Lời tựa của tác giả (Sta-lin) cho tập I
Tập I gồm những bài viết từ hồi tác giả mới bắt đầu hoạt động (1901 – 1907), thời kỳ mà hệ tư tưởng và chính trị của chủ nghĩa Lê-nin hãy còn chưa được hoàn hảo. Nhận xét này cũng đúng với một phần của tập I.
Để hiểu và đánh giá đúng đắn những bài này, thì không nên quên rằng những bài đó là tác phẩm của một thanh niên mác-xít hãy còn chưa trở thành một người mác-xít - lê-ni-nít hoàn toàn. Trong đó người ta cũng thấy còn để lại những vết tích của một số luận điểm của những người mác-xít cũ, những luận điểm mà sau này đã trở thành cũ kỹ và đảng ta không dùng nữa. Tôi muốn nói đến hai vấn đề : vấn đề cương lĩnh ruộng đất và vấn đề liên quan đến những điều kiện thắng lợi của một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Như tập I cho ta thấy (xem những bài viết về vấn đề ruộng đất), lúc đó tác giả ủng hộ quan điểm phân chia những tài sản ruộng đất lớn và giao cho nông dân sở hữu. Tại Đại hội thống nhất đảng, người ta thảo luận vấn đề ruộng đất, đa số đại biểu bôn-sê-vích là những người thực hành, họ tán thành phần chia, đa số những người men-sê-vích thì tán thành địa phương cùng hữu hóa. Còn Lê-nin và những đại biểu bôn-sê-vích thì tán thành quốc hữu hóa ruộng đất ; nhưng trong quá trình đấu tranh về ba dự án, khi thấy rõ đại hội sẽ không thông qua dự án của mình, Lê-nin và những người khác tán thành quốc hữu hóa đều dồn phiếu cho những người tán thành phân chia.
Để phản đối quốc hữu hóa, những người tán thành phân chia đưa ra ba lý do:
a) nông dân sẽ không chấp nhận quốc hữu hóa những tài sản ruộng đất lớn vì họ muốn chiếm lấy ruộng đất đó làm sở hữu riêng của mình ;
b) nông dân sẽ phản đối quốc hữu hóa, vì họ coi đó là một biện pháp xóa bỏ quyền sở hữu tư nhân những ruộng đất đã thuộc về họ rồi ;
c) ngay nếu như có thể thắng được những lời của nông dân phản đối quốc hữu hóa thì những người mác-xít chúng ta cũng không tán thành quốc hữu hóa, vì sau khi cách mạng dân chủ tư sản thắng lợi, Nhà nước ở Nga sẽ không phải là Nhà nước xã hội chủ nghĩa mà là Nhà nước tư sản ; nếu Nhà nước đó nắm trong tay rất nhiều ruộng đất quốc hữu hóa, thì giai cấp tư sản sẽ vô cùng mạnh lên và quyền lợi của giai cấp vô sản sẽ bị thiệt hại.
Những người tán thành phân chia xuất phát từ cái tiền đề được những người mác-xít Nga, kể cả những người bôn-sê-vích, thừa nhận: sau khi cách mạng dân chủ tư sản thắng lợi sẽ mở ra một thời kỳ nghỉ ngơi tương đối lâu dài, một thời kỳ trung gian giữa cách mạng dân chủ thắng lợi và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tương lai, trong thời gian đó chủ nghĩa tư sản sẽ có thể phát triển tự do hơn, mạnh mẽ hơn và tiến sang cả lĩnh vực nông nghiệp nữa. Cuộc đấu tranh giai cấp sẽ sâu sắc và phát triển rất rộng rãi ; giai cấp vô sản sẽ lớn lên về số lượng, ý thức giác ngộ và tinh thần tổ chức của giai cấp vô sản sẽ được nâng lên đến mức độ mong muốn, và chỉ sau đó mới sẽ nở ra thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Cần phải chú ý rằng cái tiền đề: sẽ tồn tại một khoảng cách lâu dài giữa hai cuộc cách mạng, tiền đề đó không gặp sự phản đối của một phía nào trong đại hội cả. Những người tán thành quốc hữu hóa, phân chia, cũng như những người tán thành địa phương công hữu hóa, đều cho rằng cương lĩnh ruộng đất của Đảng dân chủ - xã hội Nga phải góp phần làm cho sự phát triển sau này của chủ nghĩa tư bản ở Nga được mạnh mẽ hơn nữa.
Chúng ta, những người bôn-sê-vích thực hành, chúng ta có biết rằng thời kỳ đó Lê-nin truyền bá quan điểm chuyển biến cuộc cách mạng tư sản ở Nga thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, quan điểm cách mạng không ngừng không ? Có, chúng ta có biết điều đó. Chúng ta biết điều đó qua cuốn sách của Người : « Hai sách lược » (1905) và cũng qua bài báo nổi tiếng của Người « Thái độ của Đảng dân chủ - xã hội đối với phong trào ruộng đất » (1905), trong đó, Người tuyên bố : « Chúng ta tán thành cuộc cách mạng không ngừng, chúng ta sẽ không dừng lại ở giữa đường ». Nhưng chúng ta, những người thực hành, chúng ta không đào sâu vấn đề, chúng ta không nắm được toàn bộ tầm quan trọng của vấn đề do thiếu rèn luyện về lý luận, và cũng do tính không quan tâm đến chính trị, đặc tính của những người thực hành. Người ta biết rằng lúc đó Lê-nin không hề phát triển và không đem sử dụng tại đại hội những luận cứ rút ra từ lý luận về sự chuyển biến cuộc cách mạng tư sản thành cuộc cách trang xã hội chủ nghĩa để chứng thực luận điểm quốc hữu hóa. Chắc hẳn Người cho rằng, vấn đề còn chưa chín mùi và đa số những người bôn-sê-vích thực hành đại hội còn chưa được rèn luyện để hiểu và lãnh hội lý luận về sự chuyển biến cuộc cách mạng tư sản thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chăng ?
Chỉ ít lâu sau, khi lý luận của Lê-nin về sự chuyển biến cuộc cách mạng tư sản ở Nga thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trở thành đường lối chỉ đạo của Đảng bôn-sê-vích thì trong đảng mới không còn những sự bất đồng về vấn đề ruộng đất, vì điều đó trở thành hiển nhiên là trong một nước như nước Nga, những điều kiện phát triển đặc biệt tạo nên một cơ sở thuận tiện cho việc chuyển biến cuộc cách mạng tư sản thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, thì một đảng mác-xít không thể có cương lĩnh ruộng đất nào khác cương lĩnh quốc hữu hóa ruộng đất.
Vấn đề thứ hai thuộc về vấn đề thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Như tập I này cho ta thấy (xem những bài: Chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa xã hội ?), lúc đó tác giả ủng hộ luận điểm mà những người bôn-sê-vích đều biết rõ, cho rằng một trong những điều kiện chủ yếu làm cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi là giai cấp vô sản tạo thành đa số nhân dân, như vậy trong những nước mà giai cấp vô sản còn chưa tạo thành đa số nhân dân vì sự phát triển tư bản chủ nghĩa còn chưa đầy đủ thì chủ nghĩa xã hội không thể thắng lợi được.
Lúc bấy giờ luận điểm đó nói chung đều được những người mác-xít Nga, kể cả những người bôn-sê-vích, cũng như những người mác-xít trong các đảng dân chủ - xã hội ở các nước khác thừa nhận.
Tuy nhiên, sự phát triển sau này của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và châu Mỹ, sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản tiền đế quốc sang chủ nghĩa tư bản đế quốc; cuối cùng là quy luật về sự phát triển kinh tế và chính trị không đồng đều ở các nước khác nhau đã chứng minh rằng luận điểm đó không còn phù hợp với những điều kiện phát triển mới; rằng ở những nước mà chủ nghĩa tư bản còn chưa phát triển tới điểm cao nhất và giai cấp vô sản chưa tạo thành đa số nhân dân, nhưng ở đó mặt trận chủ nghĩa tư bản khá yếu khiến giai cấp vô sản có thể đập vỡ được, thì chủ nghĩa xã hội hoàn toàn có thể thắng lợi được. Lý luận của Lê-nin về cách mạng xã hội chủ nghĩa được phát sinh hồi 1915 – 1916. Nó xuất phát từ quan điểm cho rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa không nhất thiết sẽ thắng lợi ở những nước mà chủ nghĩa tư bản phát triển hơn cả, nhưng trước hết ở đâu mà mặt trận của nó yếu ớt, ở đâu mà giai cấp vô sản dễ dàng phá vỡ mặt trận đó hơn và ở đâu mà sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ít ra đã đạt đến mức trung bình.
Đó là những điều mà tác giả lưu ý bạn đọc về những bài được tập hợp vào tập thứ nhất.
Tháng Giêng 1946
J. Sta-lin
Nhận xét
Đăng nhận xét