Bài phát biểu tại cuộc mít-tinh bầu cử, 9 Tháng hai 1946


Thưa các đồng chí!

Tám năm đã trôi qua kể từ cuộc bầu cử cuối cùng của Xô-viết Tối cao. Đây là một thời kỳ đầy những sự kiện mang tính quyết định. Bốn năm đầu là những năm lao động sôi nổi của nhân dân Liên Xô trong việc thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ ba. Bốn năm tiếp theo bao gồm các sự kiện của cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Đức và Nhật Bản - các sự kiện của Thế chiến II. Không nghi ngờ gì nữa, chiến tranh là sự kiện trọng đại trong suốt thời kỳ vừa qua.

Sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra một cách vô tình, hoặc là kết quả từ những sai lầm của một số chính khách, mặc dù họ chắc chắn đã phạm phải những sai lầm. Trên thực tế, chiến tranh nổ ra là kết quả tất yếu của sự phát triển của các lực lượng kinh tế và chính trị thế giới trên cơ sở chủ nghĩa tư bản độc quyền ngày nay. Các nhà mác-xít đã hơn một lần nhận định rằng hệ thống kinh tế thế giới tư bản chủ nghĩa chứa đựng những yếu tố của tổng khủng hoảng và xung đột quân sự, rằng theo quan niệm này, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản thế giới trong thời đại chúng ta không diễn ra thuận lợi và đồng đều mà phải trải qua khủng hoảng và những thảm họa chiến tranh. Vấn đề là sự phát triển không đồng đều của các nước tư bản theo thời gian thường dẫn đến sự xáo trộn mạnh mẽ của trạng thái cân bằng trong hệ thống chủ nghĩa tư bản thế giới, và nhóm các nước tư bản cung cấp nguyên liệu thô thì kém an toàn hơn và thị trường luôn cố gắng thay đổi tình hình và phân chia lại "phạm vi ảnh hưởng" có lợi cho mình - bằng quân đánh thuê. Kết quả là, thế giới tư bản bị chia thành hai phe thù địch, và chiến tranh nổ ra.

Có lẽ thảm họa chiến tranh có thể tránh được nếu có thể định kỳ phân chia lại nguyên liệu thô và thị trường giữa các quốc gia tương ứng phù hợp với quy mô kinh tế của họ - bằng phương pháp phối hợp và các quyết định hòa bình. Nhưng điều này là không thể trong điều kiện phát triển kinh tế thế giới tư bản chủ nghĩa hiện nay.

Như vậy, do hậu quả của cuộc khủng hoảng đầu tiên của hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, Thế chiến I nổ ra; tương tự, hậu quả của cuộc khủng hoảng thứ hai gây ra Thế chiến II.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa rằng Thế chiến II là bản sao của Thế chiến I. Ngược lại, Thế chiến II khác một cách cơ bản về đặc điểm so với Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cần phải nhớ rằng trước khi tấn công các nước Đồng minh, các quốc gia phát xít lớn - Đức, Nhật Bản và Ý – đã hủy diệt những dấu tích cuối cùng của các quyền tự do dân chủ tư sản ở quê nhà và thiết lập ở đó một chế độ tàn bạo, khủng bố, chà đạp lên nguyên tắc về chủ quyền và phát triển tự do của các nước nhỏ, tuyên bố chủ trương chiếm đoạt lãnh thổ nước khác của mình và công khai rằng họ đang hướng tới mục tiêu thống trị thế giới và sự lan rộng của chế độ phát xít trên toàn thế giới; và bằng cách chiếm Tiệp Khắc và các vùng trung tâm của Trung Quốc, phe Trục cho thấy họ đã sẵn sàng thực hiện mối đe dọa nô dịch tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình. Theo quan điểm này, không giống như Thế chiến I, Thế chiến II chống lại phe Trục, ngay từ đầu đã mang tính chất của một cuộc chiến tranh chống phát xít, một cuộc chiến tranh giải phóng, một trong những nhiệm vụ là khôi phục các quyền tự do dân chủ. Việc Liên Xô tham gia cuộc chiến chống lại phe Trục chỉ có thể làm tăng thêm - và thực sự đã làm tăng thêm - tính chất chống phát xít và giải phóng của Chiến tranh thế giới thứ hai.

Chính trên cơ sở đó, liên minh chống phát xít gồm Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh và các nước yêu chuộng tự do khác ra đời và sau này đóng vai trò quyết định trong việc đánh bại lực lượng phe Trục.

Đó là cách tiếp cận vấn đề nguồn gốc và đặc điểm của Thế chiến II.

Tất cả mọi người, có lẽ, bây giờ đều thừa nhận rằng chiến tranh không phải là và cũng không thể là một tai nạn đối với sinh mệnh của người dân, nó thực sự đã trở thành một cuộc chiến của nhân dân vì sự tồn tại của chính họ, và vì thế mà không thể diễn ra chiến tranh nhanh và chớp nhoáng.

Đối với đất nước ta, cuộc chiến này là ác liệt và gian khổ nhất trong lịch sử Tổ quốc.

Nhưng chiến tranh không chỉ là một lời nguyền. Đó cũng là một trường học tuyệt vời, trong đó tất cả lực lượng của nhân dân đã được kiểm tra và thử thách. Chiến tranh đã phơi bày bản chất của các sự kiện, nó tàn nhẫn xé bỏ tất cả những tấm màn che giấu các đặc điểm thực tế của các quốc gia, chính quyền và đảng phái, và đưa họ lên sân khấu mà không đeo mặt nạ, với tất cả công và tội của họ. Bản chất của chiến tranh là một phép thử cho hệ thống Xô-viết, Nhà nước, Chính phủ của và Đảng Cộng sản của chúng ta; và nó tóm tắt công việc của họ và nói, như nó là: Đây, nhân dân, cuộc sống và công việc của họ - hãy xem xét họ một cách cẩn thận và đối xử sao cho xứng đáng với công lao của họ.

Đây là một trong những mặt tích cực của cuộc chiến.

Đối với chúng ta, đối với cử tri, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì nó giúp chúng ta đánh giá một cách nhanh chóng, khách quan về hoạt động của Đảng và những người của Đảng và đưa ra những kết luận đúng đắn. Vào một lúc khác, chúng ta sẽ phải nghiên cứu các bài phát biểu và báo cáo của các đại biểu của Đảng, phân tích họ, so sánh lời nói với việc làm của họ, tổng hợp kết quả, v.v. Đây là một công việc phức tạp và tốn nhiều công sức, và không có gì đảm bảo là không xảy ra sai sót. Bây giờ thì khác, khi chiến tranh đã kết thúc, khi chiến tranh đã kiểm tra công tác của các tổ chức và lãnh đạo và đã tổng kết nó lại. Giờ đây, việc phân tích các vấn đề và đi đến kết luận chính xác đã trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Như vậy, kết quả của cuộc chiến là gì?

Nghĩa là vào kết quả của cuộc chiến, kẻ thù đã phải chịu thất bại, chúng ta và Đồng minh là người chiến thắng. Chúng ta đã kết thúc cuộc chiến với thắng lợi hoàn toàn trước kẻ thù - đây là kết quả chính của cuộc chiến. Nhưng điều này là quá chung chung, và chúng ta không thể dừng lại ở đây. Tất nhiên, để đánh bại kẻ thù trong một cuộc chiến như Thế chiến II, cuộc chiến tranh chưa từng có ​​trong lịch sử nhân loại, có nghĩa là đã đạt được một chiến thắng quan trọng trong lịch sử thế giới. Tất cả điều này là sự thật. Tuy nhiên, đó vẫn là kết quả chung, và chúng ta không thể chỉ bằng lòng với nó. Để đánh giá cao tầm quan trọng lịch sử to lớn của chiến thắng của chúng ta, chúng ta phải phân tích vấn đề một cách cụ thể hơn.

Và vì vậy, chiến thắng của chúng ta trước kẻ thù phải được giải thích như thế nào? Thắng lợi này có thể biểu thị điều gì theo quan điểm của nhà nước và sự phát triển bên trong của đất nước ta?

Chiến thắng của chúng ta trước hết biểu thị rằng hệ thống xã hội Xô-viết đã chiến thắng, rằng hệ thống xã hội Xô-viết đã vượt qua thử thách trong chiến tranh và chứng tỏ rằng nó hoàn toàn có thể tồn tại được.

Mọi người đều biết, báo chí nước ngoài đã hơn một lần khẳng định rằng hệ thống xã hội Xô-viết là một "thử nghiệm mạo hiểm" sẽ thất bại, rằng hệ thống Xô-viết là một "ngôi nhà xếp bằng những lá bài" không có cơ sở thực tế và được áp đặt lên nhân dân bởi Cheka, và chỉ cần một cú sốc nhẹ cũng đủ khiến "ngôi nhà xếp bằng những lá bài" này sụp đổ.

Bây giờ chúng ta có thể nói rằng cuộc chiến đã bác bỏ tất cả những khẳng định này của báo chí nước ngoài và đã chứng minh chúng là vô căn cứ. Chiến tranh đã chứng minh rằng hệ thống xã hội của Liên Xô là một hệ thống nhân dân thực sự, hệ thống này lớn lên từ hàng ngũ của nhân dân và nhận được sự ủng hộ đắc lực của họ; rằng hệ thống xã hội Xô-viết là một hình thức tổ chức xã hội hoàn toàn có thể tồn tại và tồn tại một cách ổn định.

Hơn nữa, vấn đề bây giờ không phải là liệu hệ thống xã hội Xô-viết có tồn tại được hay không, bởi vì sau những bài học kinh nghiệm của cuộc chiến, giờ đây không một người nào dám bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng tồn tại của hệ thống xã hội Xô-viết. Bây giờ vấn đề là hệ thống xã hội Xô-viết đã tỏ ra tồn tại và ổn định hơn các hệ thống xã hội ngoài Liên Xô, rằng hệ thống xã hội Xô-viết là một hình thức tổ chức xã hội tốt hơn bất kỳ hệ thống xã hội nào ngoài Liên Xô.

Thứ hai, chiến thắng của chúng ta biểu thị rằng hệ thống nhà nước Xô-viết đã chiến thắng, rằng nhà nước Xô-viết đa dân tộc đã vượt qua tất cả sự kiểm tra của cuộc chiến và chứng tỏ khả năng tồn tại của nó.

Mọi người đều biết, các nhà báo nổi tiếng ở nước ngoài đã hơn một lần bày tỏ niềm tin rằng nhà nước Xô-viết đa dân tộc là một "cấu trúc nhân tạo và tồn tại trong thời gian ngắn", rằng nếu có bất kỳ một vấn đề phức tạp nào phát sinh, thì Liên Xô sẽ không thể tránh khỏi sự sụp đổ, rằng số phận Liên Xô sẽ giống như Áo-Hungary.

Bây giờ chúng ta có thể nói rằng cuộc chiến đã bác bỏ những tuyên bố này của báo chí nước ngoài và chứng tỏ chúng không có cơ sở. Chiến tranh đã chứng minh rằng hệ thống nhà nước đa dân tộc của Liên Xô đã vượt qua thử thách một cách xuất sắc, phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong chiến tranh, và hóa ra là một hệ thống nhà nước khá khả thi. Những người này không nhận ra rằng sự so sánh với Áo-Hungary là không thể đứng vững, bởi vì nhà nước đa dân tộc của chúng ta lớn lên không phải trên nền móng tư sản, điều này kích thích tình cảm không tin tưởng và thù hằn giữa các dân tộc, mà dựa trên nền tảng Xô-viết, ngược lại, vun đắp tình cảm hữu nghị và sự hợp tác anh em giữa các dân tộc trên đất nước ta.

Sau những bài học của chiến tranh, những quý ông này không còn dám ra mặt và phủ nhận khả năng tồn tại của hệ thống nhà nước Xô-viết. Vấn đề bây giờ không còn là khả năng tồn tại của hệ thống nhà nước Xô-viết, bởi vì không thể nghi ngờ gì về khả năng tồn tại của nó. Bây giờ vấn đề là hệ thống nhà nước Xô-viết đã chứng tỏ rằng nó là một nhà nước đa dân tộc kiểu mẫu, rằng hệ thống nhà nước Xô-viết là một hệ thống tổ chức nhà nước, trong đó vấn đề dân tộc và vấn đề hợp tác giữa các dân tộc đã tìm ra một giải pháp tốt hơn bất kỳ nhà nước đa dân tộc nào khác.

Thứ ba, chiến thắng của chúng ta biểu thị rằng Lực lượng vũ trang Liên Xô đã chiến thắng, Hồng quân của chúng ta đã chiến thắng, rằng Hồng quân đã anh dũng chống chọi với mọi gian khổ của cuộc chiến, đánh bại hoàn toàn quân đội của kẻ thù, và trở thành người chiến thắng trong cuộc chiến. (Có tiếng nói vang lên: "Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Stalin!". Vỗ tay lớn và kéo dài)

Giờ đây, tất cả mọi người, bạn và thù đều thừa nhận rằng Hồng quân đã hoàn thành được nhiệm vụ khó khăn của mình. Nhưng cách đây sáu năm trước, vào thời kỳ trước chiến tranh. Như chúng ta đã biết, các nhà báo nổi tiếng ở nước ngoài, và nhiều cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề quân sự ở nước ngoài, đã nhiều lần tuyên bố rằng tình trạng của Hồng quân đã làm dấy lên những nghi ngờ nghiêm trọng, rằng Hồng quân được trang bị kém và thiếu một đội ngũ chỉ huy phù hợp, rằng tinh thần của họ tệ hại cùng cực, rằng mặc dù nó có thể phù hợp để phòng thủ, nhưng nó không thích hợp để tấn công, và rằng, nếu bị quân Đức tấn công, Hồng quân sẽ sụp đổ như "người khổng lồ trên đôi chân đất sét." Những tuyên bố như vậy không chỉ được đưa ra ở Đức, mà còn ở Pháp, Anh và Mỹ.

Bây giờ chúng ta có thể nói rằng cuộc chiến đã bác bỏ tất cả những tuyên bố này và chứng minh chúng là vô căn cứ và lố bịch. Cuộc chiến đã chứng minh rằng Hồng quân không phải là "người khổng lồ trên đôi chân đất sét", mà là một đội quân hiện đại hạng nhất, được trang bị những vũ khí tối tân nhất, được dẫn dắt bởi những chỉ huy giàu kinh nghiệm nhất và có tinh thần và khả năng chiến đấu cao. Không được quên rằng Hồng quân là đội quân đã đánh bại hoàn toàn quân Đức, đội quân mà chỉ mới hôm qua thôi đã gây ra nỗi kinh hoàng cho quân đội các nước châu Âu.

Cần phải lưu ý rằng những người "chỉ trích" Hồng quân ngày càng ít đi. Hơn thế. Các bình luận ngày càng xuất hiện thường xuyên trên báo chí nước ngoài cho thấy phẩm chất cao đẹp của Hồng quân, kỹ năng của người lính và người chỉ huy, và sự hoàn hảo trong chiến lược và chiến thuật của họ. Điều này có thể hiểu được. Sau những chiến thắng rực rỡ mà Hồng quân đạt được tại Moscow và Stalingrad, tại Kursk và Belgorod, tại Kiev và Kirovograd, tại Minsk và Bobruisk, tại Leningrad và Tallinn, tại Jassy và Lvov, Vistula và Niemen, trên sông Danube và Oder và tại Vienna và Berlin - sau tất cả những điều này, không thể không thừa nhận rằng Hồng quân là đội quân hạng nhất, từ đó có thể học hỏi được nhiều điều. (Vỗ tay vang dội.)

Đây là cách chúng ta hiểu cụ thể về chiến thắng mà đất nước chúng ta đã đạt được trước kẻ thù của mình.

Như vậy, về cơ bản, là kết quả của cuộc chiến.

Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng chiến thắng lịch sử đó có thể đạt được nếu không có sự chuẩn bị sơ bộ của cả nước cho thế trận phòng thủ. Sẽ mắc phải không ít sai lầm nếu cho rằng việc chuẩn bị như vậy có thể được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn, trong vòng ba hoặc bốn năm. Sẽ càng sai lầm hơn nếu khẳng định rằng chiến thắng của chúng ta hoàn toàn là do sự dũng cảm của quân ta. Nếu không dũng cảm thì tất nhiên là không thể đạt được chiến thắng. Nhưng dũng cảm thôi thì không đủ để chế ngự kẻ thù sở hữu một đội quân đông đảo, vũ khí trang bị hạng nhất, sĩ quan được đào tạo bài bản và việc tiếp tế được tổ chức khá tốt. Để chống lại sự tấn công của một kẻ thù như vậy, chống lại và sau đó là hoàn toàn đánh bại chúng, ngoài sự dũng cảm vô song của quân đội ta, vũ khí trang bị phải đầy đủ và việc tiếp tế được tổ chức tốt và đủ để đáp ứng yêu cầu. Nhưng để làm được điều này thì cần phải có đủ những thứ cơ bản như: kim loại - để sản xuất vũ khí, thiết bị và máy móc công nghiệp; nhiên liệu - để đảm bảo hoạt động của ngành công nghiệp và giao thông vận tải; bông - để sản xuất quần áo quân đội; ngũ cốc - để cung cấp lương thực cho quân đội.

Có thể tin rằng trước khi bước vào Chiến tranh thế giới thứ hai, đất nước chúng ta đã sở hữu những tiềm năng vật chất tối thiểu cần thiết để đáp ứng những yêu cầu chính này không? Tôi nghĩ là có thể. Để chuẩn bị cho nhiệm vụ to lớn này, chúng ta phải thực hiện ba Kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế quốc dân. Chính 3 lần Kế hoạch 5 năm này đã cho phép chúng ta tạo ra những tiềm năng vật chất đó. Trong tất cả các sự kiện, tình hình ở nước ta về mặt này đã từng tốt hơn rất nhiều trước Thế chiến II, năm 1940, so với trước Thế chiến I, năm 1913.

Những tiềm năng vật chất mà nước ta sử dụng trước Thế chiến II là gì?

Để giúp mọi người hiểu điều này, tôi phải báo cáo tóm tắt những hoạt động của Đảng Cộng sản trong vấn đề chuẩn bị cho đất nước ta vào thế phòng thủ tích cực.

Nếu chúng ta lấy dữ liệu của năm 1940 - trước Thế chiến II - và so sánh với dữ liệu của năm 1913 - trước Thế chiến I - chúng ta sẽ có được bức tranh sau.

Năm 1913, ở nước ta đã sản xuất được 4.220.000 tấn gang, 4.230.000 tấn thép, 29.000.000 tấn than, 9.000.000 tấn dầu, 21.600.000 tấn ngũ cốc và 740.000 tấn bông thô.

Đó là những tiềm năng vật chất của đất nước ta khi bước vào Thế chiến I.

Đây là cơ sở kinh tế cũ mà Nga có thể sử dụng cho chiến tranh.

Đến năm 1940, trong năm đó ở nước ta đã sản xuất được những thứ sau: 15.000.000 tấn gang, tức là gần gấp bốn lần năm 1913; 18.300.000 tấn thép, tức là gấp bốn lần rưỡi so với năm 1913; 166.000.000 tấn than, tức là gấp năm lần rưỡi so với năm 1913; 31.000.000 tấn dầu, tức là gấp ba lần rưỡi so với năm 1913; 38.300.000 tấn ngũ cốc bán được, tức là tăng 17.000.000 tấn so với năm 1913; 2.700.000 tấn bông thô, tức là gấp ba lần rưỡi so với năm 1913.

Đó là những tiềm năng vật chất của đất nước ta khi bước vào Thế chiến II.

Đây là cơ sở kinh tế mà Liên Xô có thể sử dụng cho chiến tranh.

Sự khác biệt, như các bạn đã thấy, là rất lớn.

Sự tăng trưởng sản xuất chưa từng có này không thể coi là sự phát triển đơn giản và bình thường của một đất nước từ lạc hậu thành tiến bộ. Đó là một bước nhảy vọt mà Tổ quốc ta từ một nước lạc hậu trở thành một nước tiên tiến, từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp.

Sự chuyển biến lịch sử này được thực hiện trong quá trình của ba lần Kế hoạch 5 năm, bắt đầu từ năm 1928 - năm đầu tiên của lần Kế hoạch 5 năm đầu tiên. Cho đến thời điểm đó, chúng ta phải khôi phục lại các ngành công nghiệp đã bị phá hủy và chữa lành những vết thương do Thế chiến I và Nội chiến gây ra. Nếu chúng ta xem xét thực tế là Kế hoạch 5 năm đầu tiên được thực hiện trong bốn năm và việc thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ ba, bị gián đoạn vào năm thứ tư do chiến tranh, thì có thể thấy rằng sự chuyển đổi của đất nước chúng ta từ một nông nghiệp thành một nước công nghiệp chỉ mất khoảng mười ba năm.

Không thể không thừa nhận rằng mười ba năm là một khoảng thời gian cực kỳ ngắn để thực hiện một nhiệm vụ to lớn như vậy.

Chính điều này đã giải thích cho sự tranh cãi trên báo chí nước ngoài vào thời điểm những con số này được công bố. Bạn bè của chúng ta tin rằng một "phép màu" đã xảy ra; những người có ác ý với chúng ta tuyên bố rằng Kế hoạch 5 năm là "tuyên truyền của bọn Bolshevik" và "thủ đoạn của Cheka." Nhưng vì phép màu không xảy ra và Cheka không đủ quyền lực để có thể thủ tiêu các quy luật phát triển xã hội, nên "dư luận" ở nước ngoài buộc phải chấp nhận sự thật.

Bằng chính sách nào mà Đảng Cộng sản có thể tạo ra những tiềm năng vật chất này trong một thời gian ngắn như vậy?

Trước hết bằng chính sách công nghiệp hoá đất nước Liên Xô.

Phương thức công nghiệp hoá đất nước của Liên Xô hoàn toàn khác với phương thức công nghiệp hoá tư bản chủ nghĩa. Ở các nước tư bản, công nghiệp hóa thường bắt đầu bằng công nghiệp nhẹ. Do công nghiệp nhẹ cần ít đầu tư hơn, vốn quay vòng nhanh hơn và thu lợi nhuận dễ dàng hơn so với công nghiệp nặng, nên công nghiệp nhẹ trở thành đối tượng đầu tiên của công nghiệp hóa ở các nước này. Chỉ sau một thời gian dài, trong đó công nghiệp nhẹ tích lũy lợi nhuận và tập trung vào ngân hàng, chỉ sau đó mới đến lượt công nghiệp nặng và tích lũy bắt đầu chuyển dần sang công nghiệp nặng nhằm mục đích tạo điều kiện cho sự phát triển của nó. Nhưng đây là một quá trình lâu dài, mất nhiều thời gian, kéo dài tới vài thập kỷ, trong thời gian đó ta phải đợi khi công nghiệp nhẹ phát triển và tất nhiên là chưa có công nghiệp nặng. Đương nhiên, Đảng Cộng sản không thể đi theo con đường này. Đảng biết rằng chiến tranh đang đến gần, không thể bảo vệ được đất nước nếu không có công nghiệp nặng, nên phải ra sức phát triển công nghiệp nặng càng nhanh càng tốt, và chậm trễ trong vấn đề này đồng nghĩa với việc thất bại. Đảng nhớ những gì Lenin đã nói về việc không thể bảo vệ nền độc lập nếu không có công nghiệp nặng, và về khả năng hệ thống Xô-viết bị diệt vong nếu không có công nghiệp nặng. Do đó, Đảng Cộng sản đã từ chối con đường công nghiệp hóa “thông thường” và bắt đầu công nghiệp hóa đất nước bằng cách phát triển công nghiệp nặng. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng có thể hoàn thành được. Nó đã được tạo điều kiện rất nhiều bởi việc quốc hữu hóa ngành công nghiệp và các ngân hàng, giúp cho việc thu tiền và chuyển chúng sang ngành công nghiệp nặng có thể nhanh chóng.

Rõ ràng là nếu không có điều này thì không thể biến nước ta thành một nước công nghiệp trong thời gian ngắn như vậy.

Thứ hai, bằng chính sách tập thể hoá nông nghiệp.

Để chấm dứt tình trạng lạc hậu về nông nghiệp và cung cấp cho đất nước một lượng lớn nhất có thể ngũ cốc, bông, v.v., cần phải chuyển từ canh tác nông nghiệp nhỏ lẻ sang canh tác quy mô lớn, chỉ canh tác quy mô lớn mới có thể sử dụng máy móc hiện đại, sử dụng tất cả các thành tựu của khoa học nông nghiệp và cung cấp số lượng sản phẩm lớn nhất có thể cho thị trường. Nhưng có hai loại canh tác quy mô lớn - tư bản chủ nghĩa và tập thể. Đảng Cộng sản không thể đi theo con đường tư bản chủ nghĩa để phát triển nông nghiệp không phải chỉ vì nguyên tắc, mà còn vì con đường đó cực kỳ lâu dài và khiến nông dân phá sản và biến họ thành lao động nông nghiệp. Do đó, Đảng Cộng sản đã đi theo con đường tập thể hoá nông nghiệp, con đường tổ chức các nông trường lớn bằng cách hợp nhất các nông trường nông nghiệp thành các nông trang tập thể. Phương pháp tập thể đã được chứng minh là một phương pháp cực kỳ tiến bộ không chỉ vì nó không làm nông dân phá sản, mà còn, và đặc biệt, vì nó cho phép chúng ta trong vòng vài năm có thể phủ toàn bộ đất nước bằng những nông trang tập thể lớn có khả năng sử dụng máy móc hiện đại, sử dụng tất cả các thành tựu của khoa học nông nghiệp và cung cấp cho đất nước số lượng sản phẩm trên thị trường lớn nhất có thể.

Chắc chắn rằng nếu không có chính sách tập thể hóa, chúng ta đã không thể chấm dứt tình trạng lạc hậu lâu đời của nền nông nghiệp trong một thời gian ngắn như vậy.

Không thể nói rằng chính sách của Đảng không gặp trở ngại. Không chỉ những người lạc hậu, luôn không chịu lắng nghe bất cứ điều gì mới, mà ngay cả nhiều đảng viên ưu tú của Đảng ta cũng cố gắng kéo chân Đảng ta, bằng mọi cách đưa Đảng ta vào con đường phát triển tư bản chủ nghĩa “bình thường”. Tất cả các âm mưu chống Đảng của bọn Trotskyist và của bọn cánh hữu, tất cả các "hoạt động" của chúng trong việc phá hoại các biện pháp của Chính quyền, đều theo đuổi một mục tiêu là làm thất bại chính sách của Đảng và cản trở công nghiệp hóa và tập thể hóa. Nhưng Đảng không nhượng bộ trước những lời đe dọa của một số người cũng như trước sự kêu gào của những người khác và tự tin tiến về phía trước bất chấp mọi thứ. Đó là công lao của Đảng vì nó đã tự thay đổi để bị lạc hậu, nó không sợ đi ngược dòng, và luôn luôn giữ vững vị trí lãnh đạo của mình. Rõ ràng là nếu Đảng Cộng sản không có sự quyết tâm này thì đã không thể duy trì chính sách công nghiệp hóa đất nước và tập thể hóa nông nghiệp.

Liệu Đảng Cộng sản có thể sử dụng hợp lý tiềm năng vật chất được tạo ra theo cách này cho mục đích phát triển sản xuất trong chiến tranh và cung cấp cho Hồng quân những vũ khí cần thiết không?

Tôi nghĩ là có, và nó đã làm như vậy với sự thành công mỹ mãn.

Không tính đến năm đầu tiên của cuộc chiến, khi việc di tản công nghiệp sang miền Đông cản trở công việc phát triển sản xuất thời chiến, có thể nói rằng trong ba năm tiếp theo của cuộc chiến, Đảng đã đạt được những thành công không chỉ giúp cho cung cấp cho mặt trận đủ số lượng pháo, đại liên, súng trường, máy bay, xe tăng và đạn dược, mà còn tích lũy, dự trữ. Hơn nữa, mọi người đều biết, chất lượng vũ khí của chúng ta không những không thua kém mà nói chung, thậm chí còn vượt trội so với quân Đức.

Mọi người đều biết, trong 3 năm chiến tranh vừa qua, ngành công nghiệp nước ta đã sản xuất bình quân mỗi năm trên 30.000 xe tăng, pháo tự hành, xe bọc thép. (Vỗ tay vang dội.)

Ngoài ra, ai cũng biết rằng trong cùng khoảng thời gian đó, ngành công nghiệp nước ta đã sản xuất mỗi năm tới 40.000 chiếc máy bay. (Vỗ tay vang dội.)

Cũng cần biết rằng, ngành công nghiệp nước ta trong cùng khoảng thời gian trên đã sản xuất mỗi năm tới 120.000 khẩu pháo các loại (Vỗ tay vang dội), tới 450.000 súng máy hạng nhẹ và hạng nặng (Vỗ tay vang dội), trên 3.000.000 súng trường (Vỗ tay) và khoảng 2.000.000 khẩu súng trường tự động. (Vỗ tay.)

Cuối cùng, ai cũng biết rằng ngành công nghiệp nước ta trong giai đoạn 1942-44 đã sản xuất mỗi năm trung bình lên đến 100.000 khẩu súng cối. (Vỗ tay vang dội.)

Không cần phải nói rằng đồng thời chúng ta đã sản xuất tương ứng số lượng đạn pháo, mìn các loại, bom hơi, súng trường và súng máy.

Ví dụ, ai cũng biết rằng chỉ riêng trong năm 1944, chúng ta đã sản xuất hơn 240.000.000 quả đạn pháo, bom và mìn (Vỗ tay) và 7.400.000.000 hộp đạn. (Vỗ tay vang dội.)

Đó là bức tranh tổng thể về cách Hồng quân được cung cấp vũ khí và đạn dược.

Như mọi người thấy, nó không giống với bức tranh về cách quân ta được cung cấp trong Thế chiến I, khi mặt trận bị thiếu pháo và đạn pháo kinh niên, khi quân đội chiến đấu mà không có xe tăng và máy bay, và khi cứ ba người thì chỉ có một người là được cấp một khẩu súng trường.

Về việc cung cấp lương thực và quần áo cho Hồng quân, người ta biết rằng mặt trận không chỉ không thiếu bất cứ thứ gì, mà thậm chí, còn có những nguồn dự trữ cần thiết.

Đây là vấn đề hoạt động của Đảng Cộng sản trong thời kỳ đầu chiến tranh và trong chiến tranh.

Bây giờ là đôi lời về kế hoạch hoạt động trước mắt của Đảng Cộng sản. Như các bạn đã biết, những kế hoạch này được xây dựng trong Kế hoạch 5 năm tới, sẽ được thông qua trong tương lai gần. Các nhiệm vụ chính của Kế hoạch 5 năm tới là phục hồi các vùng bị tàn phá, khôi phục công nghiệp và nông nghiệp về mức trước chiến tranh, và sau đó thì ít nhiều vượt qua mức đó. Ngoài thực tế là chế độ phân phối theo định mức sẽ bị bãi bỏ trong tương lai rất gần (Vỗ tay vang dội và kéo dài), sự chú ý đặc biệt sẽ được dành cho việc mở rộng sản xuất hàng tiêu dùng, nâng cao mức sống của người dân lao động bằng cách đều đặn giảm giá tất cả các mặt hàng (Vỗ tay lớn và kéo dài), và tổ chức rộng rãi các viện nghiên cứu khoa học thuộc mọi ngành (Vỗ tay) có khả năng phát huy hết khả năng lực lượng khoa học của chúng ta. (Vỗ tay vang dội.)

Tôi không nghi ngờ gì rằng nếu chúng ta cho các nhà khoa học sự hỗ trợ thích hợp, họ sẽ có thể trong tương lai rất gần không chỉ vượt qua mà thậm chí còn vượt xa những thành tựu của khoa học ở nước ngoài. (Vỗ tay kéo dài.)

Về kế hoạch dài hạn, Đảng ta dự định tổ chức một đợt tăng cường khác của nền kinh tế quốc dân, giúp chúng ta nâng nền công nghiệp của mình lên một trình độ, có thể nói là cao gấp ba lần so với nền công nghiệp trước chiến tranh. Chúng ta phải thấy rằng ngành công nghiệp sẽ có thể sản xuất hàng năm lên đến 50.000.000 tấn gang (Vỗ tay kéo dài), lên đến 60.000.000 tấn thép (Vỗ tay kéo dài), lên đến 500.000.000 tấn than (Vỗ tay kéo dài) và lên đến 60.000.000 tấn dầu (Vỗ tay kéo dài). Chỉ khi chúng ta thành công trong việc đó, chúng ta mới có thể chắc chắn rằng Tổ quốc của chúng ta sẽ được bảo vệ trong mọi trường hợp bất ngờ. (Vỗ tay vang dội.) Điều này có lẽ sẽ cần thêm ba lần Kế hoạch 5 năm nữa hoặc là nhiều hơn. Nhưng nó có thể thực hiện được, và chúng ta phải làm điều đó.

Đây là bản báo cáo ngắn gọn của tôi về hoạt động của Đảng Cộng sản trong thời gian qua và kế hoạch hoạt động của Đảng trong tương lai. (Vỗ tay to và kéo dài.)

Các bạn có thể đánh giá xem Đảng đã và đang hoạt động dựa trên những đường lối phù hợp ở mức độ nào (Vỗ tay), và liệu nó có thể hoạt động tốt hơn hay không. (Cười và vỗ tay.)

Người ta nói rằng những người chiến thắng không bị đánh giá (Cười và vỗ tay), rằng họ không bị phê bình và điều tra. Đó không phải là sự thật. Những người chiến thắng có thể và cần được đánh giá (Cười và vỗ tay), họ có thể và nên được phê bình và điều tra. Điều này không chỉ có lợi cho chính nghĩa, mà còn cho những người chiến thắng (Cười và vỗ tay); sẽ có ít sự tự cao tự đại hơn, và sẽ có nhiều sự khiêm tốn hơn. (Cười và vỗ tay.) Tôi coi chiến dịch bầu cử là một tòa án của những cử tri đang ngồi để phán xét Đảng Cộng sản với tư cách là đảng cầm quyền. Kết quả của cuộc bầu cử sẽ là phán quyết của cử tri. (Cười và vỗ tay.) Đảng Cộng sản sẽ chẳng có giá trị gì nếu nó sợ bị phê bình và điều tra. Đảng Cộng sản sẵn sàng đón nhận phán quyết của cử tri. (Vỗ tay vang dội.)

Trong cuộc tranh cử này, Đảng Cộng sản không đứng một mình. Nó sẽ đi bỏ phiếu cùng với những người không đảng phái. Trong quá khứ, những người cộng sản có phần không tin tưởng vào những người không đảng phái và những người theo chủ nghĩa phi đảng phái. Điều này là do các nhóm tư sản khác nhau, những người nghĩ rằng sẽ không có lợi cho họ nếu họ đứng trước các cử tri mà không đeo mặt nạ, mà không thường xuyên sử dụng lá cờ phi Đảng phái làm bình phong. Đây là tình trạng trong quá khứ. Giờ đã khác xưa. Những người không đảng phái hiện bị ngăn cách với giai cấp tư sản bởi một rào cản gọi là hệ thống xã hội Xô-viết. Và ở phía bên này của rào cản, những người không đảng phái đoàn kết với những người cộng sản trong một khối chung của tập thể nhân dân Liên Xô. Trong khối tập thể này, họ đã chiến đấu bên nhau để củng cố sức mạnh của đất nước, họ đã chiến đấu bên nhau và đổ máu trên các mặt trận khác nhau vì lợi ích tự do và vĩ đại của Tổ quốc, và họ cùng bàn kế hoạch và tôi luyện trong chiến thắng của nước ta trước kẻ thù. Sự khác biệt duy nhất giữa họ là một số thuộc về Đảng và một số thì không. Nhưng sự khác biệt này chỉ là một trong những hình thức. Điều quan trọng là tất cả đều tham gia vào một mục đích chung. Đó là lý do tại sao khối cộng sản và không đảng phái là điều đương nhiên và mang tính sống còn. (Vỗ tay vang dội và kéo dài.)

Cuối cùng, cho phép tôi bày tỏ sự cảm ơn vì sự kỳ vọng mà mọi người đã dành cho tôi (Vỗ tay vang dội và kéo dài. Có tiếng nói: "Hoan hô lãnh tụ vĩ đại của mọi chiến thắng của chúng ta, đồng chí Stalin!") bằng cách đề cử tôi làm ứng cử viên cho Xô-viết tối cao. Các bạn không cần phải nghi ngờ rằng tôi sẽ cố gắng hết sức để không phụ sự kỳ vọng của các bạn. (Tất cả cùng đứng dậy. Tiếng vỗ tay to và kéo dài, vang lên thành một tràng tung hô. Tiếng nói ở các khu vực khác nhau của hội trường: "Stalin vĩ đại muôn năm, Hurrah!" "Hoan hô lãnh tụ vĩ đại của nhân dân!" "Vinh quang của Stalin vĩ đại!" “Đồng chí Stalin muôn năm, ứng cử viên của toàn thể nhân dân!" “Vinh quang thay người mang đến mọi chiến thắng của chúng ta, đồng chí Stalin!”)

("Lịch Liên Xô 1917 - 1947")

Nhận xét

Bài đăng phổ biến