Khởi nghĩa vũ trang và sách lược của chúng ta, 15 tháng Bảy 1905
Phong trào cách mạng « hiện nay đã đi đến chỗ cần phải có một cuộc khởi nghĩa vũ trang », - ý kiến đó, do đại hội lần thứ III của Đảng ta nêu lên, ngày càng được xác minh. Ngọn lửa cách mạng ngày càng nóng bỏng hơn và gây ra ở đây đó những cuộc khởi nghĩa địa phương. Ba ngày nổi dậy và những cuộc chiến đấu đường phố tại Lốt-dơ, cuộc bãi công của hàng vạn công nhân tại I-va-nô-vô – Vô-dơ-nét-xen-scơ với những vụ xung đột đẫm máu không thể tránh được với quân đội, cuộc khởi nghĩa ở Ô-đét-xa, cuộc « nổi loạn » ở hạm đội Hắc hải và trong các thủy thủ của hạm đội ở Li-bô, « tuần lễ » Ti-phơ-lít-xơ : đó là những điềm báo trước một cơn giông tố sắp đến. Nó đang tiến đến gần, đang tiến đến gần một cách không gì cưỡng nổi ; ngày một ngày hai nó sẽ nổ ra trên nước Nga, và ngọn gió tẩy rửa mãnh liệt của nó sẽ quét sạch tất cả những cái gì già cỗi và thối nát , nó sẽ làm cho nhân dân Nga thoát khỏi chế độ chuyên chế, cái vết nhơ hàng bao thế kỷ đó. Những cơn giẫy giụa cuối cùng của chế độ Nga hoàng, tăng cường những hình thức đàn áp khác nhau, tuyên bố thiết quân luật trong nửa nước, tăng thêm gấp bội những giá treo cổ và đồng thời phát biểu những bài diễn văn dịu ngọt đối với phái tự do và giả dối hứa hẹn thực hành các loại cải cách, sẽ không cứu được nó thoát khỏi cái số mệnh mà lịch sử đã giành cho nó. Tuổi thọ của chế độ chuyên chế được tính từng ngày. Cơn giông tổ nhất định không tránh khỏi. Một trật tự mới đã được thai nghén rồi, nó được toàn thể nhân dân hoan nghênh, toàn thể nhân dân đang chờ đợi ở nó một khí thế đổi mới và phục hưng.
Vậy thì cơn giông tố sắp đến đặt ra cho đảng ta những vấn đề mới gì ? Chúng ta phải làm cho tổ chức của ta và sách lược của ta thích ứng như thế nào với những yêu cầu mới của đời sống để tham gia một cách tích cực nhất và có tổ chức nhất vào cuộc khởi nghĩa, cái khởi điểm thiết yếu ấy của cách mạng ? Để lãnh đạo khởi nghĩa, chúng ta, đội ngũ tiên tiến của cái giai cấp không những là đội tiên phong mà còn là động lực chủ yếu của cách mạng, liệu chúng ta có phải thành lập những bộ máy riêng biệt không, hay là bộ máy của đảng như hiện nay cũng đủ để làm việc đó ?
Đã từ nhiều tháng nay rồi, những vấn đề đó được đặt ra cho đảng và đòi hỏi cấp thiết phải có một giải pháp. Đối với những ai chịu khuất phục trước « tính tự phát » ; đối với những ai cho rằng mục đích của đảng chỉ là đơn giản bước theo sau tiến trình của cuộc sống, đối với những ai là những kẻ theo đuổi chứ không phải đi đầu như một đội tiên phong giác ngộ phải làm, thì không có những vấn đề đó. Khởi nghĩa là tự phát, họ nói thế, ta không thể tổ chức và chuẩn bị nó ; mọi kế hoạch hành động được thảo ra trước đều là ảo tưởng (họ phản đối mọi « kế hoạch », - vì đó là một « hiện tượng tự giác » chứ không phải là « tự phát » !), là một sự tiêu phí lực lượng vô ích: cuộc sống xã hội đi theo những con đường mà không ai biết được và sẽ biến tất cả những dự kiến của chúng ta thành vô hiệu. Vì vậy theo họ, thì chúng ta chỉ nên tuyên truyền và cổ động để truyền bá tư tưởng khởi nghĩa, tư tưởng quần chúng « tự vũ trang » ; chúng ta chỉ nên làm nhiệm vụ « lãnh đạo chính trị » : còn như lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa « về mặt kỹ thuật », thì xin nhường cho ai muốn làm việc đó.
Cho đến nay chúng ta há chẳng đã đảm nhiệm việc lãnh đạo đó sao ? - những người thù địch với « chính sách theo đuôi » trả lời như thế. Tất nhiên tuyệt đối cần thiết phải tiến hành rộng rãi công tác cổ động và tuyên truyền, phải lãnh đạo giai cấp vô sản về chính trị. Nhưng chỉ hạn chế trong những nhiệm vụ chung như thế thì có nghĩa hoặc là chúng ta tránh không giải đáp gì cả về một vấn đề mà cuộc sống trực tiếp đặt ra, hoặc là chúng ta tỏ ra hoàn toàn bất lực không thể thích ứng được sách lược của chúng ta với những nhu cầu của cuộc đấu tranh cách mạng đang lớn lên một cách mãnh liệt. Hoàn toàn rõ ràng là ngày nay chúng ta phải tăng cường gấp bội công tác cổ động chính trị của chúng ta. Chúng ta phải nỗ lực tranh thủ về phía ảnh hưởng của ta không những giai cấp vô sản mà còn cả những tầng lớp « nhân dân » đông đảo đó nữa là những người đang dần dần đi theo cách mạng ; chúng ta phải nỗ lực truyền bá trong tất cả các giai cấp trong nhân dân cái tư tưởng cho rằng khởi nghĩa là cần thiết. Nhưng chúng ta không thể dừng lại ở đó! Muốn cho giai cấp vô sản có thể lợi dụng được cách mạng do cuộc đấu tranh giai cấp của họ đưa đến ; muốn cho họ có thể thành lập được chế độ dân chủ là cái làm cho cuộc đấu tranh sau này vì chủ nghĩa xã hội được thuận lợi đến mức tối đa, thì giai ra cấp vô sản mà xung quanh nó được tập hợp phái đối lập, thì nó không những phải đứng ở trung tâm cuộc đấu tranh, mà còn phải thành người lãnh tụ, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nữa. Sự lãnh đạo về mặt kỹ thuật và sự chuẩn bị về mặt tổ chức cuộc khởi nghĩa trong khắp nước Nga, đó chính là nhiệm vụ mới mà cuộc sống đề ra cho giai cấp vô sản. Và nếu đảng ta muốn là người lãnh đạo chân chính của giai cấp công nhân, thì nó không thể và không nên trốn tránh không hoàn thành những nhiệm vụ mới mẻ đó.
Thế thì chúng ta phải tiến hành cái gì để đạt tới mục đích đó ? Những bước đầu tiên phải như thế nào ?
Nhiều tổ chức của ta đã thực tiễn giải quyết vấn đề bằng cách dành một phần nhân lực và vật lực của mình đề vũ trang giai cấp vô sản. Cuộc đấu tranh của chúng ta chống chế độ chuyên chế đã bước vào một giai đoạn mà ai cũng biết là cần thiết phải tự vũ trang. Nhưng chỉ có giác ngộ về sự cần thiết phải tự vũ trang thì không đủ: phải đặt rõ ràng và minh bạch nhiệm vụ thực tiễn ra trước đảng. Vì thế cho nên các ban chấp hành của ta phải cấp tốc, không chút chậm trễ, tiến hành tại chỗ việc vũ trang nhân dân, thành lập những nhóm đặc biệt đề chăm lo việc đó, tổ chức các nhóm địa phương đề tìm kiếm vũ khí, tổ chức các công xưởng nhỏ đế chế tạo các loại chất nổ, vạch kế hoạch chiếm lấy các kho vũ khí công và tư và các công binh xưởng. Chúng ta không những phải vũ trang cho nhân dân cái tư tưởng « nhiệt liệt mong muốn được tự vũ trang » như tờ Tia lửa mới đã khuyên nhủ chúng ta làm như thế ; chúng ta còn phải thực tiễn tiến hành « những biện pháp kiên quyết nhất đề vũ trang giai cấp vô sản » như là đại hội lần thứ III của Đảng đã coi đó là một nhiệm vụ của chúng ta.
Về cách giải quyết vấn đề này, chúng ta dễ dàng đi tới một sự thỏa thuận hơn bất cứ vấn đề nào khác, cả với bộ phận đối lập trong đảng (nếu bộ phận đó thật sự coi trọng việc vũ trang chứ không phải chỉ có ba hoa về cái tư tưởng « nhiệt liệt mong muốn được tư vũ trang »), cũng như với những tổ chức dân chủ - xã hội dân tộc, chẳng hạn như những người liên bang chủ nghĩa Ác-mê-ni và những người khác, là những người đề ra cũng những mục đích như thế. Ở Ba-cu, một ý đồ như thế đã được thực hiện rồi ; Ở đó, sau vụ tàn sát tháng Hai, Ban chấp hành của ta, nhóm Ba-la-kha-nư - Bi-bi-Ây-bát và Ban chấp hành của đảng dân chủ xã hội Ác-mê-ni đã thành lập một tiểu ban để tổ chức vũ trang. Đương nhiên, muốn làm nên được công cuộc trọng đại đó, thì mọi người phải cùng nhau gắng sức, cho nên chúng ta nghĩ rằng những sự bất đồng giữa các phe phái không được, nhất là cản trở tất cả các lực lượng dân chủ - xã hội đoàn kết lại trên cơ sở đó.
Song song với việc tăng cường những kho vũ khí, với việc tổ chức tìm kiếm và chế tạo các vũ khí đó ở nhà máy, còn phải chăm lo một cách hết sức nghiêm túc đến việc thành lập các loại đội chiến đấu để sử dụng được những vũ khí đã thu thập được. Vô luận như thế nào cũng không được phép có những hành động như là trực tiếp phân phối vũ khí cho quần chúng. Vì chúng ta có ít kinh phí và vũ khí rất khó thoát khỏi con mắt rình mò của cảnh sát, cho nên chúng ta sẽ không vũ trang được những tầng lớp tương đối đông đảo trong dân cư, và nếu làm như thế, những cố gắng của chúng ta sẽ uổng công. Nếu chúng ta thành lập một tổ chức chiến đấu chuyên biệt, thì vấn đề sẽ hoàn toàn khác hẳn. Những đội chiến đấu của chúng ta sẽ học cách sử dụng các vũ khí ; trong quá trình khởi nghĩa, dù khởi nghĩa bắt đầu một cách tự phát hoặc đã được chuẩn bị trước cũng thế, những đội chiến đấu đó sẽ là những đội tiên phong chủ yếu, nhân dân khởi nghĩa sẽ tập hợp xung quanh họ và sẽ chiến đấu dưới sự lãnh đạo của họ. Nhờ có kinh nghiệm của họ và tinh thần tổ chức của họ, cũng nhờ có sự vũ trang tốt của họ, nên sẽ có thể sử dụng tất cả những lực lượng của nhân dân nổi dậy và do đó sẽ có thể đạt được mục đích trước mắt của chúng ta là vũ trang toàn thể nhân dân và thực hiện kế hoạch hành động đã được vạch ra từ trước. Họ sẽ nhanh chóng chiếm được các kho vũ khí, các công sở và các cơ quan chính phủ, sở bưu điện, sở điện thoại, v,v, tất cả những gì sẽ cần thiết cho những tiến triển về sau của cách mạng.
Nhưng những đội chiến đấu đó không những chỉ cần thiết khi cuộc khởi nghĩa cách mạng đã lan ra khắp thành phố rồi: vai trò của họ trước ngày khởi nghĩa cũng không kém phần quan trọng. Từ sáu tháng nay, chúng ta thấy rất rõ rằng chế độ chuyên chế bị mất uy tín trước tất cả các giai cấp trong nhân dân, đã cực lực huy động những thế lực hắc ám trong nước : bọn lưu manh nhà nghề hoặc những phần tử cuồng tín và ít giác ngộ trong số những người Tác-ta, để đối phó với những người cách mạng. Được cảnh sát vũ trang và che chở, bọn người đó khủng bố dân cư và tạo nên một hoàn cảnh khó khăn cho phong trào giải phóng. Những tổ chức chiến đấu của ta phải luôn luôn sẵn sàng chống lại một cách thích đáng tất cả những mưu đồ của những thế lực hắc ám đó và ra sức biến sự phẫn nộ và sự chống đối do những hành động của bọn đó gây ra thành một phong trào chống chính phủ. Những đội chiến đấu có vũ trang, luôn luôn sẵn sàng xuống đường và đi đầu quần chúng nhân dân, có thể dễ dàng đạt tới mục đích mà đại hội lần thứ III đã giao phó : « tổ chức cuộc kháng cự có vũ trang chống lại bọn Trăm-đen và nói chung, chống lại tất cả những phần tử phản động do chính phủ lãnh đạo » ( « Quyết nghị về cách đối phó với sách lược của chính phủ ngay trước ngày cách mạng » - xem tờ Thông báo) .
Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của những đội chiến đấu của ta và nói chung của mọi tổ chức kỹ thuật - quân sự, là phải vạch ra một kế hoạch khởi nghĩa cho mỗi khu phố, ăn khớp với kế hoạch do trung ương đảng đã thảo ra cho toàn nước Nga. Tìm ra những chỗ yếu của địch, xác định những điểm xuất phát của ta để tấn công vào địch, phân bố lực lượng trong khu, nghiên cứu kỹ địa hình thành phố: tất cả những cái đó đều phải làm trước để cho trong bất cứ tình huống nào cũng không bị bó tay. Ở đây không phân tích tỉ mỉ các mặt hoạt động đó của các tổ chức của ta. Cần tuyệt đối giữ bí mật trong việc khởi thảo kế hoạch hành động, đồng thời phải truyền bá hết sức rộng rãi trong giai cấp vô sản những kiến thức về kỹ thuật - quân sự vô cùng cần thiết cho việc tiến hành chiến đấu trong đường phố. Vì mục đích này, chúng ta phải nhờ đến những quân nhân tham gia tổ chức của ta. Cũng vì mục đích này, chúng ta còn có thể nhờ đến nhiều đồng chí khác mà do bản lĩnh và năng khiếu bẩm sinh của họ nên sẽ rất hữu ích cho chúng ta trong lúc này.
Chỉ có một sự chuẩn bị toàn diện như thế về cuộc khởi nghĩa thì mới có thể bảo đảm được vai trò lãnh đạo của đảng dân chủ - xã hội trong những cuộc giao tranh sắp đến giữa nhân dân và chế độ chuyên chế.
Chỉ có một sự chuẩn bị đầy đủ cho cuộc chiến đấu thì mới làm cho giai cấp vô sản biến được những cuộc đụng độ với cảnh sát và quân đội thành một cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân để thay thế chính phủ Nga hoàng bằng một chính phủ cách mạng lâm thời. Giai cấp vô sản có tổ chức, bất chấp bọn môn đồ của « chính sách theo đuôi », sẽ ra sức tập trung vào tay mình sự lãnh đạo cuộc khởi nghĩa cả về mặt kỹ thuật lẫn chính trị. Đó là điều kiện cần thiết sẽ khiến chúng ta sử dụng được cuộc Cách mạng sắp tới cho lợi ích của cuộc đấu tranh giai cấp của chúng ta.
Báo « Đầu tranh của giai cấp vô sån », số 10,
ngày 15 tháng Bảy 1905
Nhận xét
Đăng nhận xét