Hai trận chiến đấu, 17 tháng Giêng 1906
Có lẽ các bạn còn nhớ ngày 9 tháng Giêng năm ngoái. Hôm đó, giai cấp vô sản Pê-téc-bua chạm trán với chính phủ Nga hoàng và mặc dù không muốn, họ đã phải chiến đấu với chính phủ. Đúng, họ không muốn thế, vì họ đi đến trước Nga hoàng một cách hòa bình đề cầu xin « bánh mì và công lý », nhưng họ đã được đón tiếp như đối với kẻ thù và đạn đã bắn tua tủa vào họ. Họ đặt hy vọng vào những bức chân dung của Nga hoàng và những lá cờ tôn giáo ; nhưng cả chân dung lẫn cờ đều bị nát tan thành từng mảnh và ném vào mặt họ ; do đó qua kinh nghiệm họ có thể tin chắc rằng chỉ có vũ khí mới đối phó được với vũ khí. Vậy bất kỳ ở đâu có vũ khí gì thì họ cầm vũ khí đó để đối phó chống lại kẻ thù với thái độ cừu địch và để trả thù. Nhưng sau khi để lại ở chiến trường hàng nghìn người chết và bị tổn thất nghiêm trọng, họ phải lùi bước và tức giận tím ruột tím gan.
Đây là điều mà ngày 9 tháng Giêng năm ngoái đã khiến chúng ta phải nghĩ đến.
Không phải là vô ích nếu nhân ngày giai cấp vô sản Nga kỷ niệm ngày 9 tháng Giêng, mà tự hỏi tại sao năm ngoái, giai cấp vô sản Pê-téc-bua đã lùi bước trong trận chiến đấu, và cuộc chiến đấu đó khác với cuộc tổng chiến đấu hồi tháng Chạp ở chỗ nào ?
Trước hết, giai cấp vô sản Pê-téc-bua đã lùi bước vì chưa có được cái trình độ tối thiểu về ý thức cách mạng hết sức cần thiết cho sự chiến thắng của cuộc khởi nghĩa. Một giai cấp vô sản mà miệng thì cầu kinh và lòng đầy hy vọng tìm gặp tên Nga hoàng khát máu mà toàn bộ cuộc sống đều dựa vào sự áp bức nhân dân; một giai cấp vô sản mà lại đi cầu xin một cách tin tưởng kẻ thù không đội trời chung của mình ban cho « chút ít ân huệ » thì liệu họ có thể thắng lợi được trong những trận chiến đấu ở đường phố không ?...
Đúng là tiếp theo sau đó ít lâu, những loạt súng nổ đã làm cho giai cấp vô sản bị lừa gạt mở mắt ra, đã chỉ cho họ thấy rõ bộ mặt ghê tởm của chế độ chuyên chế ; đúng là ngay lúc đó họ đã tức giận thét lên : « Nga hoàng đã đánh vào chúng ta, đến lượt chúng ta đánh vào Nga hoàng ! ». Nhưng trong việc đó nào có nghĩa lý gì nếu người ta không có vũ khí trong tay: liệu người ta có thể làm gì trong một cuộc chiến đấu ở đường phố, một khi người ta không có gì trong tay cả, dù rằng người ta có ý thức ? Đạn của kẻ thù há lại chẳng đập vỡ cái đầu có ý thức cũng như cái đầu không có ý thức sao ?
Đúng, tình trạng không có vũ khí là nguyên nhân thứ hai của việc giai cấp vô sản Pê-téc-bua lùi bước.
Nhưng giả thử họ có vũ khí thì một mình Pê-téc-bua liệu đã có thể làm được gì ? Trong khi ở Pê-téc-bua máu đang chảy và những lũy chướng ngại được dựng lên thì ở các thành phố khác không ai động tỉnh gì cả, vì thế nên chính phủ đã có thể điều quân ở nơi khác đến và làm cho đường phố tràn ngập máu. Chỉ mãi về sau, khi giai cấp vô sản Pê téc-bua đã chôn cất các đồng chí bị giết chết và đã trở lại những công việc hàng ngày của họ, thì ở các thành phố khác mới vang lên tiếng thét của công nhân bãi công : Chào những người anh hùng Pê-téc-bua ! Những lời chào muộn màn đó có thì đem lại cái gì cho bất cứ ai không ? Cho nên, chính phủ nào có coi những hành động riêng lẻ và vô tổ chức ấy ra gì và dễ dàng giải tán một giai cấp vô sản chia rẽ thành nhiều nhóm khác nhau.
Vậy thì, tình trạng thiếu một cuộc tổng khởi nghĩa có tổ chức, tính chất vô tổ chức trong những hành động của giai cấp vô sản đó là nguyên nhân thứ ba của việc giai cấp vô sản Pê-téc-bua lùi bước.
Vả chăng hồi đó ai có thể tổ chức được cuộc tổng khởi nghĩa ? Không phải toàn thể nhân dân có thể đảm nhiệm được việc đó, còn đội tiên phong của giai cấp vô sản, đảng của giai cấp vô sản, – thì bản thân nó không có tổ chức, bị chia rẽ bởi những sự bất đồng: cuộc đấu tranh nội bộ, sự phân liệt ngày càng làm cho đảng yếu đi. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả khi một đảng còn non trẻ, bị cắt làm đôi, nên không tổ chức nổi cuộc tổng khởi nghĩa.
Vậy thì, tình trạng thiếu một đảng thống nhất và đoàn kết – đó là nguyên nhân thứ tư trong việc giai cấp vô sản lùi bước.
Cuối cùng, nếu nông dân và quân đội không đi theo khởi nghĩa và không cung cấp những lực lượng mới cho khởi nghĩa là vì họ không thể nhìn thấy một lực lượng đặc thù nào trong cuộc khởi nghĩa yếu đuối và ngắn ngủi đó và, như ta đã biết, người ta không đi theo những kẻ yếu ớt.
Đây là lý do tại sao giai cấp vô sản anh hùng Pê-téc-bua đã lùi bước hồi tháng Giêng năm ngoái.
------------
Thời gian trôi qua. Giai cấp vô sản, bị cuộc khủng hoảng và tình trạng vô quyền lợi thúc đẩy nên đã chuẩn bị một trận chiến đấu khác. Người ta đã lầm, nếu nghĩ rằng những nạn nhân của ngày 9 tháng Giêng đã giết chết mọi ý chí chiến đấu của giai cấp vô sản: ngược lại, giai cấp đó đã chuẩn bị một cách nhiệt tình và đầy hy sinh hơn nữa cho cuộc đấu tranh « cuối cùng », họ đã chiến đấu một cách dũng cảm và bền bỉ hơn nữa chống lại quân đội và lính Cô-dắc. Cuộc nổi dậy của thủy thủ ở Hắc hải và biển Ban-tích, cuộc nổi dậy của công nhân Ô-đét-xa, Lốt-dơ và ở những nơi khác, những cuộc xung đột không ngớt giữa nông dân và cảnh sát đã chứng tỏ rằng trong lòng nhân dân đã bùng cháy lên một ngọn lửa cách mạng không bao giờ dập tắt nồi như thế nào.
Ý thức cách mạng mà ngày 9 tháng Giêng giai cấp vô sản còn thiếu thì hiện nay họ đã có đủ một cách nhanh chóng lạ thường. Người ta nói rằng mười năm tuyên truyền cũng không có thể đem lại nhiều tiến bộ về mặt ý thức của giai cấp vô sản bằng những ngày khởi nghĩa. Điều đó không thể nào khác được vì quá trình những trận chiến đấu giai cấp là trường học vĩ đại mà ở đó ý thức cách mạng của nhân dân được chín mùi từng ngày và từng giờ.
Cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang mà lúc đầu chỉ do một nhóm nhỏ trong giai cấp vô sản cò súy ; cuộc khởi nghĩa vũ trang mà một số đồng chí thậm chí từng tỏ ra hoài nghi đã dần dần tranh thủ được sự đồng tình của giai cấp vô sản ; họ nhiệt liệt tổ chức những đội quân đó, tìm kiếm vũ khí, v,v... Cuộc tổng bãi công tháng Mười đã chứng tỏ giai cấp vô sản có thể nhất tề hành động được. Do đó nó cũng chứng tỏ rằng có thể có một cuộc khởi nghĩa có tổ chức được, và giai cấp vô sản đã kiên quyết đi vào con đường đó.
Chỉ cần có một đảng đoàn kết nhất trí, một đảng dân chủ - xã hội thống nhất và không thể phân chia, nó lãnh đạo việc tổ chức tổng khởi nghĩa, thống nhất công việc chuẩn bị cách mạng được tiến hành đơn độc Ở các thành thị lại với nhau, và gánh vác trách nhiệm khởi xướng cuộc tấn công. Huống chi bản thân cuộc sống thực tế lại đã chuẩn bị cho cao trào mới ; khủng hoảng ở thành thị, đói kém ở nông thôn và những nguyên nhân tương tự khác khiến cho cuộc bùng nổ mới của cách mạng ngày càng không thể tránh khỏi. Điều bất hạnh là đảng này chỉ mới được thành lập vào lúc đó mà thôi ; bị tình trạng phân liệt làm cho suy yếu, đảng chỉ có thể làm được cái việc lấy lại sức và thực hiện sự thống nhất.
Chính lúc bấy giờ giai cấp vô sản Nga tiến hành trận chiến đấu thứ hai, trận chiến đấu vinh quang hồi tháng Chạp.
Bây giờ ta hãy nói qua về trận chiến đấu đó.
Nếu, khi nói đến trận chiến đấu hồi tháng Giêng, chúng ta đã nói rằng ý thức cách mạng lúc đó không có, thì chúng ta phải nói rằng ý thức đó đã có lúc diễn ra trận chiến đấu hồi tháng Chạp. Mười một tháng bão táp cách mạng đủ để mở mắt cho giai cấp vô sản Nga đang đấu tranh, và những khẩu hiệu : « Đả đảo chế độ chuyên chế », « Chế độ Cộng hòa dân chủ muôn năm! » trở thành những khẩu hiệu trước mắt, những khẩu hiệu của quần chúng. Ở đây không có những lá cờ tôn giáo, những tượng thánh, những chân dung của Nga hoàng nữa mà là những lá cờ đỏ phấp phới trước gió, những chân dung của Mác và Ăng-ghen. Ở đây không có những bài thánh ca, không có những lời cầu kinh « xin chúa che chở cho Nga hoàng » nữa mà là những điệu Mác-xây-ê và Vác-xô-viên làm chối tai bọn áp bức.
Vậy thì, về ý thức cách mạng, trận chiến đấu hỏi tháng Chạp hoàn toàn khác hẳn trận chiến đấu hồi tháng Giêng.
Trong trận chiến đấu hồi tháng Giêng, không có vũ khí, nhân dân đi vào chiến đấu tay không. Trận chiến đấu hồi tháng Chạp đã đánh dấu một bước tiến bộ : tất cả những người tham gia chiến đấu đều nóng lòng tự kiếm ra vũ khí, đã có trong tay những súng ngắn, súng trường, bom và, ở một số nơi, đã có cả liên thanh. Dùng vũ khí để đoạt lấy vũ khí : đó là khẩu hiệu đương thời. Tất cả đều đi tìm vũ khí, tất cả đều cảm thấy cần phải có vũ khí ; điều đáng tiếc là có rất ít vũ khí và chỉ có một số rất ít vô sản là có thể chiến đấu có vũ khí trong tay.
Cuộc khởi nghĩa tháng Giêng là hoàn toàn phân tán và không có tổ chức ; ai nấy đều hành động theo may rủi. Cả về mặt đó nữa, cuộc khởi nghĩa tháng Chạp đã đánh dấu một bước tiến bộ. Các Xô-viết đại biểu công nhân Pê-téc-bua và Mát-xcơ-va và những trung tâm của « phái đa số » và của « phái thiểu số », trong chừng mực có thể, đã « có những biện pháp » để làm cho cách mạng được phát động cùng một lúc ở các địa phương; các Xô-viết đã kêu gọi giai cấp vô sản Nga cùng một lúc tấn công ở khắp nơi. Trong cuộc khởi nghĩa tháng Giêng, không hề có tí gì giống như thế cả. Nhưng vì trước khi ra lời kêu gọi đó, không có một công tác lâu dài và kiên trì của đảng để chuẩn bị cho khởi nghĩa, nên lời kêu gọi đó chung quy chỉ là một lời kêu gọi thôi và thực ra lần hành động đó vẫn là hành động phân tán, vô tổ chức. Lúc đó chỉ mới có cái ý đồ tiến tới một cuộc khởi nghĩa đồng loạt và có tổ chức.
Cuộc khởi nghĩa tháng Giêng chủ yếu do bọn Ga-pôn « lãnh đạo ». Về phương diện đó, cuộc khởi nghĩa tháng Chạp có cái ưu điểm hơn là được những người dân chủ - xã hội lãnh đạo. Tiếc thay những người này lại phân chia thành nhiều nhóm, không thành một đảng duy nhất đoàn kết nhất trí cho nên họ không thể phối hợp hành động của họ được. Một lần nữa, Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga lại đón tiếp cuộc khởi nghĩa mà không có sự chuẩn bị và lực lượng thì phân tán...
Trận chiến đấu hồi tháng Giêng không có một kế hoạch nào cả, không dựa vào một chính sách rõ ràng nào chỉ đạo cả. Vấn đề : tấn công hay phòng ngự, không từng được đặt ra cho trận chiến đấu đó. Trận chiến đấu hồi tháng Chạp đã có cái ưu điểm duy nhất là vấn đề đó được đặt ra một cách rõ ràng, nhưng cũng chỉ ở trong tiến trình đấu tranh mà thôi chứ không phải ngay từ đầu. Còn giải quyết vấn đề đó, thì cuộc khởi nghĩa tháng Chạp đã bộc lộ cũng cái nhược điểm của cuộc khởi nghĩa tháng Giêng. Nếu ngay từ đầu, những người cách mạng Mát-xcơ-va đã áp dụng chính sách tấn công, nếu ngay từ đầu họ đã tấn công và chiếm cứ chẳng hạn nhà ga Ni-cô-la-ép-ski, thì tự nhiên cuộc khởi nghĩa đã giữ vững được lâu hơn và đã có một phương hướng phát triển thuận lợi hơn nhiều. Hoặc giả nếu những người cách mạng Lét-tô-ni chẳng hạn đã áp dụng một chính sách tấn công kiên quyết và đã không do dự, thì chắc chắn họ đã bắt đầu chiếm được những khẩu đội đại bác do đó khiến cho chính phủ mất mọi chỗ dựa, chính phủ đó lúc đầu đã để cho những người cách mạng chiếm các thành thị, sau đó lại tấn công trở lại và nhờ có những khẩu đại bác nên nó đã chiếm lại những vùng đã mất. Đối với những thành thị khác cũng có thể nói như thế được. Mác đã nói có lý là : trong một cuộc khởi nghĩa, chính lòng dũng cảm đã chiến thắng, và chỉ ai áp dụng chính sách tấn công thì mới có thể gọi là những người triệt để dũng cảm.
Đó là nguyên nhân khiến cho giai cấp vô sản phải lùi bước hồi trung tuần tháng Chạp.
Sở dĩ đông đảo nông dân và quân đội không đi theo trận chiến đấu hồi tháng Chạp , sở di cuộc chiến đấu này thậm chí lại gây ra bất bình trong một số giới « dân chủ » là vì nó đã không có lực lượng, không có tính trường cửu rất cần thiết bảo đảm cho cuộc khởi nghĩa phát triển và đi đến thắng lợi.
Điều mà ngày nay chúng ta, những người dân chủ - xã hội, phải làm thì đã được nêu rõ như đã kể ở trên.
Một là, nhiệm vụ của chúng ta là hoàn thành sự nghiệp mà chúng ta đã bắt đầu : tạo ra một đảng thống nhất và không thể phân chia. Những cuộc hội nghị đại biểu toàn Nga của « phái đa số » và của « phái thiểu số » đã thảo ra cho toàn thể nước Nga những nguyên tắc tổ chức về sự thống nhất đó. Những đại biểu Hội nghị đó đã thông qua công thức của Lê-nin về những điều kiện vào đảng và nguyên tắc dân chủ tập trung. Những cơ quan trung tâm lãnh đạo tư tưởng và những cơ quan trung tâm về công tác thực hành đã được hợp nhất rồi, mà sự hợp nhất các tổ chức địa phương cũng đã gần hoàn thành. Chỉ cần có một đại hội thống nhất sẽ chính thức hoàn thành sự thống nhất thực sự đó và sẽ đem lại cho chúng ta một Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga thống nhất và không thể phân chia. Nhiệm vụ của chúng ta là góp phần vào cái sự nghiệp hết sức thiết thân đó của chúng ta, là chuẩn bị kỹ càng cho đại hội thống nhất, như người ta biết, sẽ họp vào một ngày gần đây.
Hai là, nhiệm vụ của chúng ta là giúp đỡ đảng tổ chức vũ trang khởi nghĩa và tích cực tham gia sự nghiệp thiêng liêng đó, làm việc không ngừng cho sự nghiệp đó. Nhiệm vụ của chúng ta là tăng gấp bội đội quân đỏ, huấn luyện cho họ và gắn chặt những đội đó lại với nhau, nhiệm vụ của chúng ta là dùng vũ khí để đoạt lấy vũ khí, là nghiên cứu sự bố trí những công sở và nắm được chắc chắn con số lực lượng địch, là nghiên cứu chỗ mạnh và chỗ yếu của những lực lượng đó, và lấy đó làm căn cứ để xây dựng kế hoạch khởi nghĩa. Nhiệm vụ của chúng ta là tiến hành một công tác tuyên truyền có động có hệ thống cho cuộc khởi nghĩa, trong quân đội và ở nông thôn, nhất là ở những làng mạc gần các thành thị, là vũ trang cho những phần tử đáng tin cậy trong các làng mạc đó, v..v..
Ba là, nhiệm vụ của chúng ta là trừ bỏ mọi sự do dự, là phản đối mọi sự thiếu dứt khoát, là kiên quyết chấp hành chính sách tấn công.
Tóm lại, một đảng đoàn kết, một cuộc khởi nghĩa do đảng tổ chức và một chính sách tấn công, đó là điều mà ngày nay chúng ta cần phải có để cho cuộc khởi nghĩa thắng lợi.
Và nhiệm vụ đó càng trở thành bức thiết hơn, khẩn cấp hơn khi mà nạn đói kém ở nông thôn và cuộc khủng hoảng công nghiệp ở thành thị trầm trọng thêm và lan rộng thêm.
Dường như trong dầu óc của một vài người có một sự ngờ vực về sự đúng đắn của các chân lý sơ đẳng đó, do đó mà họ nói lên một cách chán nản: liệu đảng có thể làm được gì, mặc dầu là thống nhất, nếu đảng không thể tập hợp được xung quanh mình giai cấp vô sản ? Thế mà giai cấp vô sản thì đã bị đè bẹp, bị thất vọng và tuyệt nhiên không sẵn sàng chứng tỏ là có tính chủ động, cho nên bây giờ chúng ta phải – những đồng chí đó nói – chờ đợi nông thôn đến giải cứu và tính chủ động phải do từ nông thôn đến, v.v.. Phải thừa nhận rằng những đồng chí suy luận như thế đã sai lầm nghiêm trọng. Giai cấp vô sản tuyệt nhiên không hề bị đè bẹp, vì bị đè bẹp tức là chết; trái lại, họ luôn luôn sống và ngày một mạnh lên. Họ chi lùi bước để tập hợp lực lượng của họ lại được tốt hơn và sau đó tiến hành cuộc đấu tranh cuối cùng chống lại chính phủ Nga hoàng.
Ngày 15 tháng Chạp, khi Xô-viết đại biểu công nhân Mát-xcơ-va - chính cái Xô-viết Mát-xcơ-va đã thực sự lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tháng Chạp, công khai tuyên bố : chúng ta tạm đình chỉ cuộc đấu tranh để chuẩn bị nghiêm chỉnh hơn và lại giương cao ngọn cờ khởi nghĩa ; họ đã thể hiện cái nguyện vọng sâu xa của toàn thể giai cấp vô sản Nga.
Và nếu một số đồng chí không thừa nhận những sự thật, nếu họ không đặt hy vọng vào giai cấp vô sản nữa và hiện đang bám lấy giai cấp tư sản nông thôn, thì xin hỏi rằng: đấy là những ai, là những người xã hội chủ nghĩa - cách mạng hay là những người dân chủ - xã hội, vì không một người dân chủ - xã hội nào lại ngờ vực cái chân lý cho rằng giai cấp vô sản thành thị là người lãnh đạo thực sự (không phải chỉ về mặt tư tưởng) của nông thôn.
Có một thời nào đó, người ta đã bảo đảm với chúng ta rằng sau ngày 17 tháng Mười, chế độ chuyên chế đã bị đè bẹp, nhưng chúng ta cũng đã không tin cả điều đó nữa, vì chế độ chuyên chế bị đè bẹp có nghĩa là nó đã chết, nhưng nó không hề chết, nó đã tập hợp những lực lượng mới đề mở cuộc tấn công mới. Chúng ta đã từng nói rằng chế độ chuyên chế chỉ mới lùi bước thôi. Sự thực chứng minh rằng chính chúng ta đã nói đúng...
Không, các đồng chí ạ! Giai cấp vô sản Nga không bị đè bẹp ; nó chỉ lùi bước thôi, và hiện nay nó đang chuẩn bị cho những trận chiến đấu mới và vinh quang. Nó sẽ không hạ ngọn cờ nhuộm đỏ máu, nó sẽ không nhượng quyền lãnh đạo khởi nghĩa cho ai cả ; nó sẽ là người lãnh đạo thích đáng duy nhất của cuộc cách mạng Nga.
7 tháng Giêng 1906
Theo đúng cuốn sách do Ban chấp hành
Liên minh Cáp-ca-dơ ĐCNDCXHN xuất bản.
Nhận xét
Đăng nhận xét