Bàn về việc xem xét lại Cương lĩnh ruộng đất, 13 tháng Tư 1906
(Diễn văn đọc tại phiên họp thứ bảy của Đại hội IV Đ.C.N.D.C.X.H.N. ngày 13 (26) tháng Tư 1906)
Trước hết hãy nói vài lời về những phương pháp lập luận của một số đồng chí. Đồng chí Pơ-le-kha-nốp đã nói nhiều về những « phong cách vô chính phủ chủ nghĩa » của đồng chí Lê-nin, về tính cách nguy hiểm của « chủ nghĩa Lê-nin », v.v., v.v., nhưng về vấn đề ruộng đất thì đồng chí đó nói với chúng ta rất ít. Thế mà đồng chí đó lại là một trong những báo cáo viên về vấn đề ruộng đất. Tôi cho rằng cách lập luận đó tạo ra một bầu không khí bực bội, không những nó trái với tinh thần của đại hội chúng ta được mệnh danh là Đại hội thống nhất, mà còn không làm sáng tỏ một tý nào cả về cách đặt vấn đề ruộng đất. Chúng ta cũng sẽ có thể nói một vài lời về những phong cách dân chủ lập hiến của đồng chí Pơ-lê-kha-nốp, nhưng điều đó cũng sẽ không làm cho chúng ta tiến thêm được bước nào trong cách giải quyết vấn đề ruộng đất.
Thứ đến là Giôn đã dựa vào một số tài liệu rút ra từ cuộc sống ở Gu-ri, ở Lét-tô-ni, v.v., để đi đến kết luận tán thành địa phương công hữu hóa trong toàn thể nước Nga. Tôi phải nói rằng, nói chung, người ta không thiết lập bản cương lĩnh bằng cách như thế. Muốn thiết lập một bản cương lĩnh phải dựa vào không phải là những đặc điểm ở một số nơi hẻo lánh trong một số miền ở ngoại vi, mà phải dựa vào những tính chất chung, mà phần lớn nước Nga có: một bản Cương lĩnh mà không có một đường lối chỉ đạo thì không phải là một bản cương lĩnh, mà là một sự hỗn hợp máy móc những luận điểm khác nhau. Dự án của Giôn đúng là như thế đó. Ngoài ra Giôn lại còn dựa vào những tài liệu sai lầm. Theo y thì chính ngay phong trào nông dân cũng đã biện hộ cho dự án của y, vì ở Giôn chẳng hạn, trong quá trình phong trào, một cơ quan hành chính tự trị đã được thành lập đề quản lý những rừng rú, v.v... Nhưng trước hết, Gu-ri không phải là một miền, nó chỉ là một huyện của tỉnh Cu-tai; hai là ở Gu-ri không hề có một cơ quan hành chính tự trị có tính chất cách mạng bao giờ cả : ở đó chỉ có những cơ quan hành chính nhỏ bé của địa phương, do đó không có tầm quan trọng của cơ quan hành chính tự trị của miền ; ba là quản lý là một việc, chiếm hữu lại là một việc khác. Nói chung y đưa ra nhiều chuyện hoang đường về Gu-ri, và các đồng chí ở Nga đã hết sức sai lầm khi cho rằng đó là những sự thật...
Về nội dung của vấn đề, tôi phải nói rằng cương lĩnh của chúng ta phải xuất phát từ luận điểm sau đây: vì chúng ta tán thành liên minh cách mạng tạm thời với nông dân đang đấu tranh, vì do đó, chúng ta không thể coi nhẹ những yêu sách của nông dân đó, nên chúng ta phải ủng hộ những yêu sách đó trong toàn bộ nếu chúng không mâu thuẫn với xu hướng phát triển kinh tế và bước tiến của cách mạng. Nông dân đòi phân chia ruộng đất, yêu sách này không mâu thuẫn với những điều kiện đã được chỉ ra ; vậy chúng ta phải ủng hộ tịch thu toàn bộ ruộng đất và phân chia ruộng đất. Theo quan điểm đó thì quốc hữu hóa và địa phương công hữu hóa đều là những biện pháp không thể chấp nhận được. Nêu lên khẩu hiệu địa phương công hữu hóa hay quốc hữu hóa, chúng ta không thể nào làm cho nông dân cách mạng liên minh được với giai cấp vô sản. Kẻ nào nói đến tính chất phản động của việc phân chia ruộng đất đều lẫn lộn hai giai đoạn phát triển : giai đoạn tư bản chủ nghĩa và giai đoạn tiền tư bản chủ nghĩa. Ở giai đoạn tư bản chủ nghĩa thì phân chia ruộng đất là phản động, điều đó không còn phải nghi ngờ gì nữa, nhưng trong những điều kiện tiền tư bản chủ nghĩa (chẳng hạn như trong những điều kiện của nông thôn Nga), thì nói chung, phân chia ruộng đất là cách mạng. Dĩ nhiên, không thể phân chia rừng, sông ngòi, v,v.. có thể quốc hữu hóa các thứ đó, điều đó không hề mâu thuẫn với những yêu sách cách mạng của nông dân. Còn về cái khẩu hiệu mà Giôn dự kiến đưa ra những ủy ban cách mạng của nông dân, thì hoàn toàn trái với tinh thần của cuộc cách mạng ruộng đất. Cách mạng ruộng đất có nhiệm vụ, trước hết và chủ yếu, giải phóng nông dân, bởi vậy cho nên khẩu hiệu : những ủy ban nông dân, là khẩu hiệu duy nhất phù hợp với tinh thần của cuộc cách mạng ruộng đất. Nếu giải phóng giai cấp vô sản là sự nghiệp của chính giai cấp vô sản, thi giải phỏng nông dân cũng có lẽ là sự nghiệp của chính nông dân.
Biên bản Đại hội thống nhất của Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga
họp ở Stốc-khôn, năm 1906 Mát-xcơ-va, 1907, tr. 59 và 60.
Nhận xét
Đăng nhận xét