Tình hình hiện nay, 17 tháng Tư 1906


(Diễn văn đọc ở phiên họp thứ mười lăm của Đại hội IV Đ.C.N.D.C.X.H.N, ngày 17 (30) tháng Tư 1906)

Không ai lại không biết rằng trong sự phát triển của đời sống xã hội và chính trị ở Nga, đã xuất hiện hai con đường : con đường cải cách giả tạo và con đường cách mạng. Cũng hiển nhiên rằng các nhà công nghiệp lớn, các địa chủ, đứng đầu là chính phủ Nga hoàng thì đi theo con đường thứ nhất ; còn nông dân cách mạng và giai cấp tiểu tư sản, đứng đầu là giai cấp vô sản thì đi theo con đường thứ hai. Cuộc khủng hoảng lan tràn ở các thành thị và nạn đói kém ở các làng mạc khiến cho không tránh khỏi một cuộc bùng nổ mới. Vậy lúc này mà do dự thì không thể dung thứ được : hoặc là cách mạng lên cao và chúng ta phải đưa cách mạng đến thắng lợi, hoặc là cách mạng sụt xuống và chúng ta không thể cũng như không nên tự đề ra cho chúng ta một nhiệm vụ như thế. Ru-den-cô đã sai lầm khi nghĩ rằng cách đặt vấn đề như thể không biện chứng. Ru-den-cô tìm một con đường trung gian, anh ta muốn nói cách mạng lên cao và không lên cao, nên đưa cách mạng đến thắng lợi và không nên đưa cách mạng đến thắng lợi, vì theo anh ta thì biện chứng buộc phải đặt vấn đề như thế đó! Chúng ta hiểu phép biện chứng của Mác một cách khác...

Chúng ta đang ở vào đêm trước của cuộc bùng nổ mới, cách mạng lên cao và chúng ta phải đưa cách mạng đến thắng lợi. Tất cả chúng ta đều đồng ý như thế. Nhưng chúng ta có thể và nên làm như thế trong những điều kiện nào: trong những điều kiện giai cấp vô sản nắm quyền lãnh đạo hay phái dân chủ tư sản nắm quyền lãnh đạo ? Chính đó là khởi điểm của sự bất đồng cơ bản.

Ngay trong cuốn Hai nền chuyên chính, đồng chí Mác-tư-nốp đã tuyên bố rằng quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng tư sản hiện nay là một ảo tưởng nguy hiểm. Trong bài diễn văn của đồng chí đó ngày hôm qua toát ra cũng cái ý kiến đó. Những đồng chí đã hoan nghênh bài diễn văn đó hẳn là đồng tình với tác giả của nó. Nếu như thế, nếu, theo các đồng chí men-sê-vích, chúng ta cần có không phải sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, mà là sự lãnh đạo của giai cấp tư sản dân chủ thì tất nhiên, chúng ta không nên tích cực tham gia và trực tiếp tham gia việc tổ chức và vũ trang khởi nghĩa cũng như việc cướp chính quyền. Đó là « công thức » của những người men-sê-vích.

Ngược lại, nếu lợi ích giai cấp của giai cấp vô sản khiến cho nó phải nắm quyền lãnh đạo, nếu giai cấp vô sản phải đi đầu cuộc cách mạng đang diễn ra chứ không phải đi ở đằng đuôi, thì tất nhiên giai cấp vô sản không thể từ bỏ việc tham gia tích cực vào công cuộc tổ chức vũ trang khởi nghĩa cũng như vào việc cướp chính quyền. Đó là « công thức » của những người bôn-sê-vích. Hoặc là quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản, hoặc là quyền lãnh đạo của giai cấp tư sản dân chủ, đây là cách đặt vấn đề ở trong đảng, đây là ý kiến khác nhau giữa chúng ta.

Biên bản của Đại hội thống nhất của Đảng cộng nhân dân chủ - xã hội Nga 
họp ở Stốc-khôn năm 1906 Mát-xcơ-va 1907, tr. 187

Nhận xét

Bài đăng phổ biến