Giai cấp vô sản và Đảng vô sản, 1 tháng Giêng 1905
(Nhân điều thứ nhất trong điều lệ đảng)
Bây giờ không còn là lúc mà người ta mạnh dạn tuyên bố rằng « nước Nga là duy nhất và không thể phân chia nữa. Ngày nay, đến một em bé cũng biết không có nước Nga « duy nhất và không thể phân chia » và từ lâu nước Nga đã chia thành hai giai cấp đối lập: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Ngày nay không còn ai lại không biết cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp đó đã trở thành cái trục, chung quanh đó xoay chuyển cuộc sống hiện đại của chúng ta.
Tuy nhiên, cho đến nay, điều đó khó mà thấy được : thật thế, cho đến nay, trên vũ đài, chúng ta chỉ thấy những nhóm người lẻ loi ; ở thành phố này hay thành phố nọ, ở địa phương này hay địa phương nọ, chỉ những nhóm người lẻ loi đứng ra đấu tranh ; về mặt giai cấp, ta không phân biệt được giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, lúc đó thật khó mà nhận thấy. Nhưng ngày nay, các thành phố và các địa phương liên hợp với nhau, các nhóm vô sản bắt tay nhau, các cuộc tổng bãi công và biểu tình nổ ra và trước mắt chúng ta đang bày ra cảnh tượng vĩ đại của cuộc đấu tranh giữa hai nước Nga: nước Nga tư sản và nước Nga vô sản. Trên trường chiến đấu, hai đạo quân lớn đang mặt giáp mặt nhau : đạo quân vô sản và đạo quân tư sản, và cuộc đấu tranh giữa hai đạo quân đó bao trùm toàn bộ đời sống xã hội của chúng ta.
Một đạo quân không thể nào hành động được nêu không có chỉ huy và mọi đạo quân đều có một đội tiền phong đi trước dẫn đường, do đó rõ ràng là những nhóm chỉ huy tương ứng, những đảng tương ứng cũng phải xuất trận cùng với các đạo quân ấy, như người ta thường nói.
Vậy cảnh tượng hiện ra dưới hình thái như sau : một bên là đạo quân tư sản, đứng đầu là đảng tự do ; một bên là đạo quân vô sản, đứng đầu là đảng dân chủ - xã hội, trong cuộc đấu tranh giai cấp của mình, mỗi đạo quân đều do đảng của chính mình lãnh đạo*.
Nếu chúng tôi nói đến những vấn đề ấy, là cốt để so sánh đảng vô sản với giai cấp vô sản và do đó để vắn tắt xác định bộ mặt chung của đảng ấy.
Những điều nói trên đây cũng đủ để chỉ rõ rằng đảng vô sản đã là nhóm chiến đấu của những người lãnh đạo, thì trước hết, về mặt số lượng phải nhỏ hơn rất nhiều, so với giai cấp vô sản ; thứ hai là trình độ giác ngộ và kinh nghiệm, phải ở một mức độ cao hơn giai cấp vô sản ; thứ ba là phải hợp thành một tổ chức thật chặt chẽ.
Tất cả những điểm đó, theo tôi, không cần phải dẫn chứng nữa : thật vậy, rõ ràng là chừng nào còn chế độ tư bản và nó đưa đến những kết quả tất nhiên như sự nghèo khó và tình trạng lạc hậu của quần chúng nhân dân, thì toàn thể giai cấp vô sản không thể nào đạt được mức giác ngộ mong muốn cả, do đó, cần phải có một nhóm người lãnh đạo giác ngộ để giáo dục chủ nghĩa xã hội cho đạo quân vô sản, đoàn kết và hướng dẫn họ trong cuộc đấu tranh. Cũng rất rõ ràng là khi đảng tự đặt cho mình nhiệm vụ lãnh đạo giai cấp vô sản đang đấu tranh thì nó không thể nào lại là một tập đoàn ngẫu nhiên gồm những phần tử lẻ loi, mà phải là một tổ chức thật chặt chẽ tập trung, khiến cho hoạt động của nó có thể hướng theo một kế hoạch duy nhất.
Đó là vắn tắt bộ mặt chung của đảng chúng ta.
Chúng ta hãy nhớ lấy tất cả những điều đó, và bây giờ chúng ta hãy bàn sang vấn đề chính : chúng ta có thể gọi những ai là đảng viên ? Điều thứ nhất trong điều lệ đảng chính là nói về vấn đề đó, và cũng nhân điều ấy, mới có những dòng này.
Vậy chúng ta hãy xem xét vấn đề đó,
Chúng ta có thể gọi những ai là đảng viên Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga, tức là nhiệm vụ của người đảng viên là gì ?
Đảng ta là đảng dân chủ - xã hội. Như thế nghĩa là đảng có cương lĩnh riêng của mình (những nhiệm vụ trước mắt và những mục tiêu cuối cùng của cuộc vận động), có sách lược riêng của mình (những phương thức đấu tranh) và có nguyên tắc tổ chức riêng của mình (hình thức kết hợp). Sự thống nhất các quan điểm về những nguyên tắc của cương lĩnh, của sách lược và của tổ chức là cơ sở để xây dựng đảng ta. Chỉ có sự thống nhất các quan điểm đó mới có thể đoàn kết được các đảng viên vào cùng một đảng tập trung. Sự thống nhất các quan điểm mà mất đi thì tức khắc đảng bị tan rã. Cho nên chỉ có người nào hoàn toàn công nhận cưỡng lĩnh, sách lược và nguyên tắc tổ chức của đảng mới có thể gọi là đảng viên. Chỉ có người nào nghiên cứu đầy đủ và hoàn toàn công nhận những nguyên tắc của đảng ta về cương lĩnh, sách lược và tổ chức, mới có thể gia nhập đảng và mới đồng thời có thể là một trong những người lãnh đạo đạo quân vô sản.
Nhưng đối với một đảng viên, thừa nhận cương lĩnh, sách lược và nguyên tắc tổ chức của đảng đã đủ chưa ? Có thể coi người đó là người lãnh đạo thực sự của đạo quân vô sản chưa ? Tất nhiên là chưa! Trước hết, ai cũng biết rằng không thiếu gì những kẻ ba hoa sẽ vui lòng « thừa nhận » cương lĩnh, sách lược và nguyên tắc tổ chức của đảng, nhưng không có khả năng nào hơn là ba hoa. Cho những kẻ ba hoa như thế mang danh hiệu đảng viên (tức là danh hiệu người lãnh đạo đạo quân vô sản) là làm cho cái điều thiêng liêng nhất trong đảng trở thành phàm tục! Vả lại theo chúng tôi biết, đảng ta không phải là một trường triết lý hay một giáo phái. Đảng ta há chẳng phải là một đảng chiến đấu đó sao ? Bởi vậy há chẳng phải hiển nhiên là đảng chúng ta không thể chỉ thừa nhận suông cương lĩnh, sách lược và nguyên tắc tổ chức của đảng là đủ, há chẳng phải tất nhiên là đảng sẽ nhất định bắt buộc các đảng viên phải áp dụng những nguyên tắc mà họ đã thừa nhận ? Cho nên những ai muốn trở thành đảng viên, không thể chỉ thừa nhận cương lĩnh, sách lược và nguyên tắc tổ chức là đủ ; họ còn phải có nghĩa vụ áp dụng những nguyên tắc đó, thực hiện những nguyên tắc đó.
Nhưng đối với một đảng viên thì áp dụng những nguyên tắc của đảng có nghĩa là gì ? Họ có thể áp dụng những nguyên tắc đó vào lúc nào ? Chỉ có trong khi họ đấu tranh, trong khi họ cùng với toàn đảng dẫn đầu đạo quân vô sản. Người ta có thể đấu tranh đơn độc, phân tán được không ? Tất nhiên là không! Trước hết phải tập hợp nhau lại, tổ chức nhau lại, và chỉ sau đó mới tiến hành chiến đấu. Nếu không, mọi cuộc đấu tranh đều không có kết quả. Hiển nhiên là chính những đảng viên cũng vậy, họ chỉ có thể đấu tranh được và do đó, áp dụng được những nguyên tắc của đảng khi nào họ đoàn kết trong một tổ chức thật chặt chẽ. Cũng rất hiển nhiên là tổ chức trong đó các đảng viên đoàn kết với nhau mà càng chặt chẽ thì họ đấu tranh càng có kết quả và do đó họ càng áp dụng được tốt cương lĩnh, sách lược và nguyên tắc của đảng. Không phải không có lý do khi người ta nói đảng ta là một tổ chức những người lãnh đạo, chứ không phải là một tập đoàn những cá nhân lẻ loi. Và nếu đảng ta là một tổ chức những người lãnh đạo, thì rõ ràng là chỉ người nào chiến đấu trong tổ chức đó, và do đó cho mình có nghĩa vụ thống nhất những nguyện vọng của mình với những nguyện vọng của đảng làm một và phải hành động chung với đảng thì mới được coi là đảng viên của đảng đó, của tổ chức đó.
Vậy muốn là đảng viên thì phải thực hiện cương lĩnh, sách lược và nguyên tắc tổ chức của đảng ; muốn thực hiện những nguyên tắc của đảng thì phải chiến đấu cho những nguyên tắc ấy, thì phải công tác trong một tổ chức của đảng, công tác chung với đảng. Rõ ràng là muốn trở thành đảng viên thì phải gia nhập một tổ chức của đảng. Chỉ có gia nhập một tổ chức của đảng và thống nhất quyền lợi cá nhân với quyền lợi của đảng là một, chúng ta mới có thể trở thành đảng viên, đồng thời trở thành những người lãnh đạo chân chính của đạo quân vô sản.
Nếu đảng ta không phải là một tập đoàn những người riêng lẻ và ba hoa, nếu nó là một tổ chức những người lãnh đạo và thông qua Ban chấp hành trung ương mà hướng dẫn một cách xứng đáng đạo quân vô sản tiến lên, thì khi đó những điều nói trên tự nó cũng trở nên rõ ràng.
Cũng cần phải ghi thêm vài điểm nữa.
Cho đến nay, đảng ta giống như một gia đình tộc trưởng hiếu khách, sẵn sàng đón tiếp tất cả những người cảm tình. Nhưng ngày nay đã trở thành một tổ chức tập trung, đã vứt bỏ tính chất gia trưởng của nó và hoàn toàn giống hệt như một thành trì chỉ mở cửa đón những người nào xứng đáng. Điều đó rất quan trọng đối với chúng ta. Giữa lúc chế độ chuyên chế đang ra sức dùng « chủ nghĩa công liên », chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa giáo hội, v. v., để làm suy đồi ý thức giai cấp của giai cấp vô sản, và mặt khác, giữa lúc bọn trí thức thuộc phải tự do đang ngoan cố muốn xóa bỏ quyền độc lập về chính trị của giai cấp vô sản để bắt họ phải chịu sự bảo hộ của chúng thì chúng ta phải tỏ ra hết sức cảnh giác và không được quên rằng đảng ta là một thành trì chỉ mở cửa đón những ai đã được thử thách.
Chúng tôi đã làm sáng tỏ hai điều kiện thiết yếu để trở thành đảng viên (thừa nhận cương lĩnh và công tác trong một tổ chức của đảng). Hãy thêm vào đó một điều kiện thứ ba nữa : mọi đảng viên đều có nghĩa vụ ủng hộ đảng về mặt vật chất, và thế là chúng ta đã kể hết tất cả những điều kiện cho phép được mang danh hiệu đảng viên.
Vậy chỉ những ai thừa nhận cương lĩnh của đảng, ủng hộ đảng về vật chất và tham gia một trong những tổ chức của đảng thì mới có thể được gọi là đảng viên Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga.
Đồng chí Lê-nin đã nêu lên cho điều thứ nhất của điều lệ đảng một công thức như vậy đó.
Như ta thấy, công thức đó hoàn toàn bắt nguồn từ tư tưởng cho rằng đảng ta là một tổ chức theo chế độ tập trung chứ không phải là một tập đoàn ta những cá nhân lẻ loi.
Và đó chính là giá trị lớn lao của công thức đó.
Nhưng đã có một vài đồng chí vứt bỏ công thức của Lê-nin, cho nó là « hẹp hòi » và « bất tiện », và đưa ra một công thức riêng của họ, mà họ cho rằng vừa không « hẹp hòi » vừa không « bất tiện ». Chúng tôi muốn nói đến công thức của Mác-tốp mà chúng ta sẽ phân tích bây giờ đây.
Theo công thức của Mác-tốp thì « kẻ nào thừa nhận Cương lĩnh của đảng, ủng hộ đảng về mặt vật chất, và tự mình thường xuyên ủng hộ đảng, dưới sự chỉ đạo của một trong các tổ chức của đảng, thì kẻ ấy là đảng viên Đ.C.N.D.C.X.H.N. ». Như ta thấy, công thức đó bỏ rơi một điều kiện cần thiết thứ ba để trở thành đảng viên, điều kiện buộc các đảng viên phải có nghĩa vụ tham gia một trong những tổ chức của đảng. Mác-tốp dường như cho rằng điều kiện rõ ràng minh bạch và thiết yếu đó là thừa và ngược lại y đưa vào công thức của mình cái điều ám muội và mơ hồ là « tự mình ủng hộ đảng, dưới sự chỉ đạo của một trong các tổ chức của đảng ». Do đó, người ta có thể trở thành đảng viên mà không cần phải tham gia vào một tổ chức nào của đảng cả ( thật là một « đảng » tốt đẹp!) và cũng không cho rằng mình phải tuân theo ý chí của đảng (thật là một thứ « kỷ luật đảng » tốt đẹp!)! Nhưng như thế thì đảng làm thế nào để « thường xuyên » lãnh đạo được những kẻ không ở trong một tổ chức nào của đảng cả, và do đó không cho rằng mình bắt buộc phải tuyệt đối phục tùng kỷ luật của Đảng ?
Đó là câu hỏi đập tan công thức mà Mác-tốp đề nghị lấy làm điều thứ nhất trong điều lệ đảng ; nhưng câu hỏi đó đã được giải đáp một cách rất tài tình trong công thức của Lê-nin ; Lê-nin đề ra rất rõ rằng điều kiện thứ ba cần thiết để trở thành đảng viên là nghĩa vụ tham gia một trong những tổ chức chức của đảng.
Chúng ta chỉ còn việc loại bỏ khỏi công thức của Mác-tốp cái cầu ám muội và vô nghĩa là « tự mình ủng hộ đảng, dưới sự chỉ đạo của một trong các tổ chức của đảng ». Nếu thế chỉ còn lại hai điều kiện (thừa nhận cương lĩnh và ủng hộ về mặt vật chất), bản thân hai điều kiện đó lại không có một giá trị gì cả, bởi vì bất cứ một kẻ ba hoa nào cũng có thể « thừa nhận » cương lĩnh và ủng hộ đảng về mặt vật chất, nhưng điều đó không thể nào lại cho họ có quyền là đảng viên được cả.
Quả là một công thức rất « tiện lợi »!
Chúng tôi nói rằng những đảng viên chân chính tuyệt nhiên không thể nào chỉ thừa nhận cương lĩnh của đảng mà thôi, họ còn bắt buộc phải ra sức thực hiện cương lĩnh đó. Mác-tốp đáp lại: các đồng chí thật quá ư nghiêm khắc, vì một đảng viên không nhất thiết phải thi hành cương lĩnh một khi họ không từ chối ủng hộ đảng về mặt vật chất, và vân vân. Mác-tốp dường như rất gượng nhẹ đối với một vài kẻ ba hoa... « dân chủ - xã hội », mà y không muốn ngăn cấm họ vào đảng.
Chúng tôi lại nói tiếp rằng vì đấu tranh là cần thiết để thực hiện cương lĩnh và đoàn kết là cần thiết để đấu tranh cho nên nhiệm vụ của người đảng viên tương lai là phải gia nhập một trong các tổ chức của đảng, phải thống nhất nguyện vọng của mình với nguyện vọng của đảng làm một, phải cùng với đảng lãnh đạo đạo quân chiến đấu của vô sản, tức là tự tổ chức thế nào thành những đạo quân có trật tự của một đảng theo chế độ tập trung. Mác-tốp đáp lại: các đảng viên không nhất thiết cần phải tổ chức thành những đạo quân có trật tự, tập hợp thành tổ chức ; họ có thể tiến hành đấu tranh một cách riêng rẽ, từng cá nhân một.
Nhưng thử hỏi như thế thì đảng ta là gì ? Một tập đoàn ngẫu nhiên các cá nhân riêng lẻ, hay là một tổ chức chặt chẽ những người lãnh đạo ? Nếu là một tổ chức những người lãnh đạo thì có thể coi những kẻ không gia nhập tổ chức và do đó không cho rằng mình phải phục tùng kỷ luật của đảng, là những người của tổ chức được chăng ? Mác-tốp đáp lại rằng đảng không phải là một tổ chức, hay nói cho đúng hơn, đảng là một tổ chức vô tổ chức (đó mới đúng là « chế độ tập trung » ! ) !
Người ta thấy rằng đối với Mác-tốp, đảng ta không phải là một tổ chức theo chế độ tập trung, mà là một tập đoàn các tổ chức địa phương và các cá nhân « dân chủ - xã hội » thừa nhận cương lĩnh của đảng, v,v... Nhưng nếu đảng ta không phải là một tổ chức theo chế độ tập trung thì nó không thể là một thành trì có thể mở cửa tiếp nhận những người đã qua thử thách. Và, thật thế, đối với Mác-tốp, như công thức của y đã chỉ rõ, đảng không phải là một thành trì, mà là một bàn yến tiệc mà mọi người cảm tình đều được tự do tham dự. Một ít kiến thức, bấy nhiều cảm tình, một sự giúp đỡ nhỏ nhặt về mặt vật chất, thế là êm rồi, anh có toàn quyền tự xưng là đảng viên. Rồi Mác-tốp muốn làm cho những « đảng viên » hoảng sợ được yên lòng, y nói : các anh đừng có nghe một vài người nói rằng đảng viên phải gia nhập một trong các tổ chức của đảng và do đó, phải đặt nguyện vọng của mình dưới nguyện vọng của đảng. Trước hết, khó mà thừa nhận những điều kiện đó, vì đặt nguyện vọng của mình dưới nguyện vọng của đảng không phải là một chuyện chơi! Hai nữa là, như tôi đã nêu lên trong bài bình luận của tôi, ý kiến của một số người là sai đấy. Vậy thì thưa các ngài, xin hoan nghênh các ngài, mời các ngài vào... yến tiệc cho!
Mác-tốp dường như nể nang một số giáo sư hay các học sinh trung học là những kẻ không thể cương quyết đặt những nguyện vọng riêng của họ dưới nguyện vọng của đảng. Bởi vậy, Mác-tốp đã mở một lỗ hổng trong thành trì của đảng ta, do đó các quý ngài đó mới có thể lén lút chui vào một cách gian lậu. Mác-tốp mở cửa cho chủ nghĩa cơ hội chui vào, và mở cửa đúng vào lúc mà hàng nghìn kẻ thù đang có sức bóp chết ý thức giai cấp của giai cấp vô sản!
Nhưng không phải chỉ có thế mà thôi đâu. Sự thật là công thức mập mờ của Mác-tốp còn khiến cho chủ nghĩa cơ hội có thể chui luồn vào đảng ta từ một phía khác nữa.
Chúng ta biết rằng công thức của Mác-tốp chỉ nói đến việc thừa nhận cương lĩnh. Còn về sách lược và tổ chức thì không đả động đến một tiếng nào ; nhưng, đối với sự thống nhất của đảng, thì việc tán thành những nguyên tắc về các mặt tổ chức và sách lược, cũng cần thiết như sự nhất trí về những nguyên tắc của cương lĩnh. Người ta sẽ nói với chúng ta rằng chính công thức của đồng chí Lê-nin cũng không nói gì đến điều đó cả. Đúng thế! Nhưng công thức của đồng chí Lê-nin không cần phải nói đến điều đó! Há chẳng hiển nhiên là người nào công tác trong một tổ chức của đảng, và do đó chiến đấu trong hàng ngũ của đảng và phục tùng kỷ luật của đảng, thì tất nhiên không thể nào lại theo những sách lược và nguyên tắc tổ chức nào khác những sách lược và nguyên tắc tổ chức của đảng được ? Nhưng một « đảng viên » thừa nhận cương lĩnh của đảng mà lại không gia nhập một tổ chức nào của đảng cả thì như thế nào ? Lấy gì đảm bảo rằng sách lược và nguyên tắc tổ chức của « đảng viên » nọ là của đảng, chứ không phải là những sách lược và nguyên tắc tổ chức nào xa lạ đối với đảng ? Đó là điều mà công thức của Mác-tốp không thể nào giải thích cho chúng ta được! Kết quả là chúng ta sẽ có một « đảng » kỳ cục, một đảng mà « đảng viên » sẽ có một cương lĩnh chung (điều này cũng còn phải xem lại đã!), nhưng lại có những quan niệm khác nhau về sách lược và tổ chức. Thật là muôn màu muôn vẻ về tư tưởng! Nếu vậy đảng ta khác với bàn yến tiệc ở chỗ nào ?
Còn một vấn đề nữa : làm thể nào mà vứt bỏ được chế độ tập trung về mặt tư tưởng và thực tiễn mà Đại hội II của Đảng đã đề ra cho chúng ta và công thức của Mác-tốp đã hoàn toàn chống lại ? Nếu người ta đi đến chỗ cần phải lựa chọn, thì nhất định tốt hơn hết là vứt bỏ công thức của Mác-tốp.
Đó là công thức phi lý mà Mác-tốp đưa ra cho chúng ta, để đối chọi lại công thức của đồng chí Lê-nin! Chúng ta coi quyết định của Đại hội II của đảng thông qua công thức của Mác-tốp là một việc phi lý, và chúng ta hy vọng rằng Đại hội III nhất định sẽ sửa chữa sai lầm của Đại hội II và sẽ thông qua công thức của đồng chí Lê-nin,
Tóm lại, đạo quân vô sản đang chiến đấu. Nếu mọi đạo quân đều cần có một đội tiên phong, thì chính đạo quân này cũng thế, nó cũng cần có một đội tiên phong. Do đó mà nhóm những người lãnh đạo vô sản đã xuất hiện: Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga. Là đội tiên phong của một đạo quân nhất định, thì trước hết phải có một cương lĩnh, một sách lược và một nguyên tắc tổ chức của riêng mình. Sau nữa đảng phải họp thành một tổ chức thật chặt chẽ. Nếu người ta hỏi : chúng tôi phải gọi những ai là đảng viên của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga ? thì đảng chỉ có thể trả lời rằng: người nào thừa nhận cương lĩnh của đảng, ủng hộ đảng về mặt vật chất và công tác ở một trong những tổ chức của đảng, người đó là đảng viên của đảng.
Chính đồng chí Lê-nin đã nói lên cái chân lý hiền nhiên đó trong công thức tuyệt diệu của Người.
Báo « Đầu tranh của giai cấp vô sản»,
số 8 Ngày 1 tháng Giêng 1905
Nhận xét
Đăng nhận xét