chúng ta muốn tập hợp những người vô sản vào trong cùng một đảng. Vậy chúng ta phải làm gì ? Bọn dân chủ - xã hội liên bang chủ nghĩa trả lời rằng: hãy phân chia giai cấp vô sản Nga thành các đảng khác nhau, thì sẽ đạt được mục đích! Muốn xóa bỏ hàng rào dân tộc thì chúng ta phải dùng những biện pháp gì ? Bọn chúng trả lời rằng: hãy củng cố hàng rào dân tộc bằng những hàng rào về tổ chức, thì sẽ đạt được mục đích ! Đó là điều mà họ khuyên chúng ta, những người vô sản Nga, những người đang tiến hành cuộc đấu tranh trong cùng những điều kiện chính trị, chống lại cùng một kẻ thù chung duy nhất! Tóm lại, họ nói với chúng ta rằng : các anh hãy hành động sao cho kẻ thù của các anh vui mừng và các anh hãy tự tay chôn vùi mục đích chung của các anh đi!

Nhưng chúng ta hãy tạm coi ý kiến của bọn dân chủ - xã hội liên bang chủ nghĩa là đúng và chúng ta cứ đi theo họ xem họ dẫn chúng ta đến đâu. Tục ngữ có câu rằng: truy kẻ nói dối thì phải truy đến cùng đường.

Giả sử rằng chúng ta đã nghe theo bọn liên bang chủ nghĩa và đã thành lập những đảng dân tộc khác nhau. Kết quả sẽ ra sao ?

Điều đó cũng dễ đoán thôi. Nếu cho đến nay, trong khi chúng ta còn là những người theo chế độ tập trung, chúng ta chú ý trước tiên đến những điều kiện sinh hoạt chung của những người vô sản, chú ý đến sự nhất trí về lợi ích của họ ; nếu chúng ta chỉ nói đến « những sự khác nhau giữa các dân tộc » của họ khi nào mà điều đó không trái với lợi ích chung của họ; nếu cho đến nay, vấn đề trước tiên của chúng ta là xem xem những người vô sản thuộc các dân tộc ở Nga nhất trí với nhau về điểm gì, có điểm gì chung, để trên cơ sở những lợi ích chung đó mà kiến lập một chính đảng duy nhất, tập trung, của công nhân toàn Nga, thì giờ đây, khi chúng ta » đã trở thành những người liên bang chủ nghĩa, một vấn đề mới hết sức quan trọng làm chúng ta chú ý là: lấy gì để phân biệt những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau ở Nga, họ không giống nhau ở chỗ nào, để trên cơ sở « những sự khác nhau giữa các dân tộc » mà kiến lập các đảng dân tộc khác nhau. Như vậy « những sự khác nhau giữa các dân tộc » là điều thứ yếu đối với phái theo chế độ tập trung, thì đối với phái liên bang chủ nghĩa lại chính là cơ sở để kiến lập các đảng dân tộc.

Nếu chúng ta cứ đi mãi trên con đường đó, chẳng sớm thì muộn, chúng ta sẽ buộc phải kết luận rằng « những sự khác nhau về dân tộc » và những sự khác nhau khác của giai cấp vô sản Ác-mê-ni chẳng hạn, cũng là những sự khác nhau của giai cấp tư sản Ác-mê-ni ;rằng người vô sản và người tư sản Ác-mê-ni cùng có những tập tục và tính cách giống nhau ; rằng họ họp thành một dân tộc duy nhất, một « dân tộc » thống nhất*. Do đó, cái « cơ sở thống nhất cho hành động chung » không còn xa nữa, chẳng hề là người tư sản hay người vô sản đều cùng phải đứng trên cơ sở đó, bắt tay thân thiện với nhau như là những thành viên trong cùng một « dân tộc duy nhất » . Cho nên chính sách giả dối của chế độ chuyên chế Nga hoàng có thể được coi là một bằng chứng « mới » của tình hữu nghị đó, thành thử nói đến sự đối kháng giai cấp thì có thể bị coi như là một biểu hiện của « đầu óc giáo điều lạc lõng ». Sau đó một bàn tay nghệ sĩ nào sẽ nẩy « một cách mạnh dạn hơn nữa » những sợi dây dân tộc hẹp hòi còn tồn tại ở những người vô sản thuộc các dân tộc ở Nga, và làm cho những sợi dây đó rung lên những âm điệu mong muốn. Thế là người ta sẽ tin theo chủ nghĩa sô-vanh bịp bợm, sẽ coi bạn là thù, coi thù là bạn sẽ có một tình trạng lẫn lộn, và sự giác ngộ giai cấp của giai cấp vô sản sẽ bị hao tổn.

Vậy đáng lẽ phải xóa bỏ những hàng rào ngăn cách dân tộc, nhưng do những ý kiến tốt đẹp của bọn liên bang chủ nghĩa, chúng ta lại đi dùng những hàng rào về tổ chức đề củng cố những hàng rào ngăn cách dân tộc đó ; đáng lẽ chúng ta phải làm cho sự giác ngộ giai cấp của giai cấp vô sản tiến bộ lên, thì lại làm cho nó thụt lùi đi, và làm cho nó phải qua những thử thách nguy hiểm. Như vậy, trái tim của tên Nga hoàng chuyên chế « sẽ rung lên vì sung sướng », vì nó chưa bao giờ có thể kiếm được những người giúp đỡ không công như chúng ta.

Có phải chúng ta lại muốn như vậy không ?

Cuối cùng, trong khi chúng ta cần có một đảng thống nhất, linh hoạt và tập trung, mà Ban Chấp hành trung ương trong khoảnh khắc có thể động viên công nhân toàn nước Nga, và đưa họ vào cuộc xung phong quyết định chống chế độ chuyên chế và giai cấp tư sản, thì người ta lại nhét vào tay chúng ta « một thứ liên minh kiểu liên bang » vô hình thù, phân tán thành các đảng khác nhau! Đáng lẽ là một thứ vũ khí sắc bén, thì người ta lại cấp cho chúng ta một vũ khí hoàn toàn han gỉ và nói với chúng ta rằng : như vậy là các anh có thể tiêu diệt nhanh chóng hơn kẻ thù không đội trời chung của các anh

Đấy bọn dân chủ - xã hội liên bang chủ nghĩa dẫn chúng ta đến cái chỗ như thế đó !

Nhưng chúng ta cố gắng không phải là để « củng cố hàng rào ngăn cách dân tộc » , mà là để xóa bỏ thứ hàng vào đó đi, vì chúng ta không cần có một thứ vũ khí han rỉ, mà là cần một thứ vũ khí sắc bén nhằm trừ tận gốc cái chế độ bất công hiện thời ; vì chúng ta không muốn làm cho kẻ thù vui sướng, mà là bắt chúng phải chịu khổ sở và tiêu diệt chúng, nên rõ ràng là chúng ta có nhiệm vụ không được đi theo bọn liên bang chủ nghĩa và phải tìm một giải pháp tốt hơn cho « vấn đề dân tộc ».

II


Cho đến đây, chúng ta đã chỉ rõ không nên giải quyết « vấn đề dân tộc » như thế nào. Và bây giờ chúng ta hãy xem xem người ta phải giải quyết vấn đề đó như thế nào, nghĩa là xem Đảng công nhân dân chủ - xã hội đã giải quyết vấn đề đó như thế nào*.

Trước hết, chúng ta phải nhớ rằng Đảng dân chủ - xã hội đang đấu tranh ở Nga đặt tên mình là Đảng dân chủ - xã hội ở Nga (chứ không phải đảng dân chủ - xã hội của người Nga). Đặt tên như thế hiển nhiên là đảng đó muốn cho cho chúng ta thấy rằng, nó không những chủ trương tập hợp những người vô sản Nga dưới lá cờ của mình, mà còn tập hợp những người vô sản thuộc tất cả các dân tộc ở nước Nga, và do đó, chỉ cho chúng ta thấy rằng nó sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để thủ tiêu những hàng rào dân tộc ngăn cách những người vô sản.

Tiếp đến, đảng ta đã quét sạch những sương mù đang bao trùm và làm cho « vấn đề dân tộc » có một vẻ thần bí ; đảng đã phân giải vấn đề đó thành những yếu tố, đem lại cho mỗi một yếu tố đó cái tính chất một yêu cầu giai cấp và trình bày những yếu tố đó trong cương lĩnh của mình dưới hình thức những điều khoản khác nhau. Làm như vậy, đảng đã chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng « những lợi ích dân tộc », và « những yêu sách dân tộc », xét về bản thân chúng mà nói, không có giá trị gì đặc biệt cả, rằng những lợi ích và « yêu sách » ấy chỉ có thể đẩy sự giác ngộ giai cấp của giai cấp vô sản lên, đẩy sự phát triển về mặt giai cấp của nó lên.

Làm như thế Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga đã chỉ rõ đảng đã đi theo con đường nào và đứng trên lập trường nào để giải quyết « vấn đề dân tộc ».

« Vấn đề dân tộc » gồm những yếu tố gì ?

Các ngài dân chủ - xã hội liên bang chủ nghĩa đòi hỏi cái gì ?

1. « Quyền bình đẳng công dân giữa các dân tộc ở Nga chăng » ?

Các ngài xót xa về việc ở nước Nga hiện nay tình trạng bất bình đẳng về quyền công dân đang thịnh hành chăng ? Các ngài muốn trả lại cho các dân tộc ở Nga những quyền công dân mà chính phủ đã tước mất của họ, và vì thế mà các ngài yêu cầu quyền bình đăng công dân cho các dân tộc đó chăng ? Nhưng chúng tôi có phản đối yêu cầu ấy không ? Chúng tôi hiểu rất rõ tất cả ý nghĩa của quyền công dân đối với những người vô sản, quyền công dân là một vũ khí đấu tranh ; tước của họ quyền đó tức là tước mất của họ một vũ khí ; và ai mà lại chẳng biết rằng không có vũ khí, thì những người vô sản không thể đấu tranh có kết quả được. Song đối với giai cấp vô sản nước Nga thì điều cần thiết là những người vô sản thuộc các dân tộc trong cả nước đều phải chiến đấu hăng, vì họ càng chiến đấu hăng bao nhiêu, thì sự giác ngộ về giai cấp của họ sẽ càng cao hơn bấy nhiêu, và trình độ giác ngộ giai cấp của họ càng cao bao nhiêu thì tình đoàn kết giai cấp của giai cấp vô sản nước Nga sẽ càng chặt chẽ bấy nhiêu. Đúng, chúng tôi đều biết như thế, và chính vì vậy chúng tôi ra sức đấu tranh và sẽ đấu tranh cho quyền bình đẳng công dân của các dân tộc ở nước Nga ? Hãy đọc điều 7 trong cương lĩnh của đảng chúng tôi, trong đó có nói đến sự « hoàn toàn bình đẳng về quyền lợi của mọi công dân, không phân biệt nam, nữ, tôn giáo, chủng tộc và dân tộc », các ngài sẽ thấy rằng Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga có trách nhiệm phải làm cho những yêu cầu đó được thực hiện.

Các ngài dân chủ - xã hội liên bang chủ nghĩa còn đòi hỏi gì nữa ?

2. « Quyền tự do về ngôn ngữ cho các dân tộc ở Nga chăng » ?

Các ngài xót xa về tình trạng những người vô sản thuộc các dân tộc « không phải » người Nga hầu như không được học tập bằng tiếng mẹ đẻ của họ, không được dùng thứ tiếng đó trong các công sở, cơ quan hành chính và trong các cơ quan khác ư ? Thực ra thì đáng xót xa thật! Ngôn ngữ là một phương tiện để phát triển và đấu tranh. Có dân tộc khác nhau nên có ngôn ngữ khác nhau. Lợi ích của giai cấp vô sản Nga đòi hỏi rằng những người vô sản thuộc các dân tộc Nga phải hoàn toàn có quyền dùng thứ ngôn ngữ nào mà họ có thể học tập một cách dễ dàng hơn cả, mà họ có thể đấu tranh chống kẻ thù một cách thuận lợi hơn trong các cuộc hội nghị, các công sở, các cơ quan hành chính và trong các cơ quan khác. Mọi người đều thừa nhận rằng ngôn ngữ đó là tiếng mẹ đẻ. Những người dân chủ - xã hội liên bang chủ nghĩa nói: người ta cấm những người vô sản trong các dân tộc « không phải » người Nga không được dùng tiếng mẹ đẻ, thế mà chúng ta lại lặng thinh được sao ? Nhưng ta hãy xem cương lĩnh của đảng ta trả lời vấn đề ấy cho giai cấp vô sản Nga như thế nào. Hãy đọc điều 8 trong đó đảng chúng ta yêu cầu « dân cư phải có quyền dùng tiếng mẹ đẻ để học tập, quyền đó được Nhà nước và các cơ quan hành chính tự trị địa phương bảo đảm bằng cách bỏ tiền ra xây dựng những trường học cần thiết; mỗi công dân đều có quyền dùng tiếng mẹ đẻ để phát biểu ý kiến của mình trong các hội nghị ; trong tất cả công sở và các cơ quan hành chính địa phương, tiếng mẹ đẻ cũng được dùng ngang hàng với tiếng chính thức ». Hãy đọc tất cả các điều đó, các ngài sẽ thấy rằng Đảng dân chủ - xã hội Nga cũng có trách nhiệm làm cho yêu cầu đó được thực hiện.

Các ngài dân chủ - xã hội liên bang chủ nghĩa còn yêu cầu gì nữa ?

3. « Các dân tộc ở nước Nga phải có quyền tự trị về hành chính ư » ?


Yêu cầu như vậy hẳn là các ngài muốn nói rằng người ta không thể áp dụng những đạo luật giống nhau vào các địa phương khác nhau, - các địa phương này khác nhau do điều kiện sinh hoạt riêng biệt và do thành phần dân cư, – ở nước Nga phải không ? Hẳn các ngài muốn rằng mỗi một địa phương đó đều có quyền làm cho những đạo luật chung của Nhà nước thích hợp với những điều kiện riêng biệt của mình phải không ? Nếu như thế, nếu nội dung yêu sách của các ngài rõ ràng là như thế, thì phải cho yêu sách đó một hình thức thích hợp, phải làm cho yêu sách đó thoát khỏi cái đám sương mù, thoát khỏi tình trạng mơ hồ dân tộc chủ nghĩa, phải nêu đích danh nó ra. Và, nếu các ngài nghe theo lời chúng tôi khuyên, thì các ngài sẽ tin rằng chúng tôi không hề phản đối yêu sách đó. Chúng tôi tin chắc rằng các địa phương ở nước Nga khác nhau do điều kiện sinh hoạt riêng biệt và do thành phần dân cư, thì không thể áp dụng hiến pháp Nhà nước, theo một kiểu như nhau được, rằng các địa phương đó cần phải có quyền áp dụng biện pháp chung của Nhà nước dưới một hình thức có lợi nhất cho họ, khiến các địa phương đó có thể phát huy cao độ lực lượng chính trị trong nhân dân. Đó là điều mà lợi ích giai cấp của giai cấp vô sản nước Nga đòi hỏi. Và nếu đọc lại điều 3 trong Cương lĩnh của đảng chúng tôi, có yêu cầu « thi hành một chế độ tự trị hành chính địa phương rộng rãi, một chế độ tự trị địa phương cho các khu vực khác nhau do điều kiện sinh hoạt riêng biệt và do thành phần dân cư », thì các ngài sẽ thấy rằng Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga đã làm cho yêu sách đó dễ dàng thoát khỏi cái đám sương mù dân tộc chủ nghĩa và sau đó có trách nhiệm làm cho yêu sách đó được thực hiện.

4. Chế độ chuyên chế Nga hoàng đối xử tàn tệ với nền « văn hóa dân tộc » của các dân tộc « không phải » người Nga, nó đã can thiệp một cách trắng trợn vào đời sống nội bộ của các dân tộc đó và áp bức họ về mọi mặt ; nó đã phá hoại (và còn tiếp tục phá hoại) những cơ quan văn hóa của Phần-lan một cách dã man ; và nó cướp đoạt các tài sản dân tộc của Ác-mê-ni một cách tàn bạo, v,v., các ngài chẳng đã chỉ rõ những điều đó cho chúng tôi rồi sao ? Các ngài yêu cầu phải có sự đảm bảo những hành động ăn cướp của chế độ chuyên chế ư ? Nhưng há chúng tôi lại không thấy những hành động tàn bạo của chế độ chuyên chế Nga hoàng hay sao, và lẽ nào chúng tôi lại không luôn luôn chống lại những hành động đó ? Bây giờ mọi người đều có thể thấy rằng chính phủ hiện nay của nước Nga đang áp bức và bóp nghẹt các dân tộc « không phải » người Nga đến mức nào. Cũng rất rõ ràng rằng, ngày này qua ngày khác, chính sách đó của chính phủ đã làm cho sự giác ngộ giai cấp của giai cấp vô sản bị đồi bại và phải chịu một sự thử thách nguy hiểm. Do đó, chúng tôi luôn luôn và bất kỳ ở đâu cũng đấu tranh chống lại chính sách hủ hóa ấy của chính phủ Nga hoàng. Do đó, luôn luôn và bất kỳ ở đâu chúng tôi cũng sẽ bảo vệ những cơ quan hữu ích và ngay cả những cơ quan vô ích của các dân tộc đó, chống lại sự tàn bạo cảnh sát của chế độ chuyên chế, vì những lợi ích của giai cấp vô sản Nga dạy chúng tôi rằng chỉ có bản thân các dân tộc đó mới có quyền thủ tiêu hay phát triển những yếu tố này hay yếu tố khác của nền văn hóa dân tộc của họ. Hãy đọc điều 9 trong Cương lĩnh của đảng chúng tôi. Phải chăng chính đó là vấn đề mà điều 9 trong tương lĩnh của đảng chúng tôi đã đề cập đến, và nó cũng đã làm cho kẻ thù của chúng tôi cũng như bạn hữu của chúng tôi bình luận sôi nổi ?

Nhưng ở đây người ta ngắt lời chúng tôi và người ta khuyên chúng tôi không nên nói đến điều 9 nữa. Chúng tôi xin hỏi : tại sao vậy? Thì họ trả lời chúng tôi rằng : « vì » điều đó trong cương lĩnh của chúng tôi « hoàn toàn mâu thuẫn » với điều 3, 7 và 8 của cùng bản cương lĩnh đó ; nếu người ta thuận cho các dân tộc có quyền giải quyết tất cả những công việc dân tộc của họ theo ý riêng của họ (xem điều 9), thì trong cương lĩnh ta đang nói đến, không thể có điều 3, 7 và 8 được ; ngược lại, nếu giữ những điều đó lại trong cương lĩnh, thì hiển nhiên là phải bỏ điều 9 đi. Chắc chắn luận điệu đó gần giống như luận điệu của tờ Xứ Giê-óoc-gi*, khi nó nêu ra một cách nông nổi theo thói quen của nó câu hỏi sau đây: « Nói với một dân tộc rằng tôi cho anh quyền tự trị hành chính địa phương mà đồng thời lại nhắc cho dân tộc đó biết rằng họ có quyền giải quyết toàn bộ công việc dân tộc theo ý riêng của họ, thì như thể há chẳng phải là lôgic tài tình đó ư? » (Xem tờ Xứ Giê-óoc-gi số 9). « Hoàn toàn rõ ràng » là có một sự mâu thuẫn lôgic còn lọt vào trong cương lĩnh ; « hoàn toàn rõ ràng » là muốn xóa bỏ mâu thuẫn đó, thì phải bỏ bớt một hay nhiều điều trong cương lĩnh đi! Đúng, « nhất thiết » phải bỏ bớt những điều đó đi, vì, ai nấy đều biết, chính bản thân lôgic cũng phản kháng bằng cái giọng lưỡi của tờ báo phi lôgic Xứ Giê-óoc-gi.

Tôi nhớ lại một câu chuyện cũ. Trước kia có một nhà « giải phẫu thông thái ». Ông ta đã có « tất cả những cái cần thiết » cho một nhà giải phẫu « chân chính »: bằng cấp, địa điểm, dụng cụ, những kỳ vọng cao độ. Ông ta chỉ thiếu có một điều nhỏ : tri thức về giải phẫu. Một hôm, người ta yêu cầu ông ta giải thích cho biết về sự liên hệ giữa các bộ phận của bộ xương mà ông ta bầy la liệt trên bàn giải phẫu của ông ta. Đó là dịp đề nhà « giải phẫu thông thái » của chúng ta trổ tài. Ông ta đã bắt tay « vào việc » một cách long trọng và trang nghiêm. Nhưng điều bất hạnh là ông ta lại chẳng hiểu tý gì về phẫu thuật cả, ông ta không biết phải gắn bộ phận này với bộ phận nào để tạo thành một bộ xương hoàn toàn! Con người đáng thương đó tốn biết bao công sức, mồ hôi mướt ra, nhưng vô ích! Rốt cuộc, khi ông ta làm rối tung cả lên rồi, mà chẳng đi đến đâu cả, ông ta liền cầm vài mẩu xương rồi vứt đi, đồng thời, với cái giọng triết học ông ta đã trách mắng và quả quyết rằng những người « ác ý » đã đề những mẫu già xương giả lên bàn của ông ta. Còn về phần khán giả thì dĩ nhiên là họ sẽ mỉa mai nhà « giải phẫu thông thái » đó.

Tờ Xứ Giê-óoc-gi cũng gặp điều « rủi ro » như thế. Họ ngẫu nhiên có ý muốn phân tích cương lĩnh của đảng ta ; nhưng họ lại không biết mục đích của cương lĩnh của đảng ta là gì và phải phân tích nó như thế nào ; vì không biết mối liên hệ giữa các điều trong bản cương lĩnh đó, không hiểu ý nghĩa của mỗi một điều lệ nói riêng, nên báo đó khuyên chúng ta với « cái giọng triết học » rằng: tôi không thể hiểu được những điều này, điều nọ trong cương lĩnh của các anh, vậy thì (?!) các anh hãy xóa bỏ những điều đó đi.

Nhưng tôi không có ý chế giễu tờ Xứ Giê-óoc-gi vì bản thân nó cũng đã khá lố lăng rồi ; phương ngôn có câu : không nên đánh một người đã ngã. Trái lại, tôi còn sẵn sàng giúp đỡ báo đó để làm cho họ hiểu rõ cương lĩnh của chúng tôi, nhưng với điều kiện là: 1) bản thân báo đó phải thừa nhận là mình dốt ; 2) báo đó hãy chú ý nghe lời tôi nói và 3) báo đó hãy tuân theo lôgic.

Vấn đề là như thế này. Những điều 3, 7 và 8 trong cương lĩnh của chúng tôi là căn cứ vào chế độ tập trung về chính trị và quy định ra. Khi Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga ghi những điều đó vào trong cương lĩnh của mình, thì họ thấy rằng nói chung việc giải quyết « dứt khoát » « vấn đề dân tộc » - nghĩa là « giải phóng » các dân tộc « không phải » người Nga sẽ không thể thực hiện được chừng nào hãy còn sự thống trị chính trị của giai cấp tư sản. Và như thế là vì hai lý do sau đây: thứ nhất là sự phát triển kinh tế hiện nay đã dần dần làm cho những « dân tộc không phải người Nga » và « nước Nga » gần gũi với nhau ; sự phát triển đó tạo ra một mối liên hệ ngày càng mật thiết giữa các dân tộc này với nhau và do đó trong những tập đoàn lãnh đạo của giai cấp tư sản của các dân tộc đó có những mối cảm tình hữu hảo, khiến cho những ước vọng « giải phóng dân tộc » của chúng mất hết cơ sở ; thứ hai là nói khái quát thì giai cấp vô sản sẽ không ủng hộ cái gọi là phong trào « giải phóng dân tộc » [của giai cấp tư sản], vì rằng, cho đến nay bất cứ một phong trào nào giống như thế đều chỉ được tiến hành vì lợi ích của giai cấp tư sản, là giai cấp đã hủ hóa và làm tổn hại đến sự giác ngộ giai cấp của giai cấp vô sản. Đó là những lý do sản sinh ra tư tưởng của chế độ tập trung và chính trị và những điều 3, 7 và 8 trong cương lĩnh của đảng chúng tôi cũng do đó mà ra.

Nhưng, như chúng tôi đã nói ở trên, đó là một quan điểm chung.

Mặc dầu như thế, nhưng không phải không có thể có những điều kiện, kinh tế và chính trị, có thể làm cho các giới tiến bộ của giai cấp tư sản thuộc các dân tộc « không phải người Nga » đang mong muốn « dân tộc được giải phóng »,

Cũng có thể là phong trào đó tạo thuận lợi cho sự phát triển của trình độ giác ngộ giai cấp của giai cấp vô sản.

Vậy đảng chúng tôi phải làm gì ?

Chính vì tình hình đó có thể xảy ra, nên điều 9 đã được ghi trong cương lĩnh của chúng tôi ; chính vì có thể dự kiến được tình hình đó nên mới thuận cho các dân tộc đó có quyền giải quyết những công việc dân tộc của họ tùy theo nguyện vọng của họ (chẳng hạn như muốn hoàn toàn « giải phóng », và phân lập).

Đảng chúng tôi là một đảng lấy việc cấp vô sản đấu tranh cho toàn nước Nga làm mục đích, nên phải chuẩn bị đầy đủ để có thể đối phó với tình hình như thế trong đời sống của giai cấp vô sản, và chính vì lý do đó nên đảng chúng tôi đã phải ghi một điều lệ giống như thế vào trong cương lĩnh của mình. Bất cứ một đảng nào lo xa và sáng suốt cũng phải hành động như thế.

Tuy nhiên ý nghĩa của điều 9 đó không làm cho « những nhà thông thái » của tờ Xứ Giê-óoc-gi và một số nhà dân chủ - xã hội liên bang chủ nghĩa thỏa mãn. Họ đòi hỏi phải trả lời « dứt khoát » và « trực tiếp » vấn đề: « độc lập dân tộc » đối với giai cấp vô sản có lợi hay không ? *

Tôi nhớ tới những nhà siêu hình Nga từ năm 1850 đến 1860, đã quấy rầy những nhà biện chứng để hỏi xem nước mưa có hại cho mùa màng không và họ đòi hỏi những nhà biện chứng trả lời « dứt khoát ». Đương nhiên những nhà biện chứng đã chứng minh một cách dễ dàng bằng cách đặt vấn đề như vậy chẳng có một chút gì là khoa học cả, rằng phải tùy theo những điều kiện mà trả lời, rằng khi trời hạn hán thì mưa là có ích, trái lại khi thời tiết ẩm thấp thì mưa là vô ích và thậm chí có hại nữa, cho nên đòi hỏi trả lời « dứt khoát » về vấn đề ấy là hoàn toàn điên rồ.

Nhưng những thí dụ đó không giúp ích gì cho tờ Xứ Giê-óoc-gi cả.

Những môn đồ của Béc-stanh đòi hỏi những người mác-xít trả lời « dứt khoát » giống như thể về vấn đề sau đây: những hợp tác xã (tức là những hội tiêu dùng và sản xuất) có lợi hay có hại cho giai cấp vô sản ? Những người mác-xít trả lời một cách dễ dàng rằng cách đặt vấn đề như vậy không có ý nghĩa gì cả. Họ giải thích bằng những lời rất giản dị rằng mọi vật đều phụ thuộc vào thời gian và không gian ; rằng ở đâu mà sự giác ngộ giai cấp của giai cấp vô sản đã phát triển đến mức độ mong muốn, mà những người vô sản đã đoàn kết thành một đảng chính trị vững chắc, thì những hợp tác xã có thể rất có lợi cho giai cấp vô sản, nếu chính bản thân đang định trách nhiệm xây dựng và lãnh đạo những hợp tác xã đó ; trái lại ở đâu mà thiếu những điều kiện ấy, thì những hợp tác xã trở thành có hại đối với giai cấp vô sản, vì những hợp tác xã đó làm cho công nhân có khuynh hướng con buôn và chủ nghĩa nghiệp đoàn có thể và do đó làm tổn hại sự giác ngộ giai cấp của họ.

Những thí dụ đó cũng không giúp ích gì cho « phái Xứ Giê-óoc-gi » cả. Họ hỏi một cách khẩn khoản hơn nữa rằng : độc lập dân tộc đối với giai cấp vô sản là có lợi hay có hại ? Các anh hãy trả lời một cách dứt khoát!

Nhưng chúng ta thấy rằng những điều kiện khả dĩ gây ra và phát triển một phong trào « giải phóng dân tộc » trong giai cấp tư sản thuộc các dân tộc « khác giống » còn chưa thực hiện được và thấy rằng những điều kiện đó không phải hoàn toàn không tránh được trong tương lai, nên chúng ta chỉ coi đó là những điều kiện có thể xảy ra. Mặt khác, hiện nay chưa có thể nói chắc rằng tinh thần giác ngộ giai cấp của giai cấp vô sản lúc đó sẽ phát triển đến mức độ nào và phong trào đó sẽ có lợi hay có hại cho nó đến mức độ nào! Thế thì căn cứ vào đâu để trả lời « dứt khoát » vấn đề đó và lấy ở đâu ra câu trả lời ấy kia chứ. Trong điều kiện như vậy mà đòi hỏi phải trả lời « dứt khoát » thì chẳng là ngu ngốc sao ?

Rõ ràng là cần phải để cho các dân tộc « khác giống » tự mình giải quyết vấn đề đó, còn chúng ta thì phải làm cho họ có quyền giải quyết vấn đề đó. Khi cần thiết các dân tộc phải tự mình quyết định xem « độc lập dân tộc » có lợi hay có hại cho họ ; và nếu có lợi, thì phải thực hiện dưới hình thức nào ? Chỉ có họ mới có thể giải quyết được vấn đề đó!

Như vậy, điều 9 quy định cho các dân tộc « khác giống » có quyền giải quyết những công việc dân tộc của mình theo nguyện vọng của mình. Và cũng căn cứ vào điều đó, chúng ta phải làm thế nào cho những nguyện vọng của các dân tộc ấy có tính chất thật sự dân chủ - xã hội và xuất phát từ lợi ích giai cấp của giai cấp vô sản. Do đó cần phải lấy tinh thần dân chủ - xã hội đề giáo dục những người vô sản thuộc các dân tộc ấy, và dùng tinh thần dân chủ - xã hội đề nghiêm khắc phê phán những phong tục, tập quán và những tổ chức « dân tộc » phản động, điều đó không hề ngăn cản chúng ta bảo vệ cũng những phong tục, tập quán và những tổ chức ấy nhằm chống lại sự tàn bạo của cảnh sát.

Đó là tư tưởng cơ bản của điều 9.

Rất dễ thấy mối liên hệ lôgic nào đã gắn bó mật thiết điều đó trong cương lĩnh của chúng ta với những nguyên tắc đấu tranh của giai cấp vô sản. Vì toàn bộ cương lĩnh của chúng ta đều dựa trên nguyên tắc đó, nên mối liên hệ lôgic giữa điều 9 với tất cả những điều khác trong cương lĩnh của đảng ta cũng thể hiện một cách rõ ràng.

Sở dĩ tờ Xứ Giê-óoc-gi ngu ngốc được gọi là cơ quan báo chí « thông thái », chính là vì nó không lãnh hội được những tư tưởng giản đơn đến như thế.

Về « vấn đề dân tộc » còn có cái gì phải bàn đến nữa không ?

5. « Việc bảo vệ tinh thần dân tộc và những đặc điểm của nó chăng » ?

Nhưng « tinh thần dân tộc và những đặc điểm của nó » là cái gì ? Căn cứ vào chủ nghĩa duy vật biện chứng, từ lâu khoa học đã chứng minh rằng không hề có và không thể có « tinh thần dân tộc ». Có người nào đã từng bác bỏ quan điểm đó của chủ nghĩa duy vật biện chứng chưa ? Lịch sử đã dạy chúng ta rằng chưa có một ai cả. Do đó, chúng ta phải thừa nhận quan điểm ấy của khoa học và cùng với khoa học chúng ta phải nhắc lại rằng không hề có không thể có « tinh thần dân tộc ». Nhưng, nếu như vậy, nếu không hề có « tinh thần dân tộc » , thì đương nhiên là mọi sự bảo vệ cho cái không tồn tại, đều là một điều phi lý lôgic, và tất nhiên nó sẽ dẫn tới những hậu quả lịch sử (không tốt). Chỉ có tờ Xứ Giê-óoc-gi, « cơ quan của đảng cách mạng của những người xã hội liên bang chủ nghĩa Giê-óoc-gi », mới có thể đưa ra những điều vô lý « có tính chất triết học » như vậy thôi (xem tờ Xứ Giê-óoc-gi số 9 *).

***

Vấn đề dân tộc là như thế.

Như mọi người đều biết, đảng ta đã phân giải vấn đề dân tộc thành những yếu tố của nó, đã rút ra cái tinh hoa để truyền vào huyết quản của cương lĩnh của mình và làm như thế, đảng đã chỉ rõ rằng người dân chủ - xã hội phải giải quyết « vấn đề dân tộc » như thế nào để hoàn toàn xóa bỏ những hàng rào ngăn cách dân tộc, mà không một lúc nào được tách rời nguyên tắc của mình.

Người ta tự hỏi rằng những đảng dân tộc riêng thì có lợi gì ? Hoặc giả : hãy cho chúng tôi biết cái « cơ sở » dân chủ - xã hội trên đó những quan điểm chính trị và những nguyên tắc tổ chức của những người dân chủ - xã hội liên bang chủ nghĩa được xây dựng xem nào! « Cơ sở » đó, chúng ta không thấy và nó cũng không có nữa. Bọn dân chủ - xã hội liên bang chủ nghĩa vẫn lơ lửng trên không.

Họ có thể dùng hai cách để thoát khỏi cái vị trí không thuận lợi đó. Hoặc là hoàn toàn từ bỏ quan điểm của giai cấp vô sản cách mạng và theo nguyên tắc củng cố hàng rào ngăn cách dân tộc (tức là chủ nghĩa cơ hội dưới hình thức liên bang chủ nghĩa); hoặc là đoạn tuyệt với mọi chủ nghĩa liên bang trong tổ chức của đảng, mạnh dạn tuyên bố cần thiết phải xóa bỏ hàng rào ngăn cách dân tộc và cần phải tập hợp nhau lại trong cùng một phái, phái của Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga.

Bảo « Đấu tranh của giai cấp vô sản » ,
số 7, ngày 1 tháng Chín 1904

Nhận xét

Bài đăng phổ biến