Cuộc phỏng vấn giữa J. STALIN và ROY HOWARD, 1 tháng Ba 1936
Howard: Theo ý kiến của ngài, hậu quả từ những sự kiện hiện tại ở Nhật Bản đối với tình hình Viễn Đông sẽ là gì?
Stalin: Cho đến nay rất khó để nói sẽ có gì. Quá ít dữ kiện để kết luận. Bức tranh vẫn chưa đủ rõ ràng.
Howard: Liên Xô sẽ có thái độ thế nào trong trường hợp Nhật Bản tiến hành một cuộc tấn công quân sự đã được dự đoán từ trước nhằm chống lại Ngoại Mông?
Stalin: Trong trường hợp Nhật Bản thực hiện một tấn công quân sự liều lĩnh vào Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ và gây nguy hại đến nền độc lập của họ thì chúng tôi sẽ phải giúp đỡ Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Stomonyakov, trợ lý của Litvinov, gần đây đã thông báo với đại sứ quán Nhật Bản ở Mát-xcơ-va về điều này cũng như nhấn mạnh về tình hữu nghị không thể lay chuyển giữa Liên bang Xô Viết và Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ kể từ năm 1921. Chúng tôi sẽ giúp đỡ nhân dân Mông Cổ như chúng tôi đã làm vào năm 1921.
Howard: Liệu nỗ lực chiếm lấy Ulan-Bator của Nhật Bản có khiến Liên Xô cảm thấy cần phải tiến hành các hành động mang tính tích cực không?
Stalin: Có.
Howard: Liệu các sự kiện gần đây có tạo ra thêm bất kỳ một hoạt động mới nào từ phía Nhật Bản trong khu vực này mà phía Liên Xô phân tích là hoạt động mang tính chất hung hăng không?
Stalin: Người Nhật, theo ý kiến của tôi, đang tiến hành tập trung binh lực ở khu vực biên giới với Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, tuy nhiên, cho đến hiện tại thì chưa chứng kiến được những nỗ lực mới nào nhằm tạo ra các cuộc xung đột biên giới cả.
Howard: Liên Xô có vẻ tin rằng Đức và Ba Lan đã vẽ lên những kế hoạch gây hấn nhằm chống lại Liên Xô cũng như đang lên kế hoạch hợp tác quân sự. Nhưng Ba Lan cam đoan rằng mình không đồng ý cho phép bất kỳ một quân đội nước ngoài nào sử dụng lãnh thổ của mình để làm căn cứ cho các hoạt động nhằm chống lại một quốc gia thứ ba. Câu hỏi là làm thế nào mà Liên Xô nhìn trước được một cuộc xâm lược như vậy từ Đức? Quân Đức sẽ tiến quân theo hướng nào và từ vị trí nào?
Stalin: Lịch sử cho thấy khi một quốc gia nào đó có ý định tiến hành chiến tranh chống lại một quốc gia khác thì kể cả trường hợp hai quốc gia đó không tiếp giáp lãnh thổ với nhau, quốc gia tấn công cũng sẽ tìm kiếm các đường biên giới trung gian để có thể tiếp cận được khu vực biên giới của quốc gia mà nó muốn tấn công. Và thông thường, một nhà nước hiếu chiến sẽ tìm được những khu vực biên giới như thế. Nó có thể tìm thấy thứ đó với sự hỗ trợ từ vũ lực, như trường hợp năm 1914 khi Đức xâm lược Bỉ để tấn công Pháp, hoặc nó "mượn" một vùng biên giới như vậy, như Đức đã làm khi tấn công Leningrad từ Latvia vào năm 1918 chẳng hạn. Tôi không biết chính xác nước Đức có thể thay đổi mục tiêu của mình như nào, nhưng tôi nghĩ họ sẽ tìm được những người sẵn sàng cho họ “mượn” đường biên giới.
Howard: Có vẻ như toàn bộ thế giới ngày nay đang dự đoán về một cuộc đại chiến khác. Thưa ngài Stalin, nếu chiến tranh là không thể tránh khỏi thì ngài nghĩ nó sẽ đến khi nào?
Stalin: Không thể đoán trước chuyện đó được. Chiến tranh có thể nổ ra bất ngờ. Ngày nay không có chuyện tuyên chiến. Chiến tranh chỉ đơn giản là bắt đầu thôi. Tuy nhiên về mặt khác, tôi nghĩ vị thế những người bạn của hòa bình đang trở nên mạnh mẽ hơn. Những người bạn của hòa bình giờ có thể hoạt động công khai. Họ dựa vào sức mạnh từ dư luận. Họ có các công cụ chỉ huy như Hội Quốc Liên chẳng hạn. Đây là nơi mà những người bạn của hòa bình có lợi thế. Sức mạnh của họ nằm ở chỗ các hoạt động chống chiến tranh của họ được ủng hộ bởi nguyện vọng từ đông đảo quần chúng nhân dân. Không có người nào trên thế giới này muốn chiến tranh cả. Đối với những kẻ thù của hòa bình, chúng buộc phải hoạt động bí mật. Đó là nơi mà những kẻ thù của hòa bình gặp bất lợi. Nhân tiện, không loại trừ rằng chính vì điều này mà chúng có thể quyết định một cuộc phiêu lưu quân sự như một hành động tuyệt vọng.
Một trong những thành công mới nhất mà những người bạn của hòa bình đã đạt được là việc Hạ viện Pháp phê chuẩn Hiệp ước Tương trợ Pháp-Xô. Ở một mức độ nào đó thì hiệp ước này là một trở ngại đối với những kẻ thù của hòa bình.
Howard: Nếu chiến tranh xảy đến thì theo ngài Stalin, nó sẽ dễ nổ ra ở đâu nhất? Những bóng đen chiến tranh đáng sợ nhất ở đâu, phía Đông hay phía Tây?
Stalin: Theo ý kiến của tôi thì giờ có hai mối nguy chiến tranh. Mối nguy đầu tiên là ở Viễn Đông, trong khu vực của Nhật Bản. Tôi nhớ trong đầu rất nhiều lời tuyên bố của các quân nhân Nhật Bản trong đó chứa đựng những lời đe dọa chống lại các cường quốc khác. Mối nguy thứ hai nằm ở khu vực của Đức. Thật khó để nói cái nào là đáng sợ nhất, nhưng cả hai đều đang tồn tại và hoạt động. So với hai mối nguy này thì cuộc chiến Ý-Abyssinia chỉ là một sự kiện đơn lẻ thôi. Hiện tại, mối nguy chiến tranh ở Viễn Đông đang bộc lộ những hoạt động lớn nhất. Tuy nhiên, trung tâm của mối nguy này có thể sẽ chuyển sang châu Âu. Điều này được chỉ ra thông qua dẫn chứng là cuộc phỏng vấn gần đây của Ông Hít-le trả lời một tờ báo Pháp. Trong cuộc phỏng vấn này, Hít-le dường như đã cố gắng nói những điều hòa bình, nhưng ông ta lại gieo rắc "nền hòa bình" của mình bằng những lời đe dọa chống lại cả Pháp và Liên Xô đến nỗi "nền hòa bình" của ông ta không còn lại gì cả. Ngài thấy đấy, ngay cả khi Hít-le muốn nói về hòa bình, ông ta cũng không thể tránh được việc thốt ra những lời đe dọa. Đây là dấu hiệu báo trước.
Howard: Theo ý kiến của ngài, tình huống hay điều kiện nào đang gây ra mối đe dọa chiến tranh chính ngày nay?
Stalin: Chủ nghĩa tư bản.
Howard: Biểu hiện đặc trưng nào của chủ nghĩa tư bản?
Stalin: Biểu hiện đế quốc chủ nghĩa, biểu hiện cướp đoạt của nó.
Ngài hẳn còn nhớ Chiến tranh thế giới thứ nhất đã phát sinh thế nào. Nó nảy sinh từ nhu cầu chia lại thế giới. Ngày nay chúng ta cũng có bối cảnh tương tự. Có những quốc gia tư bản cho rằng họ đã bị lừa trong quá trình phân chia lại phạm vi ảnh hưởng, lãnh thổ, nguồn nguyên liệu, thị trường, v.v. trước đó, và họ muốn một sự tái phân chia khác có lợi cho mình. Chủ nghĩa tư bản, trong giai đoạn đế quốc của nó, là hệ thống xem chiến tranh như một công cụ chính đáng để giải quyết các tranh chấp quốc tế, cũng như một biện pháp hợp lệ trên thực tế - tất nhiên là không nói về mặt bản chất.
Howard: Phải chăng không hề có một mối đe dọa nào trong nỗi sợ hãi đang thực sự tồn tại ở các nước ngài gọi là tư bản chủ nghĩa về ý định áp đặt lên các nước khác những lý thuyết chính trị của mình do Liên Xô thực hiện?
Stalin: Không có cơ sở nào để biện hộ cho những nỗi sợ hãi như vậy. Nếu ngài nghĩ rằng nhân dân Liên Xô muốn thay đổi bộ mặt của các nhà nước xung quanh thông qua những biện pháp cưỡng bách thì ngài đã hoàn toàn nhầm. Tất nhiên là người dân Liên Xô muốn thấy bộ mặt các nhà nước xung quanh mình thay đổi, nhưng đó là vấn đề của các nhà nước đó. Tôi không thể nào nhìn ra được sự đe dọa mà các nhà nước xung quanh đã nhìn thấy trong tư tưởng của nhân dân Liên Xô nếu những nhà nước này đang thật sự ổn định một cách vững chắc.
Howard: Phát biểu này của ngài có nghĩa là Liên Xô phải từ bỏ ở một mức độ nào đó các kế hoạch cũng như ý định mang lại một cuộc cách mạng thế giới?
Stalin: Chúng tôi chưa bao giờ có những kế hoạch và ý định như vậy.
Howard: Không nghi ngờ gì nữa, ngài Stalin, rõ ràng là ấn tượng khác biệt này đã được tạo ra khắp thế giới trong một khoảng thời gian dài.
Stalin: Đây là sản phẩm của một sự hiểu lầm.
Howard: Một sự hiểu lầm đầy bi thảm?
Stalin: Không, một sự hiểu lầm đầy khôi hài. Hoặc có lẽ là một sự hiểu lầm mang tính bi hài kịch.
Ngài biết đấy, những người Mác-xít chúng tôi tin rằng một cuộc cách mạng cũng sẽ diễn ra ở các nước khác. Tuy nhiên nó sẽ chỉ diễn ra khi các nhà cách mạng ở các nước đó cho rằng nó khả thi hoặc cần thiết. Xuất khẩu cách mạng là vô nghĩa. Mỗi quốc gia sẽ thực hiện cuộc cách mạng của riêng mình nếu họ muốn, và nếu họ không muốn, sẽ không có một cuộc cách mạng nào cả. Lấy ví dụ, đất nước chúng tôi từng muốn thực hiện một cuộc cách mạng cũng như đã làm được điều đó, và giờ đây chúng tôi đang xây dựng một xã hội mới, một xã hội phi giai cấp. Nhưng để khẳng định rằng chúng tôi muốn thực hiện một cuộc cách mạng ở các quốc gia khác, can thiệp vào cuộc sống của họ thì có nghĩa là nói những thứ không đúng sự thật, nói những thứ mà chúng tôi chưa bao giờ chủ trương thực hiện.
Howard: Vào thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Liên Xô, Tổng thống Roosevelt và Litvinov đã trao đổi những ghi chú giống hệt nhau về vấn đề tuyên truyền. Đoạn thứ tư trong thư Litvinov gửi Tổng thống Roosevelt nói rằng chính phủ Liên Xô cam kết "không cho phép bất kỳ tổ chức hoặc nhóm nào thành lập hay cư trú trên lãnh thổ của mình – đồng thời sẵn sàng ngăn chặn các hoạt động của bất kỳ tổ chức, nhóm, những người đại diện hoặc các quan chức của các tổ chức, nhóm trên lãnh thổ của mình trong trường hợp những đối tượng này mang mục đích lật đổ, chuẩn bị cho việc lật đổ hoặc muốn dùng vũ lực để thay đổi trật tự chính trị hay trật tự xã hội trên toàn bộ hoặc một phần đất nước Hoa Kỳ, kể cả chính quốc lẫn vùng kiểm soát của nó." Thưa ngài Stalin, tại sao Litvinov lại ký vào bức thư này nếu việc tuân thủ các điều khoản trong đoạn thứ tư không phù hợp với lợi ích hoặc nằm ngoài tầm kiểm soát của Liên Xô?
Stalin: Việc thực hiện các giao ước có trong đoạn ngài trích dẫn nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi; chúng tôi đã hoàn thành và sẽ tiếp tục thực hiện những giao ước này.
Theo hiến pháp, những người tị nạn chính trị có quyền cư trú trên lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi trao cho họ quyền trú ẩn cũng giống như Hoa Kỳ trao quyền trú ẩn cho những người tị nạn chính trị. Rõ ràng khi Litvinov ký vào bức thư đó, ông ấy thừa nhận các giao ước trong đó là những giao ước có đi có lại. Ngài Howard, ngài có biết thực tế rằng trên lãnh thổ Hoa Kỳ hiện nay vẫn có những người tị nạn là Bạch vệ Nga, tức những người đang tuyên truyền chống lại Liên Xô và ủng hộ chủ nghĩa tư bản, những người được hưởng sự hỗ trợ vật chất từ các công dân Mỹ, và nhiều người, trong một số trường hợp, đại diện cho các nhóm khủng bố, trái với các điều khoản của thỏa thuận Roosevelt-Litvinov? Hiển nhiên là những người tị nạn này được hưởng quyền trú ẩn, thứ cũng tồn tại ở Hoa Kỳ. Theo như những gì chúng tôi được biết, chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ trên lãnh thổ của chúng tôi một tên khủng bố nào, bất kể những ý định tội phạm của hắn nhằm vào ai. Rõ ràng quyền trú ẩn ở Hoa Kỳ được diễn giải rộng hơn so với ở đất nước chúng tôi. Nhưng chúng tôi không phàn nàn điều đó.
Có lẽ ngài sẽ nói chúng tôi thông cảm với những người tị nạn chính trị đến lãnh thổ của mình. Nhưng phải chăng không có công dân Mỹ nào đồng cảm với những người tị nạn Bạch vệ - những người chuyên tuyên truyền ủng hộ chủ nghĩa tư bản cũng như chống nhân dân Liên Xô? Vậy điểm mấu chốt ở đây là gì? Điểm mấu chốt ở đây là không hỗ trợ những người này, không tài trợ cho các hoạt động của họ. Điểm mấu chốt ở đây là các quan chức của một trong hai quốc gia phải ngừng ngay việc can thiệp vào đời sống nội bộ của quốc gia kia. Các quan chức của chúng tôi vẫn đang thực hiện một cách rất chân thành giao ước này. Nếu bất kỳ ai trong số họ không làm tròn nhiệm vụ của mình, hãy báo chúng tôi biết điều đó.
Giả sử trong trường hợp chúng tôi đi quá xa và yêu cầu trục xuất tất cả những người tị nạn Bạch vệ khỏi Hoa Kỳ thì điều đó sẽ xâm phạm đến quyền trú ẩn đã được tuyên bố ở cả Hoa Kỳ và Liên Xô. Bắt buộc phải chấp nhận có một giới hạn phù hợp cho các yêu sách lẫn các lời phản đối yêu sách. Litvinov đã ký vào lá thư của mình và gửi cho Tổng thống Roosevelt không phải dưới tư cách cá nhân, mà là dưới tư cách đại diện một quốc gia, tương tự như Tổng thống Roosevelt đã làm. Thỏa thuận của họ là thỏa thuận giữa hai quốc gia. Khi ký kết thỏa thuận đó thì cả Litvinov lẫn Tổng thống Roosevelt, dưới tư cách là đại diện hai quốc gia, đã suy nghĩ về hoạt động của các đặc vụ mỗi nước - những người không được và sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của phía bên kia. Quyền trú ẩn được tuyên bố ở cả hai nước không thể bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận này. Thỏa thuận Roosevelt - Litvinov, với tư cách là thỏa thuận giữa đại diện hai quốc gia, nên được diễn giải trong những giới hạn như vậy.
Howard: Không phải Browder và Darcy, những người Cộng sản Hoa Kỳ, đã xuất hiện trước Đại hội lần thứ Bảy Quốc tế Cộng sản vào mùa hè năm ngoái và kêu gọi lật đổ chính quyền Mỹ bằng vũ lực sao?
Stalin: Thú thực là tôi không nhớ những bài phát biểu của hai đồng chí Browder và Darcy. Tôi thậm chí không nhớ họ đã nói những gì. Có lẽ họ đã phát biểu điều gì đó giống ngài đề cập. Nhưng người dân Liên Xô không lập ra Đảng Cộng sản Hoa Kỳ. Nó được thành lập bởi người Mỹ. Nó tồn tại hợp pháp ở Hoa Kỳ. Nó đưa ra các ứng cử viên của mình tại các cuộc bầu cử, kể cả bầu cử tổng thống. Nếu các đồng chí Browder và Darcy từng diễn thuyết như vậy ở Mát-xcơ-va một lần thì họ đã có hàng trăm bài diễn thuyết tương tự và chắc chắn là mạnh mẽ hơn ở quê nhà, ở Hoa Kỳ. Những người Cộng sản Hoa Kỳ được phép bày tỏ và ủng hộ tư tưởng của mình một cách công khai mà, đúng không? Sẽ là hoàn toàn sai lầm nếu quy kết chính quyền Liên Xô phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động của những người Cộng sản Hoa Kỳ.
Howard: Nhưng trong trường hợp này, phải chăng không tồn tại một thực tế là các hoạt động của họ diễn ra trên đất Liên Xô, trái với các điều khoản trong đoạn thứ tư của thỏa thuận Roosevelt – Litvinov sao?
Stalin: Các hoạt động của một Đảng Cộng sản là gì; chúng có thể tự thể hiện theo những cách nào? Thông thường, các hoạt động của một Đảng Cộng sản bao gồm tổ chức quần chúng công nhân, tổ chức mít tinh, biểu tình, bãi công, v.v ... Rõ ràng những người Cộng sản Mỹ không thể làm tất cả những điều đó trên lãnh thổ Liên Xô. Chúng tôi không có công nhân Mỹ nào ở Liên Xô.
Howard: Tôi đoán ý của ngài là vào những thời điểm ấy, chúng ta có thể đưa ra một lời giải thích nhằm giữ gìn và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong tương lai?
Stalin: Đúng vậy.
Howard: Phải thừa nhận rằng vẫn chưa đạt được chủ nghĩa cộng sản ở Nga. Thay vào đó chủ nghĩa xã hội nhà nước đã được xây dựng. Nhưng chẳng phải chủ nghĩa phát xít ở Ý và chủ nghĩa Quốc gia – Xã hội ở Đức cũng tuyên bố rằng họ đã đạt được các kết quả tương tự sao? Chẳng phải cả hai quốc gia đó đều đạt được thành quả với cái giá là sự tư hữu và tự do cá nhân hy sinh vì lợi ích nhà nước đó sao?
Stalin: Thuật ngữ "chủ nghĩa xã hội nhà nước" là không chính xác. Nhiều người coi thuật ngữ này có nghĩa là hệ thống mà một phần của cải nhất định, đôi khi khá đáng kể, chuyển vào tay nhà nước hoặc nằm dưới sự kiểm soát của nó, trong khi phần lớn các thứ khác như các công xưởng, nhà máy và đất đai vẫn thuộc sở hữu tư nhân. Đây là định nghĩa mà nhiều người gán cho "chủ nghĩa xã hội nhà nước". Đôi khi thuật ngữ này còn bao hàm một hệ thống mà theo đó nhà nước tư bản, để chuẩn bị cho chiến tranh hoặc tiến hành chiến tranh, phải duy trì một số doanh nghiệp tư nhân [độc lập]. Song xã hội mà chúng tôi đã xây dựng không thể nào gọi là "chủ nghĩa xã hội nhà nước" được. Xã hội Xô Viết chúng tôi là xã hội xã hội chủ nghĩa bởi vì quyền sở hữu tư nhân đối với nhà máy, công xưởng, đất đai, ngân hàng và hệ thống vận tải đã bị xóa bỏ, thay vào đó là quyền sở hữu công cộng. Tổ chức xã hội mà chúng tôi tạo ra có thể được gọi là tổ chức xã hội chủ nghĩa kiểu Xô Viết, tuy chưa hoàn toàn hoàn chỉnh nhưng về cơ bản là một tổ chức xã hội xã hội chủ nghĩa. Nền tảng của xã hội này là sự công hữu gồm sở hữu nhà nước - tức sở hữu quốc gia, cũng như sở hữu nông trang tập thể, sở hữu hợp tác xã. Cả chủ nghĩa phát xít Ý lẫn chủ nghĩa Quốc gia – “Xã hội” Đức đều không có điểm chung nào với một xã hội như vậy. Điều khác biệt này chủ yếu là do quyền sở hữu tư nhân đối với các nhà máy, công xưởng, đất đai, ngân hàng, phương tiện vận tải, v.v., không bị đụng chạm đến và vì thế, chủ nghĩa tư bản vẫn tồn tại ở Đức lẫn Ý với đầy đủ sức mạnh của mình.
Vâng, ngài nói đúng, chúng tôi chưa xây dựng được xã hội cộng sản chủ nghĩa. Không dễ để xây dựng một xã hội như vậy. Ngài có lẽ nhận thức được sự khác biệt giữa xã hội xã hội chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, những bất bình đẳng nhất định về tài sản vẫn tồn tại. Tuy nhiên trong xã hội xã hội chủ nghĩa không còn nạn thất nghiệp, không còn sự bóc lột, không còn việc áp bức các dân tộc. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, mọi người đều có nghĩa vụ lao động dù đổi lại sự lao động của một người thì không căn cứ theo nhu cầu của người đó, mà căn cứ theo khối lượng và chất lượng công việc người đó thực hiện. Đó là lý do tại sao mà tiền lương, hơn nữa còn là loại tiền lương thiếu bình đẳng và đầy khác biệt vẫn tồn tại. Chỉ khi nào chúng tôi thành công trong việc tạo nên một hệ thống nơi con người, sau khi trao đổi lao động của mình, nhận được thành quả từ xã hội theo nhu cầu chứ không phải theo khối lượng và chất lượng lao động mình thực hiện thì khi ấy mới có thể tuyên bố chúng tôi đã xây dựng được xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Ngài nói để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa thì chúng tôi đã phải hy sinh quyền tự do cá nhân và chịu đựng cảnh thiếu thốn. Câu hỏi của ngài đưa ra ý kiến rằng xã hội xã hội chủ nghĩa phủ nhận quyền tự do cá nhân. Điều đó không đúng. Tất nhiên, để xây dựng một cái gì đó mới thì người ta phải tiết kiệm, tích lũy tài nguyên, giảm việc tiêu thụ trong thời gian ngắn và vay mượn từ người khác. Nếu người ta muốn xây một ngôi nhà, người ta sẽ tiết kiệm tiền, cắt giảm tiêu dùng trong một thời gian, còn không thì ngôi nhà sẽ không bao giờ được xây dựng. Vậy điều này chính xác hơn được bao nhiêu khi vấn đề biến thành xây dựng một xã hội loài người mới? Chúng tôi đã phải cắt giảm phần nào mức tiêu thụ trong một thời gian, thu thập các nguồn lực cần thiết và nỗ lực rất nhiều. Đây chính xác là những gì chúng tôi làm và chúng tôi đã xây dựng nên một xã hội xã hội chủ nghĩa.
Nhưng chúng tôi không xây dựng xã hội này để hạn chế quyền tự do cá nhân, chúng tôi xây dựng nó để cá nhân con người có thể cảm thấy thực sự tự do. Chúng tôi xây dựng nó vì sự tự do cá nhân thực sự, sự tự do không nằm trong dấu ngoặc kép. Đối với tôi, thật khó tưởng tượng được chuyện một người thất nghiệp sẽ hưởng "tự do cá nhân" như thế nào khi bản thân luôn đói khát và không tìm được việc làm. Tự do thực sự chỉ có thể tồn tại ở nơi sự bóc lột đã bị xóa bỏ, nơi không có sự áp bức của nhóm người này với nhóm người khác, nơi không có thất nghiệp và nghèo đói, nơi con người không bị ám ảnh bởi nỗi sợ ngày mai bị tước mất việc làm, nhà cửa và bánh mì. Quyền tự do cá nhân lẫn mọi quyền tự do khác chỉ có thể tồn tại trong một xã hội như vậy trên thực tế, chứ không phải trong một xã hội như vậy trên sách vở.
Howard: Theo cách nhìn của ngài thì việc nền dân chủ Mỹ và hệ thống Xô Viết cùng nhau phát triển có khả thi không?
Stalin: Nền dân chủ Mỹ lẫn hệ thống Xô Viết có thể tồn tại một cách hòa bình bên cạnh nhau và cạnh tranh với nhau. Nhưng cái này không thể tiến hóa thành cái kia. Hệ thống Xô Viết sẽ không phát triển thành nền dân chủ Mỹ, hoặc ngược lại. Chúng ta có thể tồn tại một cách bình yên bên nhau nếu không soi mói lẫn nhau trong mọi vấn đề vụn vặt.
Howard: Một bản hiến pháp đang được soạn thảo ở Liên Xô nhằm đưa ra một hệ thống bầu cử mới. Vậy hệ thống bầu cử mới này có thể thay đổi tình hình bầu cử ở Liên Xô đến mức nào vì trước đây chỉ có một đảng tham gia vào các cuộc bầu cử?
Stalin: Chúng tôi có thể sẽ thông qua bản hiến pháp mới của mình vào cuối năm nay. Ủy ban được chỉ định để soạn thảo hiến pháp đang làm việc và sẽ sớm hoàn thành công việc của mình. Như đã được công bố từ trước, theo hiến pháp mới, quyền bầu cử sẽ gồm những nguyên tắc sau: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bí mật. Ngài hẳn đang bối rối bởi thực tế là chỉ có một đảng tham gia vào các cuộc bầu cử. Song ngài không thể thấy được các cuộc tranh cử sẽ diễn ra như nào trong hoàn cảnh này. Rõ ràng các ứng cử viên sẽ không chỉ được đề cử từ một mình Đảng Cộng sản, mà còn được đề cử từ tất cả các tổ chức công ngoài Đảng khác. Và chúng tôi có hàng trăm tổ chức như thế. Chúng tôi không có bất kỳ đảng phái nào cạnh tranh với nhau, ngoại trừ một giai cấp tư sản đang cạnh tranh chống lại giai cấp công nhân đang bị các nhà tư bản bóc lột. Xã hội chúng tôi chỉ bao gồm những người lao động tự do đầy khổ cực ở các thành thị và nông thôn - công nhân, nông dân, trí thức. Mỗi tầng lớp này có thể có những mối quan tâm đặc biệt của riêng mình và thể hiện chúng thông qua nhiều tổ chức công đang tồn tại. Nhưng vì không còn giai cấp, vì ranh giới phân chia giữa các giai cấp đã bị loại bỏ và vì trong xã hội xã hội chủ nghĩa không còn khác biệt căn bản, mà chỉ còn khác biệt nhỏ giữa các tầng lớp khác nhau nên không thể có đất cho việc thành lập các đảng phái cạnh tranh. Không thể nào tồn tại một vài đảng phái khác nhau ở nơi không có một vài giai cấp khác nhau, vì đảng là một phần của giai cấp.
Dưới thời chủ nghĩa Quốc gia – “Xã hội” cũng chỉ có một đảng. Nhưng sẽ không có điều gì thay đổi dưới hệ thống độc đảng phát xít này. Vấn đề chính là ở Đức, chủ nghĩa tư bản và các giai cấp vẫn còn, cuộc đấu tranh giai cấp vẫn còn và sẽ tự bùng lên bất chấp chuyện gì xảy ra, thậm chí có thể bùng lên ngay trong cuộc đấu tranh giữa các đảng phái đại diện cho các giai cấp đối lập nhau như ở Tây Ban Nha chẳng hạn. Ở Ý cũng chỉ có một đảng duy nhất là Đảng Phát xít. Nhưng sẽ chẳng có điều gì thay đổi ở đó vì những lý do tương tự. Vậy tại sao quyền bầu cử của chúng tôi lại có nguyên tắc phổ thông? Bởi vì tất cả các công dân, trừ những người bị tòa án tước quyền bầu cử, đều có quyền đi bầu và được bầu.
Tại sao quyền bầu cử của chúng tôi lại có nguyên tắc bình đẳng? Bởi vì sự khác biệt về tài sản (thứ vẫn tồn tại ở một mức độ nào đó) cũng như mối liên kết chủng tộc hoặc dân tộc không dẫn tới việc tạo ra đặc quyền hay tước đoạt đi quyền lợi của ai. Phụ nữ sẽ được hưởng quyền bầu cử và được bầu cử như nam giới. Quyền bầu cử của chúng tôi sẽ thực sự bình đẳng.
Tại sao lại bí mật? Bởi vì chúng tôi muốn người dân Liên Xô hoàn toàn tự do trong việc bỏ phiếu cho những người họ muốn bầu - những người họ tin tưởng sẽ bảo vệ lợi ích của họ.
Tại sao lại trực tiếp? Bởi vì các cuộc bầu cử trực tiếp bầu ra tất cả những cơ quan đại diện, thậm chí là cả các cơ quan tối cao, sẽ là biện pháp tốt nhất để bảo vệ lợi ích thuộc về những người lao động vất vả trên đất nước bao la của chúng tôi.
Ngài nghĩ rằng sẽ không có các cuộc tranh cử. Nhưng sẽ có, và tôi đã thấy trước các chiến dịch bầu cử rất sôi nổi. Có không ít cơ quan công quyền ở nước tôi hoạt động không tốt. Các trường hợp xảy ra khi chính quyền địa phương ở vùng này hoặc vùng kia không đáp ứng được một số lượng nhất định các yêu cầu đa dạng và ngày càng tăng của những người lao động tại khu vực thành thị và nông thôn. Đồng chí đã xây dựng được một ngôi trường tốt hay chưa? Đồng chí đã cải thiện điều kiện nhà ở chưa? Đồng chí có phải là một người quan liêu không? Đồng chí đã giúp việc lao động của chúng tôi hiệu quả hơn và cuộc sống của chúng tôi có văn hóa hơn chưa? Đó sẽ là những tiêu chí mà hàng triệu cử tri dùng để đo lường sự xứng đáng của các ứng viên, từ chối những người không phù hợp, xóa tên họ khỏi danh sách ứng cử viên và đề bạt cũng như giới thiệu những người tốt nhất. Thật vậy, các cuộc vận động bầu cử sẽ rất sôi nổi, chúng sẽ được tiến hành xoay quanh vô số vấn đề rất gay gắt, chủ yếu mang tính thực tiễn và có tầm quan trọng hàng đầu với người dân. Hệ thống bầu cử mới của chúng tôi sẽ siết chặt hoạt động của tất cả các cơ quan lẫn tổ chức khác nhau và buộc họ phải cải thiện công việc của mình. Quyền bỏ phiếu phổ thông, trực tiếp và bí mật ở Liên Xô sẽ là ngọn roi trong tay nhân dân để chống lại các cơ quan chính quyền hoạt động tồi tệ. Theo tôi, bản hiến pháp mới của Liên Xô chúng tôi sẽ là bản hiến pháp dân chủ nhất trên thế giới.
Pravda
5 tháng 3 năm 1936
Đức Anh dịch
Nhận xét
Đăng nhận xét