Cuộc khủng hoảng Berlin, Liên Hợp Quốc và chính sách hiếu chiến của Anh - Mỹ, Churchill, 28 Tháng Mười 1948


[Cuộc phỏng vấn với phóng viên Sự thật (Pravda), 28 tháng 10, 1948]

Câu hỏi: Đồng chí đánh giá thế nào về kết quả của các cuộc thảo luận tại Hội đồng Bảo an về tình hình ở Berlin và ứng xử của đại diện Anh - Mĩ và Pháp trong vấn đề này?

Trả lời: Tôi coi đấy là sự thể hiện tính hiếu chiến trong chính sách của giới cầm quyền Anh-Mỹ và Pháp.

Câu hỏi: Có đúng thật là tháng Tám năm nay, giữa bốn cường quốc đã đạt được một thỏa thuận về vấn đề Berlin?

Trả lời: Vâng, đúng vậy. Một thoả thuận được biết đến đã đạt được tại Moscow vào 30 tháng Tám vừa rồi, giữa các đại diện Liên Xô, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Pháp, một mặt, liên quan đến việc thực hiện đồng thời các biện pháp dỡ bỏ hạn chế vận tải, và mặt khác, đưa mark Đức của khu vực Xô viết ở Berlin làm đơn vị tiền tệ duy nhất. Thỏa thuận đó không làm tổn hại đến uy tín của bất kỳ ai. Nó có tính đến lợi ích của các bên liên quan và đảm bảo khả năng tiếp tục hợp tác. Nhưng chính phủ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã chối bỏ các đại diện tại Moscow sau đó và tuyên bố rằng thoả thuận bị vô hiệu, tức là họ đã vi phạm thỏa thuận, và quyết định đưa vấn đề lên Hội đồng Bảo an nơi mà Anh - Mỹ có đa số đảm bảo.

Câu hỏi: Liệu có thật không, ở Paris trong suốt các cuộc thảo luận gần đây về vấn đề tại Hội đồng Bảo an, một thỏa thuận về tình hình ở Berlin một lần nữa đã đạt được trong các cuộc hội đàm không chính thức thậm chí trước khi vấn đề được bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an?

Trả lời: Phải. Đúng là vậy. Tiến sĩ Bramuglia, đại diện của Argentina và chủ tịch của Hội đồng Bảo an, người đã chủ trì các cuộc hội đàm không chính thức với đồng chí Vyshinsky thay mặt cho các cường quốc khác có liên quan, đã có trong tay một bản dự thảo quyết định đã được thống nhất về vấn đề tình hình ở Berlin. Nhưng các đại diện của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh một lần nữa tuyên bố rằng thỏa thuận vô hiệu.

Câu hỏi: Vấn đề gì xảy ra sau đó? Đồng chí có thể giải thích không?

Trả lời: Vấn đề là những người ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, những kẻ thúc đẩy cho một chính sách hiếu chiến không cho rằng bản thân họ cần quan tâm đến một thỏa thuận và hợp tác với Liên Xô. Điều họ muốn không phải là thỏa thuận và hợp tác, mà là nói về thỏa thuận và hợp tác, rồi đổ lỗi cho Liên Xô bằng cách ngăn cản thỏa thuận và do đó để “chứng minh” rằng hợp tác với Liên Xô là điều không thể. Cái mà những kẻ chủ mưu chiến tranh, những kẻ đang cố gắng gây ra một cuộc chiến tranh mới, lo sợ nhất chính là việc đạt được các thỏa thuận và hợp tác với Liên Xô vì một chính sách hòa hợp với Liên Xô làm suy yếu vị trí của những kẻ chủ mưu chiến tranh và tước bỏ chính sách hiếu chiến của những quý ông này với bất kỳ mục đích nào.

Vì lý do đó mà họ phá vỡ các thỏa thuận đã đạt được, họ chối bỏ các đại diện của họ, những người đã cùng nhau ký kết các thỏa thuận đó với Liên Xô, và vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, chuyển vấn đề lên Hội đồng Bảo an, nơi họ có đa số đảm bảo và là nơi họ có thể "chứng minh" bất cứ điều gì họ thích. Tất cả những điều này được thực hiện để “cho thấy” rằng hợp tác với Liên Xô là điều không thể và để “cho thấy” sự cần thiết của một cuộc chiến mới, và do đó để chuẩn bị cơ sở cho việc gây ra chiến tranh. Chính sách của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Vương quốc Anh hiện nay là một chính sách hiếu chiến, một chính sách khơi mào một cuộc chiến tranh mới.

Câu hỏi: Nên đánh giá thế nào về hành vi của đại diện sáu quốc gia trong Hội đồng Bảo an: Trung Quốc, Canada, Bỉ, Argentina. Colombia, Syria?

Trả lời: Những quý ông đó rõ ràng đang tiếp tay cho chính sách hiếu chiến, cho chính sách khơi mào một cuộc chiến tranh mới.

Câu hỏi: Cái gì có thể kết thúc tất cả những điều này?

Trả lời: Nó có thể chỉ kết thúc với thất bại ô nhục cho những kẻ chủ mưu một cuộc chiến mới. Churchill, kẻ chủ mưu chính của một cuộc chiến tranh mới, đã đã tự đánh mất niềm tin của chính quốc gia mình và các lực lượng dân chủ trên toàn thế giới. Số phận tương tự đang chờ đợi tất cả những kẻ chủ mưu chiến tranh khác. Nỗi kinh hoàng của cuộc chiến vừa qua vẫn còn quá nguyên vẹn trong ký ức của các dân tộc; và các lực lượng quần chúng ủng hộ hòa bình quá mạnh để các môn đồ hiếu chiến của Churchill có thể kiểm soát và hướng họ đến một cuộc chiến mới.

(Vì sự chung sống hòa bình: Các cuộc phỏng vấn sau chiến tranh, Nhà xuất bản Quốc tế, New York, 1951)

Trung Lê dịch

Nhận xét

Bài đăng phổ biến