« Luật lao động » và cuộc đấu tranh vô sản, 4 tháng Chạp 1906
(Về hai đạo luật ngày 15 tháng Muời một)
Đã có thời kỳ phong trào công nhân chúng ta ở vào giai đoạn sơ khai. Lúc đó giai cấp vô sản chia thành những nhóm riêng rẽ và không nghĩ đến một cuộc đấu tranh chung. Công nhân đường sắt, công nhân mỏ, công nhân nhà máy, thợ thủ công, người phục vụ, viên chức, đó là những nhóm vô sản khác nhau ở Nga. Ngoài ra, mỗi một nhóm đó lại chia thành công nhân ở những thành thị và ở những địa phương khác nhau ; giữa những nhóm đó không có một mối liên hệ nào, một đảng nào, một nghiệp đoàn nào. Cho nên giai cấp vô sản lúc đó không xuất hiện như là một giai cấp thống nhất không thể phân chia được. Do đó cũng không có cuộc đấu tranh vô sản với tính chất tấn công của cả một giai cấp. Đó là lý do tại sao chính phủ Nga hoàng vẫn có thể tiếp tục áp dụng chính sách « tổ truyền » một cách hết sức yên ổn. Đó là lý do tại sao hồi 1893, khi mà « dự án bảo hiểm công nhân » được trình lên Hội đồng Nhà nước, thì Pô-bi-ê-đô-nốt-xép, người khởi xướng của thể lực phản động, đã tiếp những tác giả bản dự án đó bằng những lời châm chọc chua cay và tuyên bố một cách chững chạc : « Thưa các ngài, các ngài đã lo lắng một cách vô ích ; các ngài hãy bình tâm: ở ta không có vấn đề công nhân... »
Nhưng thời gian đã trôi qua, cuộc khủng hoảng kinh tế đến gần, các cuộc bãi công nở ra thường xuyên hơn và giai cấp vô sản phân tán dần dần đã tự tổ chức lại thành một giai cấp thống nhất. Ngay các cuộc bãi công năm 1903 cũng đã chứng minh rằng « vấn đề công nhân đã có ở ta » từ lâu rồi. Các cuộc bãi công hồi tháng Giêng tháng Hai 1905, lần đầu tiên đã báo cho thế giới biết ở Nga giai cấp vô sản, với tư cách là một giai cấp thống nhất, đã trưởng thành và cường tráng. Cuối cùng những cuộc tổng bãi công hồi tháng Mười tháng Chạp 1905 và những cuộc bãi công « thông thường » hồi tháng Sáu tháng Bảy 1906 đã thực sự làm cho những người vô sản ở các thành thị nhích lại gần nhau, đã thực sự làm cho những người phục vụ, những viên chức, những thợ thủ công và công nhân công nghiệp gắn chặt với nhau thành một giai cấp thống nhất ; như thế những cuộc bãi công đó đã lớn tiếng báo cho thế giới biết rằng những lực lượng của một giai cấp vô sản xưa kia tản mạn, từ nay về sau đã đi vào con đường đoàn kết và đã tổ chức thành một giai cấp thống nhất. Ở đây lực lượng của tổng bãi công chính trị làm thủ đoạn đấu tranh chung của toàn bộ giai cấp vô sản chống lại trật tự hiện tại, cũng đã được biểu hiện rõ... Từ nay không thể nào nói rằng không có « vấn đề công nhân »: chính phủ Nga hoàng tự thấy buộc phải tính đến phong trào đó. Và như thế là trong các bộ phản động, người ta bắt đầu thành lập nhiều ủy ban và bắt đầu chuẩn bị những dự án về những « đạo luật cho công nhân Công nghiệp » : ủy ban Si-lôp-sky, ủy ban Cô-cốp-txép, đạo luật về lập hội (xem Tuyên bố ngày 17 tháng Mười), những thông tư của Vit-te Đuốc-nô-vô, nhiều dự án, kế hoạch và cuối cùng là hai đạo luật ngày 15 tháng Mười một về thợ thủ công và nhân viên thương nghiệp.
Chừng nào phong trào còn yếu, chừng nào nó chưa có tính chất quần chúng, thì thế lực phản động chỉ biết có một biện pháp để chống lại giai cấp vô sản: biện pháp đó chính là nhà tù, Xi-bi-ri, chiếc roi da và giá treo cổ. Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, thế lực phản động cũng chỉ nhằm một mục đích duy nhất : chia rẽ giai cấp vô sản thành những nhóm nhỏ, phá vỡ đội tiên phong của giai cấp đó, dọa dẫm và lôi kéo về phía thế lực phản động đám quần chúng trung lập, để do đó gây nên tình trạng hỗn loạn trong phe giai cấp vô sản. Chúng ta đã thấy rằng nó đã đạt được một cách mỹ mãn mục đích đó bằng những chiếc roi da và những nhà tù.
Nhưng khi phong trào đã mang tính chất quần chúng thì tình hình đã hoàn toàn khác hẳn. Giờ đây, thế lực phản động không những chỉ phải đối phó với những « người cầm đầu » mà thôi ; trước nó là quần chúng đông đảo đang đứng lên với tất cả khí thế cách mạng lớn lao. Và chính nó phải tính đến số quần chúng đó. Người ta không thể treo cổ tất cả quần chúng, đày tất cả sang Xi-bi-ri, nhét tất cả vào các nhà tù. Còn việc dùng roi da đối với tất cả thì như thế không phải bao giờ cũng có lợi đối với thế lực phản động từ lâu đã cảm thấy hổng đất dưới chân mình. Hiển nhiên là bên cạnh những thủ đoạn cũ kỹ, cần phải tìm ra một thủ đoạn mới, « văn minh hơn »; thế lực phản động cho rằng thủ đoạn mới đó có thể khơi sâu những mối bất đồng trong phe giai cấp vô sản, gợi lên những hy vọng hão huyền ở những công nhân lạc hậu, khiến cho họ từ bỏ đấu tranh và tập hợp xung quanh chính phủ.
Thủ đoạn mới đó, chính là « luật lao động »:
Như vậy chính phủ Nga hoàng không từ bỏ thủ đoạn cũ mà muốn đồng thời sử dụng « luật lao động » và, do đó giải quyết « vấn đề công nhân nóng bỏng » bằng roi da và bằng luật lệ. Nó muốn dùng những lời hứa hẹn – như rút ngắn ngày lao động, bảo hộ lao động của trẻ em và phụ nữ, cải thiện điều kiện vệ sinh, bảo hiểm công nhân, hủy bỏ lệ cúp phạt, và nhiều phúc lợi tương tự - đề tranh thủ sự tín nhiệm của những công nhân lạc hậu và do đó chôn chết sự thống nhất giai cấp của giai cấp vô sản. Chính phủ Nga hoàng biết rất rõ rằng không lúc nào bằng lúc này, nó cần phải có một « hoạt động » như thế trong lúc mà cuộc tổng bãi công tháng Mười đã đoàn kết những người vô sản ở nhiều phường hội lại với nhau và đã phá hủy nền tảng của thế lực phản động trong lúc mà một cuộc tổng bãi công sắp đến có thể biến thành một cuộc đấu tranh vũ trang và hạ bệ trật tự cũ ; trong lúc mà, do đó, thế lực phản động cần như cần không khí để sống gieo rắc sự hỗn loạn trong phe công nhân, cần tranh thủ sự tín nhiệm của những công nhân lạc hậu và cần lôi kéo họ về phía nó.
Về phương diện đó, điều rất lý thú là nên thấy rằng qua những đạo luật ngày 15 tháng Mười một, thế lực phản động đã chỉ rủ lòng nhân đạo đến những nhân viên phục vụ và thợ thủ công mà thôi, và làm như thế cũng vào lúc mà nó bỏ tù và treo cổ những người con ưu tú của giai cấp vô sản công nghiệp. Nếu suy nghĩ kỹ về điều đó thì không có gì là lạ cả. Trước hết, nhân viên phục vụ, thợ thủ công và những nhân viên thương nghiệp không tập trung trong những xưởng và nhà máy lớn nhất công nhân công nghiệp, họ ở rải rác trong mọi loại cơ sở kinh doanh nhỏ ; họ tương đối lạc hậu hơn về mặt ý thức giác ngộ và do đó dễ lừa gạt hơn những người khác. Thứ hai là nhân viên phục vụ, viên chức và thợ thủ công là một bộ phận lớn của giai cấp vô sản Nga hiện nay và, do đó, nếu họ rời bỏ những người vô sản đang đấu tranh thì lực lượng của giai cấp vô sản sẽ bị suy yếu đi rất nhiều trong những cuộc bầu cử hiện tại cũng như trong hành động sau này. Cuối cùng, ai nấy đều biết rằng trong cuộc cách mạng hiện tại, giai cấp tiểu tư sản thành thị có một tầm quan trọng lớn ; ai nấy đều biết rằng việc họ chuyển sang phía cách mạng, dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, là một sự cần thiết đối với đảng dân chủ - xã hội ; người ta cũng biết rằng không ai có thể tranh thủ được giai cấp tiểu tư sản bằng những người thợ thủ công, những nhân viên phục vụ và những viên chức là những người gần gũi giai cấp đó hơn những người vô sản khác. Rõ ràng là việc những nhân viên phục vụ, thợ thủ công rời bỏ giai cấp vô sản cũng sẽ làm cho giai cấp tiểu tư sản lánh xa giai cấp vô sản và sẽ đẩy giai cấp này vào tình trạng bị cô lập ở trong các thành thị, đó là điều mà chính phủ Nga hoàng rất mong muốn. Do đó người ta dễ dàng thấy rõ tại sao thế lực phản động đã chế định ra những đạo luật ngày 15 tháng Mười một chỉ có liên quan đến thợ thủ công, nhân viên phục vụ và viên chức mà thôi. Còn giai cấp vô sản công nghiệp thì dù sao họ cũng không tín nhiệm chính phủ ; đối với họ, « luật lao động » không có ích gì, chỉ có những viên đạn mới khuất phục được họ thôi. Cái gì mà luật pháp không làm được thì sẽ bổ sung bằng viên đạn!...
Chính phủ Nga hoàng nghĩ như thế đó.
Và đó là điều mà không những chỉ có chính phủ ở ta nghĩ, mà bất cứ một chính phủ nào khác chống lại giai cấp vô sản, dù là một chính phủ phong kiến - chuyên chế, tư sản - quân chủ hay tư sản - cộng hòa, cũng đều nghĩ như thế. Ở đâu người ta cũng đấu tranh chống lại giai cấp vô sản bằng những viên đạn và luật pháp, và tình trạng đó sẽ còn mãi chừng nào cách mạng xã hội chủ nghĩa chưa nổ ra, chừng nào chủ nghĩa xã hội chưa được thiết lập. Các anh hãy nhớ lại nước Anh lập hiến ở những năm 1824-1825, thời kỳ mà người ta thảo ra đạo luật về tự do bãi công và đồng thời cũng là thời kỳ mà các nhà tù nhốt đầy công nhân bãi công. Các anh hãy nhớ lại nước Pháp cộng hòa ở những năm 1840-1850, thời kỳ mà người ta nói đến một « dạo luật lao động » và đồng thời cũng là thời kỳ máu công nhân nhuộm đỏ vỉa hè thành phố Pa-ri. Các anh hãy nhớ lại những điều đó và nhiều điều khác tương tự và các anh sẽ thấy rằng các sự việc đều đúng như thế.
Tuy nhiên như thế không có nghĩa là giai cấp vô sản không thể lợi dụng được những luật pháp đó. Khi ban bố « luật lao động », thế lực phản động có những kế hoạch của nó ; nó muốn khuất phục giai cấp vô sản, nhưng cuộc sống dần dần làm hỏng những kế hoạch của nó và trong những trường hợp đó, luôn luôn trong đạo luật có những điều khoản có ích cho giai cấp vô sản. Sở dĩ xảy ra như thế vì không có một « luật lao động » nào ra đời mà lại không có lý do, không có đấu tranh, vì chừng nào mà công nhân không đấu tranh, chừng nào mà chính phủ không thấy bắt buộc phải thỏa mãn những yêu sách của công nhân thì chính phủ sẽ không ban bố một « luật lao động » nào cả. Lịch sử chứng tỏ rằng trước khi ban bố mỗi một « luật lao động » đều có một cuộc bãi công bộ phận hay một cuộc tổng bãi công. Đạo luật tháng Sáu 1882 (về việc thuê các trẻ em, ngày làm việc của các trẻ em và việc thành lập một cơ quan thanh tra lao động) đã được ban bố sau khi cũng trong năm đó đã xảy ra những cuộc bãi Công Nác-va, Péc-mơ, Pê-téc-bua và Gi-ra-đốp. Những đạo luật tháng Sáu - tháng Mười 1886 (về cúp phạt, sổ trả lương, v. v.) là kết quả trực tiếp của những cuộc bãi công trong những năm 1885 –. 1886 ở miền Trung nước Nga. Đạo luật tháng Sáu 1897 (về rút ngắn ngày lao động) đã được ban bố sau những cuộc bãi công xảy ra trong những năm 1895 – 1896 ở Pê-téc-bua. Những đạo luật năm 1903 (về « trách nhiệm của những người chủ thuê » và về « tổng đại diện công xưởng ») là kết quả trực tiếp của những « cuộc bãi công ở miền Nam » xảy ra cũng trong năm đó. Cuối cùng những đạo luật ngày 15 tháng Mười một 1906 (về rút ngắn ngày lao động và về việc cho những nhân viên phục vụ, viên chức và thợ thủ công nghỉ chủ nhật) đều là kết quả trực tiếp của những cuộc bãi công đã nổ ra hồi tháng Sáu tháng Bảy trong năm đó ở khắp nước Nga.
Như người ta thấy, trước khi ban bố mỗi một « luật lao động » đều có một phong trào quần chúng đã khiến họ đạt được những yêu sách của mình nếu không được đầy đủ thì ít ra cũng được một phần nào. Do đó, rõ ràng là một « luật lao động », dù xấu đến đâu cũng chứa đựng một vài điều khoản mà giai cấp vô sản có thể lợi dụng được để tăng cường cuộc đấu tranh của mình. Không cần phải chứng minh rằng giai cấp đó phải nắm lấy những điều khoản đó và dùng nó làm vũ khí đề củng cố hơn nữa những tổ chức của mình, ngày và ngày càng đẩy mạnh cuộc đấu tranh vô sản, cuộc đấu tranh vì cách mạng xã hội chủ nghĩa. Không phải không có lý mà Bê-ben đã từng nói : « Phải chém đầu con quỷ bằng chính lưỡi gươm của nó ...».
Về phương diện đó hai đạo luật ngày 15 tháng Mười một rất lý thú. Đương nhiên những đạo luật đó chứa đựng những điều khoản xấu, nhưng cũng có những điều khoản mà thế lực phản động đã vô tình đưa vào và giai cấp vô sản phải lợi dụng một cách tự giác những điều khoản đó.
Đây là một ví dụ. Mặc dù hai đạo luật đó được gọi là luật « về bảo hộ lao động » nhưng người ta đã đưa vào đó những điều khoản tồi tệ hoàn toàn trái ngược với mọi sự « bảo hộ lao động » và thậm chí một số chủ sẽ phản đối không áp dụng. Hai đạo luật đó đặt ra cho những xí nghiệp thương nghiệp và thủ công nghiệp chế độ ngày làm việc 12 giờ, mặc dù ở nhiều nơi đã hủy bỏ chế độ đó và thay bằng chế độ ngày làm 10 hay 8 giờ. Hai đạo luật đó cho phép làm thêm mỗi ngày 2 giờ (ngày lao động 14 giờ) trong thời gian 40 ngày ở những xí nghiệp thương nghiệp và 60 ngày ở những công xưởng, mặc dù hầu như ở khắp nơi đã hủy bỏ chế độ làm việc thêm. Đồng thời, chủ có quyền, sau khi « thỏa thuận với công nhân », tức là bắt buộc công nhân thỏa thuận, tăng số giờ làm thêm, kéo dài ngày lao động cho đến 17 giờ, v.v., v,v...
Không còn nghi ngờ gì nữa, giai cấp vô sản sẽ không nhượng bộ những người chủ một tý quyền lợi nào mà họ đã giành được, và những lời văn vô vị ở trong hai đạo luật đó sẽ vẫn là những lời văn vô vị đến lố bịch.
Mặt khác, ở đó có những điều khoản mà giai cấp vô sản có thể lợi dụng rất tốt để củng cố địa vị của mình. Hai đạo luật đó nói rằng ở đâu làm việc trên 8 giờ một ngày thì người lao động có quyền nghỉ 2 giờ để ăn cơm; thế mà người ta biết rằng ngày nay thợ thủ công, nhân viên phục vụ và viên chức không phải ở đâu cũng nghỉ 2 giờ. Hai đạo luật đó cũng nói rằng những người dưới 17 tuổi thì ngoài 2 giờ đó ra lại còn có quyền rời khỏi cửa hàng hoặc công xưởng mỗi ngày 3 giờ để đi học, tất nhiên điều đó sẽ là một lợi ích lớn đối với những đồng chí thanh niên của chúng ta….
Không còn phải nghi ngờ gì nữa, giai cấp vô sản sẽ hết sức lợi dụng những đạo luật ngày 15 tháng Mười một ; nó phải tăng cường cuộc đấu tranh vô sản của nó và một lần nữa sẽ chứng tỏ cho mọi người thấy rằng phải chém đầu con quỷ bằng chính lưỡi gươm của nó.
Báo « Thời mới », số 4.
ngày 4 tháng Chạp 1906
Ký tên: Ko-ba
Nhận xét
Đăng nhận xét