Bàn về vấn đề ruộng đất, 29 tháng Ba 1906
Chắc hẳn người ta còn nhớ đến bài báo gần đây viết về « địa phương công hữu hóa » (xem Tia chớp số 12). Chúng ta không muốn xem xét tất cả những vấn đề mà tác giả đã nêu lên : vừa không thích thú, vừa không cần thiết. Chúng ta sẽ chỉ đề cập đến hai vấn đề chính: địa phương công hữu hóa có mâu thuẫn với việc xóa bỏ những tàn tích nông nô không, phân chia ruộng đất có phải là một biện pháp phản động không ? Người đồng chí của chúng ta đặt vấn đề như thể đó. Chắc hẳn tác giả coi vấn đề địa phương công hữu hóa, phân chia ruộng đất và những vấn đề tương tự khác đều là những vấn đề nguyên tắc ; nhưng đảng lại đặt vấn đề ruộng đất trên một cơ sở hoàn toàn khác.
Sự thật là đảng dân chủ - xã hội không coi cả quốc hữu hóa, địa phương công hữu hóa lẫn phân chia ruộng đất như là những vấn đề nguyên tắc, đối với những vấn đề đó, nó không nêu lên một lời phản đối nào về nguyên tắc cả. Các bạn hãy đọc Tuyên ngôn của Mác, Vấn đề ruộng đất của Cau-ski, Biên bản Đại hội II, Vấn đề ruộng đất ở Nga cũng của Cau-ski, và các bạn sẽ nhận thấy đúng như thế. Đảng đề cập đến tất cả những vấn đề đó theo một quan điểm thực tiễn và đặt vấn đề ruộng đất trên một cơ sở thực tiễn; trong địa phương công hữu hóa, quốc hữu hóa hay phân chia ruộng đất, ở đâu nguyên tắc của chúng ta được áp dụng đầy đủ nhất ? Đó là cơ sở mà đảng đặt vấn đề.
Ta thấy rằng nguyên tắc của cương lĩnh ruộng đất - xóa bỏ những tàn tích nông nô và tự do phát triển cuộc đấu tranh giai cấp – vẫn không thay đổi; chỉ thay đổi những biện pháp thực hiện nguyên tắc đó thôi.
Tác giả nên đặt vấn đề đúng như thế này: để xoá bỏ những tàn tích nông nô và để phát triển đấu tranh giai cấp thì biện pháp gì tốt hơn cả, địa phương công hữu hóa hay là phân chia ruộng đất ? Nhưng tác giả tình cờ lại lao mình vào lĩnh vực những nguyên tắc, biến những vấn đề thực tiễn thành những vấn đề nguyên tắc và đi hỏi chúng ta rằng: cái mà người ta gọi là địa phương công hữu hóa « có mâu thuẫn với việc xóa bỏ những tàn tích nông nô và sự phát triển chủ nghĩa tư bản không ? » Cả quốc hữu hóa lẫn phân chia ruộng đất đều không mâu thuẫn với việc xóa bỏ những tàn tích nông nô và sự phát triển chủ nghĩa tư bản, nhưng như thế vẫn chưa có nghĩa là không có sự khác nhau giữa những biện pháp đó, là kẻ tán thành địa phương công hữu hóa phải đồng thời tán thành cả quốc hữu hóa lẫn phân chia ruộng đất! Dĩ nhiên giữa những biện pháp đó có một sự khác nhau nào đó về mặt thực tiễn. Toàn bộ vấn đề là ở đó, và chính vì thế nên đảng đã đặt vấn đề trên cơ sở thực tiễn . Nhưng như chúng ta đã nói ở trên, tác giả đã đem vấn đề đặt trên một cơ sở hoàn toàn khác ; ông ta đã lẫn lộn nguyên tắc với những biện pháp thực hiện và như thế ông ta đã vô tình lẩn tránh vấn đề đã được đảng đặt ra.
Sau nữa, tác giả khẳng định với chúng ta rằng phân chia ruộng đất là phản động, nói một cách khác, ông ta trách cứ chúng ta phạm vào những điều mà chúng ta đã nhiều lần được nghe từ cửa miệng những người xã hội chủ nghĩa - cách mạng. Khi những nhà siêu hình xã hội chủ nghĩa - cách mạng đó bảo chúng ta rằng đứng về mặt chủ nghĩa Mác mà xét thì phân chia ruộng đất là một biện pháp phản động, lời trách cứ đó hoàn toàn không làm chúng ta ngạc nhiên, vì chúng ta biết rất rõ là họ không đề cập vấn đề theo quan điểm biện chứng : họ không muốn hiểu rằng mọi cái đều đến đúng lúc và đúng nơi, cái gì mà ngày mai sẽ trở thành phản động thì ngay nay có thể là cách mạng. Nhưng khi những nhà biện chứng duy vật chủ nghĩa cũng trách cứ chúng ta bằng lời lẽ đó thì chúng ta không thể nào mà lại không đặt câu hỏi: vậy thì những người biện chứng và những người siêu hình khác nhau ở chỗ nào ? Đúng thế, phân chia ruộng đất sẽ là một biện pháp phản động nếu nó chống lại sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ; nhưng nếu nó chống lại những tàn tích nông nô, thì tất nhiên nó là một biện pháp cách mạng mà đảng dân chủ - xã hội phải ủng hộ. Ngày nay việc phân chia ruộng đất chống lại cái gì: chống lại chủ nghĩa tư bản hay là những tàn tích nông nô ? Nó chống lại những tàn tích nông nô, điều đó thì không còn phải nghi ngờ gì nữa. Như thế, bản thân vấn đề đã tự giải quyết.
Tất nhiên một khi chủ nghĩa tư bản đã khá vững chắc ở nông thôn, thì phân chia ruộng đất sẽ trở thành một biện pháp phản động, vì nó chống lại sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, nhưng lúc đó đảng dân chủ - xã hội sẽ không ủng hộ nó nữa. Hiện nay đảng dân chủ - xã hội nhiệt liệt bảo vệ yêu sách thành lập nền cộng hòa dân chủ với tư cách là một biện pháp cách mạng ; nhưng sau đây, khi vấn đề chuyên chính của giai cấp vô sản được đặt ra một cách thực tiễn, thì nền cộng hòa dân chủ sẽ thành phản động và đảng dân chủ ở xã hội sẽ ra sức phá hủy nó. Về phân chia ruộng đất, cũng phải nói như thế. Phân chia ruộng đất và nói chung, nền kinh tế tiểu tư sản đều là cách mạng khi có cuộc đấu tranh chống lại những tàn tích nông nô ; nhưng cũng cái việc phân chia ruộng đất đó lại là phản động khi nó chống lại sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Đó là quan điểm biện chứng về sự phát triển xã hội. Chính từ cái quan điểm biện chứng đó mà khi Các Mác đề cập đến nền kinh tế nông thôn tiểu tư sản, thì Người tuyên bố trong cuốn Tư bản tập III rằng nền kinh tế đó là tiến bộ so với nền kinh tế phong kiến.
Và C. Cau-ski đã nói về phân chia ruộng đất như sau: « Việc phân chia tài sản ruộng đất, tức là quyền sở hữu nhiều ruộng đất, việc phân chia mà nông dân Nga đòi hỏi và họ đã bắt đầu thực hiện trên thực tế rồi... không những là một điều không thể tránh được và cần thiết, nó còn bổ ích đến cao độ. Và đảng dân chủ - xã hội có tất cả mọi lý do để ủng hộ công cuộc đó » (xem Vấn đề ruộng đất ở Nga, tr. 11).
Để giải quyết dứt khoát một vấn đề, điều rất quan trọng là đặt nó ra một cách đúng đắn. Mọi vấn đề đều phải được đặt ra một cách biện chứng, tức là chúng ta không bao giờ được quên rằng tất cả đều thay đổi, mọi cái đều đến đúng lúc và đúng nơi, và vì thế cho nên cả các vấn đề nữa, chúng ta phải đặt chúng sao cho phù hợp với những điều kiện cụ thể. Đó là điều kiện thứ nhất để giải quyết vấn đề ruộng đất. Thứ hai, chúng ta cũng không nên quên rằng ngày nay những người dân chủ - xã hội Nga đặt vấn đề ruộng đất trên một cơ sở thực tiễn ; bất cứ ai muốn giải quyết vấn đề đó đều phải đặt mình trên các cơ sở chính xác đó. Đó, là điều kiện thứ hai để giải quyết vấn đề ruộng đất. Thế mà người đồng chí của chúng ta lại đã không xét đến một điều kiện nào trong các điều kiện đó cả.
Người đồng chí sẽ trả lời: được, hãy cứ cho rằng phân chia ruộng đất là cách mạng. Tất nhiên chúng ta sẽ cố gắng ủng hộ phong trào cách mạng đó, nhưng như thế hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta phải ghi vào cương lĩnh của chúng ta những yêu sách của phong trào đó ; những yêu sách thuộc loại đó sẽ hoàn toàn lạc lõng trong bản cương lĩnh, vv... Rõ ràng là tác giả lẫn lộn cương lĩnh tối thiểu với cương lĩnh tối đa. Ông ta biết rằng cương lĩnh xã hội chủ nghĩa (nghĩa là cương lĩnh tối đa) chỉ nên bao gồm những yêu sách vô sản mà thôi, nhưng lại quên rằng cương lĩnh dân chủ (tức là Cương lĩnh tối thiểu), và tất nhiên cả cương lĩnh ruộng đất nữa, đều không phải xã hội chủ nghĩa ; bởi vậy trong đó nhất thiết sẽ có những yêu sách dân chủ tư sản mà chúng ta ủng hộ. Quyền tự do chính trị là một yêu sách tư sản ; tuy nhiên nó chiếm một vị trí danh giá trong Cương lĩnh tối thiểu của ta. Ngoài ra không cần phải nói nhiều nữa ; hãy xem điểm thứ hai của cương lĩnh ruộng đất và hãy đọc đi : đảng đòi « ... hủy bỏ mọi luật lệ kìm hãm nông dân không được tự do sử dụng ruộng đất của mình », hãy đọc tất cả đoạn đó đi và hãy trả lời có gì là xã hội chủ nghĩa trong cái điều đó nhỉ ? Bạn sẽ nói : không có gì cả, vì điều đó đòi quyền tự do chiếm hữu tư sản, chứ không phải đòi hủy bỏ quyền đó đi. Tuy nhiên điều đó lại được ghi vào cương lĩnh tối thiểu của chúng ta. Kết luận như thế nào đây? Chỉ có thể kết luận như sau : cương lĩnh tối đa và cương lĩnh tối thiểu là hai thứ khác nhau và không lẫn lộn. Đúng là những người vô chính phủ sẽ không bằng lòng, nhưng làm thế nào được ? Chúng ta không phải là những người vô chính phủ !..
Còn về nguyện vọng của nông dân muốn phân chia ruộng đất, chúng ta đã nói rằng phải đánh giá nguyện vọng đó tùy theo xu hướng phát triển kinh tế ; vì nguyện vọng đó của nông dân « trực tiếp phát sinh » từ cái xu hướng đó, nên đảng ta phải ủng hộ nguyện vọng đó chứ không phải là đối lập lại nó.
Báo « Tia chớp », số 14,
ngày 29 tháng Ba 1906
Ký tên : I. Bét-xô-sơ-vi-li
Nhận xét
Đăng nhận xét