Tình hình hiện nay và Đại hội thống nhất của Đảng công nhân, 1906
I
Điều mà chúng ta rất nóng lòng chờ mong đã được thực hiện: Đại hội thống nhất đã kết thúc một cách êm thắm, đảng đã tránh được sự phân liệt, việc hợp nhất lại các phe phái đã được chính thức thừa nhận và chính do đó mà đã xây dựng được nền tảng thực lực chính trị của đảng.
Bây giờ cần phải nhận thấy, hiểu được kỹ càng hơn cục diện của đại hội và đánh giá một cách lành mạnh những mặt tốt và xấu của đại hội.
Đại hội đã làm gì ?
Đại hội lẽ ra đã phải làm gì ?
Những nghị quyết của đại hội giải đáp cho câu hỏi thứ nhất. Về câu hỏi thứ hai, để giải đáp nó, cần phải biết đại hội đã khai mạc trong hoàn cảnh nào và những nhiệm vụ mà tình hình hiện nay đã đặt cho nó là những nhiệm vụ gì.
Chúng ta hãy bắt đầu đi vào câu hỏi thứ hai.
Hiện nay rõ ràng là cuộc cách mạng nhân dân không chết; là mặc dầu lần « thất bại tháng Chạp », nó vẫn trưởng thành và vươn lên đỉnh cao của nó. Chúng ta nói rằng cái đó là tất nhiên : động lực cách mạng tiếp tục tồn tại và hành động, cuộc khủng hoảng công nghiệp đã nổ ra vẫn tăng lên không ngừng ; nạn đói làm cho nông thôn hoàn toàn bị phá sản vẫn ngày một trầm trọng. Tất cả những cái đó có nghĩa là đã gần tới giờ phút mà sự phẫn nộ cách mạng của nhân dân sẽ dồn dập nổi dậy như một dòng thác đáng sợ. Sự thực chứng minh rằng một phong trào mới, cương quyết hơn và mãnh liệt hơn phong trào tháng Chạp đang chín mùi trong đời sống xã hội Nga. Chúng ta đang ở vào đêm trước của cuộc khởi nghĩa.
Mặt khác, thế lực phản cách mạng, mà nhân dân cảm ghét, đang tích trữ lực lượng và tự củng cố dần dần. Nó đã tổ chức được một bè đảng, nó đang tập hợp dưới lá cờ của nó những lực lượng đen tối, nó cầm đầu « phong trào » của bọn Trăm-đen, nó chuẩn bị một cuộc tấn công mới vào cách mạng nhân dân ; nó tập hợp xung quanh nó bọn địa chủ và bọn chủ xưởng khát máu. Như vậy là nó đang chuẩn bị đè bẹp cuộc cách mạng nhân dân. Thời gian càng tiến tới thì nước nhà càng rõ ràng chia thành hai phe thù địch, phe cách mạng và phe phản cách mạng ; sự đối lập giữa hai lãnh tụ của hai phe, giai cấp vô sản và chính phủ Nga hoàng, càng trở thành ghê gớm và người ta ngày càng thấy rõ là tất cả những cầu nối liền hai phe đều bị phá bỏ. Chỉ có thể hoặc là cách mạng và chính quyền tuyệt đối của nhân dân thắng, hoặc là thể lực phản cách mạng và chính quyền tuyệt đối của Nga hoàng thắng. Kẻ nào ngồi giữa hai chiếc ghế là phản bội cách mạng. Ai không đi với chúng ta là chống lại chúng ta! Cái Đu-ma thảm hại, với những người dân chủ lập hiến thảm hại của nó, chính là đã ngồi giữa hai chiếc ghế. Nó muốn hòa giải cách mạng và phản cách mạng, để cho chó sói và cừu cùng gặm cỏ với nhau, và như vậy là bình định được cách mạng bằng « một đòn độc nhất ». Bởi vậy nên cho đến nay Đu-ma chỉ làm cái việc giã nước trong cối, bởi vậy nên nó đã không thể tập hợp được nhân dân xung quanh nó và vì dưới chân không có một cơ sở nào cả nên nó vẫn còn bị treo lơ lửng trên không trung.
Cũng như trước đây, đường phố vẫn là vũ đài chính của cuộc đấu tranh. Các sự kiện đều nói lên như thế. Các sự kiện đều chứng minh rằng : chính trong cuộc đấu tranh hiện tại, trong những trận chiến đấu ở đường phố, chứ không phải ở trong cái Đu-ma lắm lời ba hoa, thế lực phản cách mạng ngày càng bị suy yếu và tan rã, còn lực lượng cách mạng thì trưởng thành và được huy động ; việc tập hợp và tổ chức các lực lượng cách mạng đều được tiến hành dưới sự lãnh đạo của các công nhân tiên phong chứ không phải của giai cấp tư sản. Như thế có nghĩa là hoàn toàn có thể bảo đảm sự thẳng lợi của cuộc cách mạng hiện tại và đưa nó đến cùng. Nhưng chỉ có thể làm như thế để nếu các công nhân tiên tiến tiếp tục đi đầu cách mạng, nếu giai cấp vô sản giác ngộ hoàn thành một cách xứng đáng nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng của mình.
Từ đó người ta thấy rõ tình hình hiện tại đề ra cho đại hội những nhiệm vụ gì và đại hội phải làm gì. Ăng-ghen đã nói rằng đảng công nhân « là người đại diện tự giác của một quá trình không tự giác », tức là đảng phải tự giác đi vào con đường mà chính bản thân cuộc sống đã đi vào một cách không tự giác ; tức là đảng phải thể hiện một cách tự giác những tư tưởng mà cuộc sống sôi sục đề ra một cách không tự giác.
Sự thực chứng minh rằng chế độ Nga hoàng đã không đè bẹp được cách mạng nhân dân, ngược lại cách mạng đó ngày càng trưởng thành, luôn luôn dâng cao hơn và người ta đi tới một hành động mới. Bởi thế, nhiệm vụ của đảng là tự giác chuẩn bị cho hành động đó và đưa cách mạng nhân dân tiến hành đến cùng.
Rõ ràng đại hội đã phải chỉ ra nhiệm vụ đó và buộc đảng viên phải trung thực hoàn thành nhiệm vụ đó.
Sự thực chứng minh rằng không thể nào điều hòa cách mạng và phản cách mạng được ; rằng ngay từ đầu Đu-ma đã định điều hòa cách mạng và phản cách mạng nhưng sẽ không thể làm được gì hết ; rằng một Đu-ma như thế sẽ không bao giờ thành trung tâm chính trị của đất nước, nó sẽ không tập hợp được nhân dân xung quanh nó và không thể không trở thành một vật phụ thuộc của thế lực phản động. Bởi thế nhiệm vụ của đảng là đánh tan những hy vọng hão huyền đặt vào Đu-ma ; là chống lại những ảo tưởng chính trị của nhân dân và tuyên bố trước thế giới rằng vũ đài chính của cách mạng là đường phố chứ không phải là Đu-ma. Thắng lợi của nhân dân chủ yếu sẽ ở đường phố, ở những Cuộc chiến đấu ngoài đường phố, chứ không phải ở Đu-ma, ở sự cãi vã suông trong Đu-ma.
Rõ ràng là trong những nghị quyết của mình, Đại hội thống nhất đã phải chỉ ra nhiệm vụ đó để xác định rõ ràng hướng hoạt động của đảng.
Sự thực chứng minh rằng cách mạng có thể thắng và được tiến hành đến cùng, rằng chính quyền tuyệt đối của nhân dân chỉ có thể được thành lập nếu các công nhân giác ngộ đi đầu cuộc cách mạng, nếu đảng dân chủ - xã hội, chứ không phải giai cấp tư sản, lãnh đạo cách mạng. Bởi thế nhiệm vụ của đảng phải là kẻ đào huyệt chôn chết quyền lãnh đạo của giai cấp tư sản, phải tập trung xung quanh mình những phần tử cách mạng ở thành thị và ở nông thôn, phải lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng của họ, phải cầm đầu hoạt động của họ và do đó mà củng cố cơ sở cho quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản.
Rõ ràng là Đại hội thống nhất phải đặc biệt chú ý đến nhiệm vụ thứ ba đó, là nhiệm vụ cơ bản, để chỉ cho đảng thấy ý nghĩa cực kỳ to lớn của nhiệm vụ này. Đó là điều mà tình hình hiện tại đã đề ra cho Đại hội thống nhất và đó cũng là điều mà đại hội này cần phải làm.
Đại hội thống nhất đã hoàn thành được những nhiệm vụ đó chưa ?
II
Đề làm sáng tỏ câu hỏi này thì cần hiểu cục diện của chính ngay đại hội đó.
Trong quá trình các phiên họp, đại hội đã đề cập đến nhiều vấn đề ; nhưng vấn đề chủ yếu là vấn đề tình hình hiện tại mà xoay xung quanh nó là những vấn đề khác. Tình hình hiện tại của cuộc cách mạng dân chủ và những nhiệm vụ giai cấp của giai cấp vô sản, đó là mấu chốt của vấn đề mà trong đó chúng ta đã có tất cả những ý kiến bất đồng nhau về sách lược.
Cuộc khủng hoảng ở thành thị đang trầm trọng, những người bôn-sê-vích nói như thế , nạn đói ở nông thôn ngày càng tăng, chính phủ hoàn toàn đồi bại và nhân dân ngày càng phẫn nộ; cho nên, cách mạng không hề giảm sút mà trái lại ngày càng phát triển và chuẩn bị một cuộc tấn công mới. Do đó, nhiệm vụ của chúng ta là xúc tiến cuộc cách mạng đang lên, đưa nó tiến hành đến cùng và hoàn thành nó bằng chuyên chính nhân dân (xem nghị quyết của những người bôn-sê-vích: « Tình hình hiện nay... »).
Những người men-sê-vích cũng nói gần giống như thế. Nhung đưa cuộc cách mạng hiện tại đến cùng như thế nào ? Những điều kiện cần thiết cho việc đó là những điều kiện nào ?
Theo những người bôn-sê-vích, thì chỉ có thể đưa cuộc cách mạng hiện tại đến cùng và hoàn thành nó bằng chuyên chính nhân dân, nếu những công nhân giác ngộ đi đầu cuộc cách mạng đó, nếu giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa lãnh đạo cuộc cách mạng đó chứ không phải là những người dân chủ tư sản. Những người bôn-sê-vích nói : « Đưa cuộc cách mạng dân chủ đến cùng thì chỉ có giai cấp vô sản mới có khả năng làm việc đó với điều kiện giai cấp đó... lôi cuốn theo sau nó đông đảo nông dân, đồng thời làm cho cuộc đấu tranh tự phát của họ có tính tự giác về chính trị... » Nếu không, giai cấp vô sản sẽ buộc phải từ bỏ vai trò « lãnh tụ của cuộc cách mạng nhân dân » và sẽ « theo đuôi giai cấp tư sản quân chủ tự do », giai cấp này sẽ không đời nào đưa cuộc cách mạng đến cùng cả (xem nghị quyết: « Những nhiệm vụ giai cấp của giai cấp vô sản... »). Dĩ nhiên, cuộc cách mạng của chúng ta là một cuộc cách mạng tư sản và, về mặt đó, nó giống cuộc đại cách mạng Pháp mà giai cấp tư sản đã thừa hưởng kết quả. Nhưng mặt khác, rõ ràng hai cuộc cách mạng đó có một sự khác lớn. Ở thời kỳ cách mạng Pháp chưa có nền đại sản xuất cơ khí mà chúng ta thấy có ở ta ngày nay ; mâu thuẫn giai cấp cũng chưa sâu sắc như ở ta : cho nên giai cấp vô sản Pháp yếu ớt, còn giai cấp vô sản ở ta thì mạnh hơn, thống nhất hơn. Cũng phải thấy rằng giai cấp vô sản ở Pháp chưa có một đảng riêng của mình, còn ở ta, giai cấp vô sản có một đảng với cương lĩnh và sách lược riêng. Không lấy gì làm lạ khi thấy cuộc cách mạng Pháp do những người dân chủ tư sản lãnh đạo và công nhân thì đi theo đuôi các ngài đó : « Công nhân chiến đấu, nhưng tư sản lại chiếm giữ chính quyền ». Mặt khác người ta hoàn toàn thấy rõ rằng giai cấp vô sản ở Nga không chịu đi theo đuôi phái tự do, nó phải là lực lượng thống trị của cách mạng và kêu gọi tất cả những « người bị áp bức và cùng khổ » hãy đứng dưới lá cờ của nó. Đây là chỗ ưu việt hơn của cuộc cách mạng của chúng ta so với cuộc đại cách mạng Pháp, và đó là lý do tại sao chúng ta cho rằng cuộc cách mạng của chúng ta có thể tiến hành đến cùng và có thể kết thúc bằng chuyên chính nhân dân. Chỉ cần tự giác ủng hộ quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản và tập trung xung quanh nó nhân dân đang đấu tranh để do đó nó có thể đưa cuộc cách mạng hiện tại đến cùng. Mà cần phải đưa cuộc cách mạng đến cùng, để cho giai cấp tư sản không phải là kẻ duy nhất thừa hưởng kết quả, để cho giai cấp công nhân, ngoài quyền tự do chính trị ra, còn giành được chế độ ngày làm 8 giờ, việc cải thiện những điều kiện lao động, để cho giai cấp vô sản thực hiện được đầy đủ cương lĩnh tối thiểu của mình và do đó mở đường hướng theo chủ nghĩa xã hội. Đó là lý do tại sao người nào muốn bảo vệ lợi ích của giai cấp vô sản, người nào không muốn để cho giai cấp vô sản trở thành cái đuôi của giai cấp tư sản và làm cho người khác hưởng, người nào muốn đấu tranh để cho giai cấp vô sản trở thành một lực lượng độc lập và sử dụng cuộc cách mạng hiện tại vào những mục đích riêng của mình, thì người đó phải công khai lên án quyền lãnh đạo của phái dân chủ tư sản, phải củng cố cơ sở cho quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa trong cuộc cách mạng hiện tại.
Những người bôn-sê-vích lý luận như vậy đó. Những người men-sê-vích lại nói hoàn toàn khác. Đương nhiên cách mạng lớn mạnh lên và phải đưa nó đến cùng nhưng để làm việc đó không hề cần đến quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa. Lãnh đạo cách mạng cũng phải là những người dân chủ tư sản đó! họ nói như thế đấy. Những người bôn-sê-vích hỏi : tại sao, thế nghĩa là gì ? Vì cuộc cách mạng hiện tại là cuộc cách mạng tư sản và giai cấp tư sản phải là người lãnh đạo, những người men-sê-vích trả lời. Nhưng vậy thì giai cấp vô sản phải làm gì ? Nó phải đi theo những người dân chủ tư sản, « thúc đẩy họ » và do đó, « làm cho cách mạng tư sản tiến lên ». Mác-tư-nốp, lãnh tụ của những người men-sê-vích, người được họ chỉ định là « báo cáo viên », nói như thế đấy. Tư tưởng đó cũng thể hiện, mặc dù ít rõ ràng hơn, trong nghị quyết của những người, men-sê-vích: « Về tình hình hiện nay », Trong cuốn Hai nền chuyên chính, Mác-tư-nốp cũng đã nói rằng « quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản là một ảo tưởng nguy hiểm », một sự ngông cuồng, rằng cách mạng tư sản « phải do phái đối lập dân chủ cực đoan lãnh đạo » chứ không phải do giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa lãnh đạo ; rằng giai cấp vô sản đang đấu tranh « phải đi đằng sau phái dân chủ tư sản » và thúc đẩy nó trên con đường hướng đến tự do (xem cuốn sách mà ai cũng biết của Mác-tư-nốp: Hai nền chuyên chính ). Tư tưởng đó cũng đã được Mác-tư-nốp trình bày ở Đại hội thống nhất. Theo Mác-tư-nốp, đại cách mạng Pháp là bản chính, còn cuộc cách mạng của chúng ta là một bản sao chép mờ nhạt ; và cũng như ở Pháp, lúc đầu đứng đầu cách mạng là « Quốc hội », sau đó là « Hội nghị quốc ước », trong những cơ quan đó giai cấp tư sản chiếm địa vị thống trị cũng như ở ta, người lãnh đạo cách mạng, người tập hợp nhân dân xung quanh mình, trước hết phải là Đu-ma Nhà nước, sau đó là một thứ hội nghị đại biểu nào khác, cách mạng hơn Đu-ma. Trong Đu-ma cũng như trong cái hội nghị đại biểu tương lai đó, những người dân chủ tư sản chiếm địa vị thống trị. Do đó chúng ta cần có quyền lãnh đạo của phái dân chủ tư sản chứ không phải quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa. Chỉ cần từng bước đi theo sau giai cấp tư sản và thúc đẩy nó luôn luôn tiến lên xa hơn nữa đến quyền tự do chân chính. Nên chú ý rằng những người men-sê-vích đã nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh bài diễn văn của Mác-tư-nốp. Cũng nên chú ý rằng không một nghị quyết nào của họ ghi vấn đề cần thiết phải có quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản ; thành ngữ « quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản » hoàn toàn bị loại trừ khỏi những nghị quyết của họ cũng như những nghị quyết của đại hội (xem những nghị quyết của đại hội).
Đó là lập trường của những người men-sê-vích tại đại hội.
Như ta thấy, ở đó có hai lập trường không thể dung hợp với nhau và chính đó là điểm xuất phát của những sự bất động khác.
Nếu giai cấp vô sản giác ngộ là người hướng dẫn Cuộc cách mạng hiện tại, còn trong Đu-ma hiện tại những người dân chủ lập hiến tự sản chiếm địa vị thống trị thì hiển nhiên là Đu-ma hiện tại sẽ không thể trở thành một « trung tâm chính trị của đất nước » được ; nó sẽ không thể tập hợp được xung quanh nó nhân dân cách mạng và mặc dù có cố gắng như thế nào, nó cũng không thể trở thành người hướng dẫn cuộc cách mạng đang lên. Sau nữa, nếu giai cấp vô sản giác ngộ là lãnh tụ của cuộc cách mạng thì nó không thể từ trong Đu-ma mà lãnh đạo được cách mạng, rõ ràng hiện nay vũ đài chính của hoạt động của chúng ta phải là đường phố chứ không phải phòng họp của Đu-ma. Tiếp nữa, nếu giai cấp vô sản giác ngộ là lãnh tụ của cách mạng và đường phố là vũ đài chính của cuộc đấu tranh, thì tất nhiên nhiệm vụ của chúng ta là tích cực tham gia tổ chức cuộc đấu tranh đường phố, tăng cường chú ý đến công tác vũ trang, phát triển gấp bội những đội quân đó và truyền bá kiến thức quân sự cho những phần tử tiên tiến. Cuối cùng, nếu giai cấp vô sản tiên tiến là lãnh tụ của cách mạng và nếu nó phải tích cực tham gia tổ chức khởi nghĩa, thì tất nhiên chúng ta không thể phủi tay xa rời chính phủ cách mạng lâm thời được, chúng ta sẽ phải cùng với nông dân chiếm lấy chính quyền và tham gia vào chính phủ lâm thời* : người lãnh tụ của đường phố cách mạng đồng thời cũng phải là người đứng đầu chính phủ cách mạng.
Đó là lập trường của những người bôn-sê-vích.
Nếu ngược lại - như những người men-sê-vích nghĩ, - quyền lãnh đạo cách mạng thuộc những người dân chủ tư sản, và những người dân chủ lập hiến của Đu-ma « xích lại gần những người dân chủ loại đó , - thì tất nhiên Đu-ma hiện tại có thể biến thành « trung tâm chính trị của đất nước » ; Đu-ma hiện tại có thể tập hợp xung quanh nó nhân dân cách mạng, trở thành người hướng dẫn của họ và biến thành vũ đài chính của cuộc đấu tranh. Và nếu Đu- ma có thể biến thành vũ đài chính của cuộc đấu tranh thì không cần phải tăng сường chú ý đến công tác vũ trang và đến việc tổ chức những đội quân đỏ ; công việc của chúng ta không phải là đặc biệt chú ý đến việc tổ chức cuộc đấu tranh đường phố và lại càng ít chú ý hơn nữa đến việc cùng với nông dân chiếm lấy chính quyền và tham gia chính phủ lâm thời. Hãy để cho những người dân chủ tư sản làm việc đó, họ sẽ là những người lãnh đạo cuộc cách mạng! Chắc chắn là có được vũ khí và những đội quân đỏ thì không phải là xấu, ngược lại, thậm chí là cần thiết, nhưng điều đó không có tầm quan trọng lớn lao như những người bôn-sê-vích tưởng.
Đó là lập trường của những người men-sê-vích.
Đại hội đã chọn con đường thứ hai, tức là đại hội đã bác bỏ quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa và thông qua lập trường của những người men-sê-vích.
Làm như vậy, đại hội đã chứng tỏ rõ ràng rằng mình không hiểu những yêu cầu bức thiết trước mắt, Đó là sai lầm cơ bản của đại hội, từ sai lầm này nhất định phải sản sinh ra tất cả những sai lầm khác.
III
Sau khi đại hội đã bác bỏ tư tưởng quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản, thì người ta hiểu rõ đại hội sẽ giải quyết những vấn đề khác như thế nào : « về thái độ đối với Đu-ma Nhà nước », « về khởi nghĩa vũ trang, v.v..
Chúng ta hãy chuyển sang bàn về những vấn đề đó.
Chúng ta hãy bắt đầu nói đến Đu-ma Nhà nước. Chúng ta sẽ không xét xem trong hai sách lược, tẩy chay hay tham gia bầu cử, cái nào đúng hơn. Chúng ta chỉ nêu lên điểm này thôi : nếu ngày nay Đu-ma chỉ cãi vã suông, nếu nó vẫn bị treo lơ lửng giữa cách mạng và phản cách mạng, thì như thế có nghĩa là những người tán thành tham gia bầu cử đã lầm lẫn khi họ kêu gọi nhân dân bỏ phiếu và lừa phỉnh nhân dân bằng những hy vọng dối trá. Nhưng hãy đề chuyện đó lại. Sự thật là khi đại hội họp thì bầu cử đã kết thúc rồi (trừ Cáp-ca-dơ và Xi-bi-ri); chúng ta đã biết kết quả của cuộc bầu cử rồi và do đó chỉ có thể bàn tới bản thân Đu-ma sẽ họp vài ngày sau. Hiển nhiên đại hội không thể trở lại cái đã qua ; nó phải chú ý chủ yếu đến tính chất của Đu-ma và đến thái độ mà chúng ta cần phải có đối với Đu-ma.
Vậy Đu-ma hiện tại là cái gì và thái độ của chúng ta đối với nó như thế nào ?
Qua bản tuyên bố ngày 17 tháng Mười, người ta đã biết Đu-ma không có những quyền đặc biệt quan trọng ! đó là một hội nghị đại biểu « có quyền » bàn bạc nhưng không có quyền vượt qua những « luật cơ bản » hiện hành. Nó bị đặt dưới sự giám sát của Hội đồng nhà nước « có quyền » thủ tiêu mọi quyết định của Đu-ma. Chính phủ Nga hoàng vũ trang từ đầu đến chân « có quyền » giải tán Đu-ma nếu nó vượt quá vai trò tư vấn của nó, thế thì chính phủ đó bảo vệ cái gì chứ.
Còn về bộ mặt của Đu-ma thì ngay từ lúc đại hội khai mạc, chúng ta đã biết thành phần của Đu-ma là gì, chúng ta đã thừa biết rằng nó sẽ gồm phần lớn những người dân chủ lập hiến. Như thế chúng ta không muốn nói rằng bản thân những người dân chủ lập hiến chiếm đa số trong Đu-ma ; chúng ta chỉ nói rằng trong số ước chừng năm trăm đại biểu ở Đu-ma, thì một phần ba là những người dân chủ lập hiến, một phần ba khác là những nhóm trung gian và phái hữu (« đảng cải cách dân chủ »), những phần tự ôn hòa trong số các đại biểu không đảng, những đảng viên đảng tháng Mười, v.v.) là những người trong lúc đấu tranh chống phái cực tả (nhóm công nhân và nhóm nông dân cách mạng) nhất định sẽ đi với những người dân chủ lập hiến, bỏ phiếu ủng hộ họ và, như vậy, những đảng viên dân chủ - lập hiến sẽ nắm địa vị chủ nhân trong Đu-ma.
Thế thì những đảng viên dân chủ lập hiến là những người như thế nào ? Có thể gọi họ là những người cách mạng được không ? Tất nhiên là không ! Vậy thì họ là những người như thế nào ? Bọn dân chủ lập hiến là đảng của những phần tử thỏa hiệp: nếu họ muốn hạn chế quyền hạn của Nga hoàng thì không phải vì họ tán thành sự thắng lợi của nhân dân, bọn dân chủ - lập hiến muốn thay thế chính quyền chuyên chính của Nga hoàng bằng chính quyền chuyên chính của giai cấp tư sản chứ không phải bằng chính quyền chuyên chính của nhân dân (xern cương lĩnh của họ), mà chính là để, về phía mình, nhân dân giảm bớt tinh thần cách mạng của mình lại, từ bỏ những yêu sách cách mạng của mình và thỏa hiệp bằng cách này hay cách khác với Nga hoàng. Bọn dân chủ lập hiến muốn có một sự thỏa hiệp giữa Nga hoàng và nhân dân.
Như người ta thấy, đa số trong Đu-ma phải gồm những người thỏa hiệp chứ không phải những người cách mạng. Điều đó tự nó đã rõ ngay từ thượng tuần tháng Tư.
Một mặt thì bị tẩy chay và bất lực, có những quyền hạn không đáng kể ; một mặt thì đa số là những người không cách mạng và thỏa hiệp, - Đu-ma là như thế đó. Nói chung, những kẻ yếu đuối đã để thỏa hiệp rồi, nhưng nếu ngoài ra, họ không có hướng đi cách mạng, thì họ lại càng nhanh chóng rơi vào thỏa hiệp hơn. Đó là điều ắt phải xảy ra đối với Đu-ma Nhà nước. Nó không thể hoàn toàn đứng về phía Nga hoàng vì nó muốn hạn chế quyền lực của Nga hoàng, nhưng nó cũng không đứng về phía nhân dân vì nhân dân đưa ra những yêu sách cách mạng. Bởi thế nó phải đứng ở giữa Nga hoàng và nhân dân, ra sức điều hòa hai bên, tức là làm cái việc vô ích. Một mặt, nó phải thuyết phục nhân dân từ bỏ những « yêu sách quá đáng » của họ đi và ra sức thỏa hiệp với Nga hoàng ; mặt khác nó phải đứng làm thân phận kẻ môi giới bên cạnh Nga hoàng, để Nga hoàng nhân nhượng nhân dân đôi chút và do đó kết thúc những cuộc « phiến loạn cách mạng ».
Đại hội thống nhất của đảng phải đối phó với chính cái Đu-ma đó.
Thái độ của đảng đối với Đu-ma như thế nào ? Không cần phải nói rằng đảng không thể gánh lấy trách nhiệm ủng hộ cái Đu-ma đó, vì ủng hộ Đu-ma là ủng hộ chính sách thỏa hiệp ; mà chính sách thỏa hiệp lại căn bản mâu thuẫn với nhiệm vụ của chúng ta là làm cho cách mạng được sâu sắc ; đảng công nhân không thể đảm nhiệm vai trò hòa hoãn cách mạng. Tất nhiên đảng phải sử dụng cả bản thân Đu-ma lẫn những sự xung đột giữa Đu-ma với chính phủ ; nhưng như thế chưa có nghĩa là đảng phải ủng hộ sách lược không cách mạng của Đu-ma. Ngược lại, nói rõ tính chất hai mặt của Đu-ma, phê phán nó một cách không thương tiếc, vạch mặt sách lược phản bội của nó, thái độ của đảng đối với nó phải như thế.
Trong những điều kiện đó, rõ ràng Đu-ma của bọn dân chủ lập hiến không thể hiện ý chí của nhân dân, nó không thể làm tròn nhiệm vụ người đại diện của nhân dân, nó không thể trở thành trung tâm chính trị của đất nước và không thể tập hợp nhân dân xung quanh nó được.
Vậy nhiệm vụ của đảng là đánh tan những ảo vọng đối với Đu-ma và lớn tiếng tuyên bố rằng Đu-ma không thể hiện ý chí của nhân dân, do đó nó không thì trở thành công cụ của cách mạng và hiện nay vũ đài chính của cuộc đấu tranh là đường phố, chứ không phải Đu-ma.
Đồng thời, rõ ràng là « nhóm lao động » nông dân ở trong Đu-ma, – nhóm này không đồng so với bọn dân chủ lập hiến, không thể đi theo đến cùng sách lược thỏa hiệp của bọn dân chủ lập hiến ; đến một ngày nào đó nhóm đã phải đấu tranh chống lại bọn dân chủ - lập hiến phản bội nhân dân, và đi vào con đường cách mạng. Nhiệm vụ của đảng là ủng hộ « nhóm lao động » trong cuộc đấu tranh của họ chống bọn dân chủ lập hiển, triệt để phát triển những xu hướng cách mạng của nhóm đó, đem đối lập sách lược cách mạng của họ với sách lược không cách mạng của bọn dân chủ lập hiến và do đó mà hoàn toàn bóc trần những xu hướng phản bội của bọn dân chủ lập hiến.
Đại hội đã làm gì ? Nghị quyết của đại hội về Đu-ma Nhà nước đã tuyên bố những gì ?
Nghị quyết tuyên bố rằng Đu-ma là một cơ quan « từ trong lòng quốc dân » mà ra. Có nghĩa là mặc dù có những khuyết điểm, Đu-ma dường như vẫn là người đại diện cho ý chí của nhân dân.
Rõ ràng là đại hội đã không biết đánh giá đúng đắn Đu-ma của bọn dân chủ - lập hiến ; nó đã quên rằng đa số trong Đu-ma là phần tử thỏa hiệp, rằng những người đó vứt bỏ cách mạng, thì không thể thể hiện ý chí của nhân dân và do đó chúng ta không có quyền khẳng định rằng Đu-ma là « từ trong lòng quốc dân » mà ra.
Về vấn đề này, tại đại hội, những người bôn-sê-vích đã đói gì ?
Họ nói rằng « Đu-ma Nhà nước, như thấy lộ rõ hiện nay, với thành phần (chủ yếu là dân chủ lập hiến, thì bất cứ trong trường hợp nào cũng không thể làm tròn sứ mệnh người đại diện chân chính của nhân dân ». Như thế có nghĩa là Đu-ma hiện tại không phải từ trong lòng nhân dân mà ra, nó không được nhân dân tín nhiệm và do đó không thể hiện ý chí của nhân dân (xem nghị quyết của những ng trời bôn-sê-vích).
Về điểm đó, đại hội đã không tán thành những người bôn-sê-vích.
Nghị quyết của đại hội tuyên bố rằng mặc dù tính chất « giả danh hiến chế » của nó « Đu-ma » vẫn « sẽ biển thành công cụ của cách mạng ..., rằng những sự xung đột của nó với chính phủ có thể mở rộng đến chỗ biến những cuộc xung đột đó thành điểm xuất phát của phong trào quần chúng rộng rãi nhằm mục đích lật đổ nền trật tự chính trị hiện nay ». Như thế có nghĩa là dường như Đu-ma có thể biến thành một trung tâm chính trị, tập hợp xung quanh nó nhân dân cách mạng và giương cao lá cờ cách mạng.
Các bạn công nhân hãy nghe đây: Đu-ma thỏa hiệp của bọn dân chủ lập hiến dường như có thể biến thành một trung tâm cách mạng và đứng đầu cách mạng, - có khác gì nói rằng con chó cái có thể đẻ ra con cừu non! Các bạn băn khoăn làm gì ? Từ nay trở đi không cần đến quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản nữa và cũng không cần nhân dân phải tập hợp xung quanh giai cấp vô sản nữa : bản thân Đu-ma không cách mạng sẽ tập hợp xung quanh nó nhân dân cách mạng, và mọi việc sẽ tốt cả! Đấy, dường như làm cách mạng đơn giản biết bao! Dường như cần phải dẫn dắt cách mạng đến cùng bằng cách như thế đó!
Hiển nhiên đại hội đã không hiểu rằng cái Đu-ma lá mặt lá trái cùng với những người dân chủ lập hiến lá mặt lá trái nhất định sẽ ngồi giữa hai chiếc ghế : nó sẽ tìm cách hòa giải Nga hoàng và nhân dân ; rồi sau đó, giống như những kẻ lá mặt lá trái, nó sẽ nghiêng về phía nào hứa hẹn nhiều hơn !
Về vấn đề đó, tại đại hội, nh ng người bôn-sê-vích đã nói gì ?
Những người bôn-sê-vích đã tuyên bố rằng « vẫn còn chưa có điều kiện để cho đảng ta có thể bước vào con đường đại nghị », tức là chúng ta vẫn chưa có thể mở đầu một cuộc sống đại nghị yên tĩnh, vũ đài chính của cuộc đấu tranh vẫn là đường phố chứ không phải là Đu-ma (xem nghị quyết của những người bôn-sê-vích). Về điểm đó nữa, đại hội cũng đã bác bỏ nghị quyết của những người bôn-sê-vích.
Nghị quyết của đại hội không nói một tý gì cụ thể về sự có mặt ở trong Đu-ma của một thiểu số đại biểu của nông dân cách mạng (« nhóm lao động ») là những người sẽ bắt buộc phải từ bỏ chính sách thỏa hiệp của bọn dân chủ lập hiến và theo con đường cách mạng : không nói một tý gì đến việc phải khuyến khích họ, ủng hộ họ trong cuộc đấu tranh của họ chống lại bọn dân chủ lập hiến và giúp đỡ họ đi vào con đường cách mạng một cách vững chắc hơn nữa.
Đại hội hiền nhiên đã không hiểu rằng giai cấp vô sản và nông dân là hai lực lượng chính của cuộc cách mạng hiện tại ; rằng hiện nay giai cấp vô sản, với tư cách là người lãnh đạo cách mạng, phải ủng hộ nông dân cách mạng ở đường phố cũng như trong Đu-ma, nếu họ tiến hành cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù của cách mạng. Về vấn đề này, tại đại hội, những người bôn-sê-vích đã nói gì ?
Những người bôn-sê-vích đã tuyên bố rằng đảng dân chủ - xã hội phải tố cáo không thương xót « tính không triệt để và không vững chắc của những người dân chủ - lập hiến, phải đặc biệt chú ý đến những phần tử nông dân dân chủ cách mạng, ủng hộ những hành động của họ phù hợp với quyền lợi của giai cấp vô sản » (xem nghị quyết).
Đại hội cũng không chấp nhận đề nghị đó của những người bôn-sê-vích. Có lẽ vì đề nghị đó đã nói quá rõ đến nhiệm vụ tiên phong của giai cấp vô sản, vả lại đại hội, như chúng ta đã thấy ở trên kia, đã tỏ thái độ ngờ vực quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản, - theo đại hội, nông dân phải tụ tập xung quanh Đu-ma chứ không phải xung quanh giai cấp vô sản?
Đó là lý do tại sao tờ báo Đời sống của chúng ta lại ca ngợi nghị quyết của Đại hội, tại sao những người dân chủ lập hiến thuộc phái Đời sống của chúng ta đã đồng thanh reo lên : những người dân chủ - xã hội cuối cùng đã thay đổi ý kiến và đã rời bỏ chủ nghĩa Bơ-lăng-ki (xem Đời sống của chúng ta, số 432).
Hiền nhiên là, không phải không có lý do mà kẻ thù của nhân dân - những ng trời dân chủ - lập hiến - lại ca ngợi nghị quyết của đại hội! Không phải không có lý do mà Bê-ben đã nói : cái gì làm cho kẻ địch của chúng ta vui thú đều có hại cho chúng ta!
IV
Chúng ta hãy bàn sang vấn đề khởi nghĩa vũ trang. Ngày nay không còn một ai lại không biết rằng nhất định một hành động của nhân dân sẽ diễn ra. Nếu ở thành thị và nông thôn, cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng, nếu trong giai cấp vô sản và nông dân, tình hình sôi sục ngày một tăng ; nếu chính phủ đồi bại ; nếu do đó cách mạng lên cao, thì hiển nhiên là cuộc sống đang chuẩn bị một hành động mới của nhân dân, một hành động rộng rãi hơn và mạnh mẽ hơn những hành động hồi tháng Mười và tháng Chạp. Hành động mới đó có phù hợp với ý muốn hay không, tốt hay xấu, giờ đây không cần nói đến, vì vấn đề không phải là ý muốn của chúng ta, mà vấn đề là hành động của nhân dân tự nó đã chín mùi, là hành động đó là tất yếu.
Nhưng có nhiều loại hành động. Tất nhiên cuộc tổng bãi công hồi tháng Giêng ở Pê-téc-bua (1905) là một hành động của nhân dân. Cuộc tổng bãi công chính trị hồi tháng Mười cũng là một hành động của nhân dân. Trận « chiến đấu hồi tháng Chạp » Ở Mát-xcơ-va và ở Lét-tô-ni cũng là một hành động của nhân dân. Rõ ràng là giữa những hành động đó cũng có một sự khác nhau. Hồi tháng Giêng (1905) cuộc bãi công đóng vai trò chính, hồi tháng Chạp thì nó chỉ là màn đầu và sau đó biến thành một cuộc khởi nghĩa vũ trang và chiếm vai trò chính. Những hành động hồi tháng Giêng, tháng Mười và tháng Chạp đã chứng tỏ rằng dù cho buổi đầu của cuộc tổng bãi công rất là « yên tĩnh », dù cho cách nêu các yêu sách rất là « tế nhị », dù cho người ta đi đến trận địa hoàn toàn không có vũ khí, nhưng sự tình cũng sẽ kết thúc bằng một cuộc chiến đấu (các bạn hãy nhớ lại ngày 9 tháng Giêng ở Pê-téc-bua, khi nhân dân cầm thánh giá và chân dung của Nga hoàng mà đi), chính phủ cũng sẽ dùng đến đại bác và súng trường, nhân dân cũng sẽ dùng đến vũ khí và do đó tổng bãi công cũng sẽ biến thành khởi nghĩa vũ trang. Như thế có nghĩa là gì ? Chỉ có nghĩa là như thế này: hành động tương lai của nhân dân sẽ không phải là một hành động bình thường ; nó sẽ nhất thiết mang tính chất một cuộc xung đột vũ trang và do đó khởi nghĩa vũ trang sẽ đóng vai trò quyết định. Đổ máu có đáng mong muốn hay không, tốt hay xấu, điều đó không cần nói đến. Chúng tôi nhắc lại: vấn đề không phải là về ý muốn của chúng ta, mà vấn đề là khởi nghĩa vũ trang chắc chắn sẽ diễn ra và không thể nào tránh được.
Nhiệm vụ hiện nay của chúng ta là thành lập chính quyền chuyên chính của nhân dân. Chúng ta muốn rằng chính quyền phải được trao lại cho giai cấp vô sản và nông dân. Có thể nào đạt được mục đích đó bằng một cuộc tổng bãi công ? Sự thực chứng minh rằng không (các bạn hãy nhớ lại những điều đã nói ở trên). Hoặc giả, có lẽ, cái Đu-ma với những người dân chủ - lập hiến ba hoa của nó lại giúp đỡ chúng ta chăng và do sự giúp đỡ của họ mà thành lập nên chính quyền chuyên chính tuyệt đối của nhân dân chăng ? Sự thực chứng minh rằng cũng không thể được, vì Đu-ma của những người dân chủ - lập hiến muốn có nền chuyên chính của giai cấp tư sản chứ không phải của nhân dân (các bạn hãy nhớ những điều đã nói ở trên).
Rõ ràng chỉ có một con đường chắc chắn, là khởi nghĩa vũ trang của giai cấp vô sản và nông dân. Chỉ có khởi nghĩa vũ trang mới có thể lật đổ quyền thống trị của Nga hoàng và thành lập quyền thống trị của nhân dân, dĩ nhiên nếu cuộc khởi nghĩa đó kết thúc thắng lợi. Như vậy, nếu ngày nay không thể có được sự thắng lợi của nhân dân một khi không có sự thắng lợi của khởi nghĩa và nếu, mặt khác, bản thân cuộc sống đang chuẩn bị một hành động vũ trang của nhân dân, nếu hành động đó là tất yếu, thì đương nhiên nhiệm vụ của đảng dân chủ - xã hội là tự giác chuẩn bị cho hành động đó và tự giác chuẩn bị cho hành động đó thắng lợi. Chỉ có thể hoặc là chúng ta phải từ bỏ chế độ chuyên chính của nhân dân (từ bỏ nền cộng hòa dân chủ) và bằng lòng với chế độ quân chủ lập hiến – và như thế chúng ta có quyền nói rằng việc của chúng ta không phải là tổ chức khởi nghĩa vũ trang ; hoặc là ngày nay cũng như trước kia, chúng ta tự đề ra nhiệm vụ thành lập chế độ chuyên chính của nhân dân (nên Cộng hòa dân chủ) và cương quyết từ bỏ chế độ quân chủ lập hiến, – thế thì chúng ta không có quyền nói rằng việc của chúng ta không phải là tự giác tổ chức hành động đang tự phát chín mùi.
Nhưng chúng ta chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang như thế nào, góp phần vào sự thắng lợi của nó như thế nào ?
Hành động hồi tháng Chạp đã chứng tỏ rằng những người dân chủ - xã hội chúng ta, ngoài tất cả những sai lầm khác ra, còn phạm một sai lầm lớn đối với giai cấp vô sản ; chúng ta không chăm lo, hoặc không chăm lo mấy, đến việc vũ trang cho công nhân và tổ chức những đội quân đỏ. Các bạn hãy nhớ lại hồi tháng Chạp? Ai lại không nhớ rằng nhân dân sôi sục, sẵn sàng chiến đấu ở Ti-phơ-lít-xơ, ở Tây Cáp-Ca-dơ, ở Nam nước Nga, Ở Xi-bi-ri, ở Mát-xcơ-va, ở Pê-téc-bua, ở Ba-cu ? Tại sao chế độ chuyên chế lại giải tán được quá dễ dàng nhân dân đang tức giận ? Có thật phải vì nhân dân còn chưa tin chắc vào tình trạng hủ bại của chính phủ Nga hoàng không ? Đúng là không phải! Vậy thì tại Sao ?
Trước hết, vì nhân dân không có hay có ít vũ khí : dù có giác ngộ đến mấy đi nữa cũng không thể nào tay không chống lại đạn được! Đúng, có thể khiến trách chúng ta một cách có lý rằng : các anh bảo đưa tiền cho các anh, nhưng vũ khí thì không thấy đâu cả. Hai là, vì chúng ta không có những đội quân đỏ được huấn luyện kỹ càng có khả năng dẫn dắt những người khác dùng vũ khí để đoạt lấy vũ khí và vũ trang nhân dân: trong cuộc chiến đấu ở đường phố, nhân dân là một vị anh hùng, nhưng nếu nó không được các người anh em của nó tay cầm vũ khí dẫn dắt và làm gương cho nó, thì nó có thể biến thành một đám đông ô hợp.
Ba là, vì khởi nghĩa có tính chất rời rạc không có tổ chức. Khi Mát-xcơ-va chiến đấu ở các chiến lũy thì Pê-téc-bua vẫn nằm im. Ti-phơ-lít-xơ và Cu-tai chuẩn bị tấn công khi mà Mát-xcơ-va đã bị « khuất phục » rồi. Xi-bi-ri đã cầm vũ khí khi mà miền Nam và những người dân ở Lét-tô-ni đã bị « đánh bại » rồi. Như thế có nghĩa là, trong lúc khởi nghĩa giai cấp vô sản đang đấu tranh đã ở trong tình trạng bị chia nhỏ thành từng nhóm riêng rẽ, cho nên nó đã bị chính phủ « đánh bại một cách tương đối dễ dàng ».
Thứ tư là, vì cuộc khởi nghĩa của chúng ta giữ theo một chính sách phòng ngự chứ không phải chính sách tấn công. Cuộc khởi nghĩa hồi tháng Chạp đã bị chính bản thân chính phủ kích lên, chính bản thân chính phủ đã tấn công chúng ta ; nó có kế hoạch của nó, còn chúng ta thì bị nó tấn công bất ngờ , chúng ta không có kế hoạch chu đáo, chúng ta buộc phải giữ theo một chính sách tự vệ và như vậy là chúng ta lâm vào bước phải theo đuôi các sự biến. Nếu ngay từ đầu, dân chúng Mát-xcơ-va chọn lấy chính sách tấn công thì họ sẽ tức khắc chiếm đóng nhà ga Ni-cô-la-ép-ski, chính phủ sẽ không thể điều quân từ Pê-téc-bua đến Mát-xcơ-va và như thế khởi nghĩa sẽ giữ được lâu hơn, điều này sẽ có ảnh hưởng tốt đến các thành phố khác. Đối với những người ở xứ Lét-tô-ni cũng phải nói như thế : nếu ngay từ đầu, họ đã lựa chọn chính sách tấn công, thì họ sẽ tức khắc chiếm lấy các khẩu đại bác và ắt đã đánh tan được lực lượng của chính phủ.
Không phải Mác nói không có lý rằng :
« Một khi khởi nghĩa đã bắt đầu thì phải hành động hết sức kiên quyết và chuyển sang tấn công. Phòng ngự là sự tiêu vong đối với mọi cuộc khởi nghĩa vũ trang... Phải tấn công kẻ địch vào lúc nó bất ngờ, khi quân đội của nó còn phân tán ; hàng ngày phải đạt cho được những thắng lợi mới dù là những thắng lợi bé nhỏ ; phải giữ vững cái ưu thế về tinh thần đã đạt được do cuộc thắng lợi đầu tiên của những người khởi nghĩa ; phải lôi kéo những phần tử do dự luôn luôn ngả về phía những người mạnh hơn và luôn luôn đứng về phía đáng tin cậy nhất ; phải buộc kẻ địch lùi bước trước khi nó có thể tập hợp được lực lượng để chống lại các anh. Tóm lại, hãy hành động như những lời dạy của Đăng-tông, người thầy vĩ đại nhất về sách lược cách mạng mà chúng ta đều biết : Dũng cảm, dũng cảm nữa, luôn luôn dũng cảm » (xem Các Mác : lược khảo lịch sử, tr. 95).
Cuộc khởi nghĩa hồi tháng Chạp đã thiếu mất chính cái « dũng cảm » đó, cái chính sách tấn công đó. .
Người ta sẽ bảo chúng ta : đó không phải là tất cả nguyên nhân của sự « thất bại » hồi tháng Chạp, các anh quên rằng hồi tháng Chạp nông dân không đoàn kết được với giai cấp vô sản, và đó cũng là một trong những nguyên nhân chính về sự lùi bước hồi tháng Chạp. Điều đó hoàn toàn đúng và chúng ta tuyệt nhiên không có ý định bỏ quên điều đó. Nhưng tại sao nông dân lại không đoàn kết được với giai cấp vô sản, nguyên nhân của nó là gì ? Người ta sẽ bảo chúng ta : vì thiếu giác ngộ. Được, nhưng chúng ta phải làm thế nào để biến nông dân thành người giác ngộ ? Bằng cách phát hành sách chăng ? Như thể hiển nhiên là chưa đủ! Vậy thì làm thế nào ? Bằng đấu tranh, đồng thời lôi cuốn. họ vào cuộc đấu tranh và hướng dẫn họ trong khi đấu tranh. Ngày nay thành thị có nhiệm vụ lãnh đạo nông thôn và công nhân có nhiệm vụ lãnh đạo nông dân. Nếu công việc khởi nghĩa không được tổ chức ở các thành thị thì không bao giờ nông dân sẽ đi chiến đấu bên cạnh giai cấp vô sản tiên phong.
Sự thực là như thế đấy.
Từ đó người ta thấy rõ đại hội phải có thái độ như thế nào đối với khởi nghĩa vũ trang, phải đưa ra cho các đồng chí trong đảng những khẩu hiệu như thế nào. Trong đảng, công tác vũ trang còn thiếu sót, cho đến lúc đó người ta vẫn không chú ý đến nó. Vậy đại hội phải nói với đảng: các đồng chí hãy tự vũ trang đi; hãy chú ý hơn nữa đến vũ trang để khi hành động cách mạng xảy tới, chúng ta sẽ đón tiếp nó một cách đã có ít nhiều chuẩn bị.
Chúng ta hãy bàn tiếp. Việc đảng tổ chức ra những đội vũ trang còn thiếu sót. Đảng không chăm lo đầy đủ đến việc tăng gấp bội những đội quân đỏ. Vậy đại hội phải nói với đảng: các đồng chí hãy thành lập những đội quân đỏ, hãy truyền bá những kiến thức quân sự trong nhân dân, hãy chú ý hơn nữa đến việc tổ chức những đội quân đỏ, để sau này chúng ta có thể dùng vũ khí để đoạt lấy vũ khí và mở rộng cuộc khởi nghĩa.
Chúng ta hãy bàn tiếp. Khi cuộc khởi nghĩa hồi tháng Chạp xảy ra thì giai cấp vô sản bị phân tán, không ai nghiêm túc nghĩ đến việc tổ chức khởi nghĩa cả. Vậy đại hội phải đề ra cho đảng khẩu hiệu kiên quyết tiến hành tập hợp những phần tử chiến đấu, phát động họ hành động theo một kế hoạch thống nhất, tổ chức tích cực cuộc khởi nghĩa vũ trang.
Chúng ta lại bàn tiếp. Cho đến nay trong cuộc khởi nghĩa vũ trang, giai cấp vô sản đã bám lấy chính sách phòng ngự, không bao giờ nó theo chính sách tấn công, và đó là điều đã ngăn cản khởi nghĩa thắng lợi. Vậy đại hội phải báo cho các đồng chí trong đảng biết giờ phút thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã đến và cần phải chuyển sang chính sách tấn công.
Đại hội đã làm gì và đã đề ra cho đảng những khâu hiệu gì ?
Đại hội tuyên bố rằng «…. trong giờ phút hiện tại, nhiệm vụ chủ yếu của đảng là phát triển cuộc cách mạng bằng cách mở rộng và tăng cường công tác tuyên truyền trong những tầng lớp rộng lớn của giai cấp vô sản, của nông dân, của giai cấp tiểu tư sản thành thị và trong quân đội ; là lôi cuốn họ vào cuộc đấu tranh tích cực chống lại chính phủ bằng sự can dự thường xuyên của đảng dân chủ - xã hội và của giai cấp vô sản mà đảng đó lãnh đạo, vào tất cả những biểu hiện trong đời sống chính trị của đất nước... » Đảng « không thể gánh lấy nghĩa vụ bảo đảm vũ trang nhân dân, điều đó sẽ gây nên những hy vọng hão huyền ; đảng phải tự hạn chế ở việc giúp đỡ nhân dân tự vũ trang lấy, ở việc tổ chức và vũ trang những nhóm chiến đấu.... » « Đảng có nhiệm vụ phản đối tất cả những mưu toan lôi cuốn giai cấp vô sản vào một cuộc xung đột vũ trang khi những điều kiện không được thuận lợi... » v.v.,v..v... , (xem nghị quyết của đại hội).
Do đó nên ngày nay, trong lúc này, khi mà chúng ta đang ở vào đêm trước của một hành động mới của nhân dân, điều quan trọng hơn cả để cho cuộc khởi nghĩa được thắng lợi, là công tác tuyên truyền. Còn công tác vũ trang và tổ chức những đội quân đó là những việc không trọng yếu, không nên đề cho những việc đó mê hoặc chúng ta, và về phương diện đó chúng ta phải « hạn chế » hành động của chúng ta ở một sự « giúp đỡ » thôi. Còn vấn đề cần thiết phải tổ chức khởi nghĩa chứ không phải tiến hành khởi nghĩa một cách tản mạn, vấn đề cần thiết phải có một chính sách tấn công (các bạn hãy nhớ lại những câu của Mác), thì đại hội không nói đến một lời nào cả. Rõ ràng đối với đại hội, những vấn đề đó không quan trọng.
Sự thực chứng minh : hãy tự vũ trang và hãy tăng cường bằng mọi cách những đội quân đỏ, thì đại hội trả lời : đừng để cho việc vũ trang và tổ chức các đội quân đỏ mê hoặc thái quá ; về phương diện đó « hãy hạn chế » hành động của các anh lại, vì cái chủ yếu là công tác tuyên truyền.
Nói như thể làm cho người ta tưởng rằng cho đến nay tựa hồ chúng ta quá chăm lo đến việc vũ trang, chúng ta đã vũ trang được đông đảo các đồng chí, đã tổ chức được nhiều đội quân, nhưng đã lãng quên công tác tuyên truyền ! Thế là đại hội lên lớp chúng ta : Hãy thôi đừng tự vũ trang nữa, hãy thôi chăm lo đến việc đó ; nhiệm vụ chính, như các anh thấy đấy, là công tác tuyên truyền!
Đương nhiên, công tác tuyên truyền bao giờ và lúc nào cũng là một trong những vũ khí chủ yếu của đảng nhưng có phải công tác tuyên truyền sẽ quyết định sự thắng lợi của khởi nghĩa sắp tới không ? Nếu cách đây bốn năm, khi khởi nghĩa chưa phải được để lên trong chương trình nghị sự ở ta, mà đại hội nói như thế thì còn có thể hiểu được. Nhưng ngày nay chúng ta đang vào đêm trước của cuộc khởi nghĩa vũ trang, khi khởi nghĩa đã được đề lên trong chương trình nghị sự, khi mà nó có thể nổ ra bất chấp ý chí của chúng ta, - thì người ta có thể « chủ yếu » làm được gì với công tác tuyên truyền, người ta có thể đạt đến cái gì với công tác tuyên truyền ?
Lại hoặc giả là: hãy cứ cho rằng chúng ta đã mở rộng tuyên truyền, hãy cứ cho rằng nhân dân đã được tuyên truyền mà nổi dậy, và sau đó thì sao ? Có thể nào đấu tranh mà không có vũ khí được không ? Người ta há đã chẳng làm cho máu của nhân dân tay không vũ khí chảy quá nhiều rồi sao ? Mặt khác, cần gì đưa vũ khí cho nhân dân nếu họ không biết cách sử dụng, nếu họ không có đủ số đội quân đỏ ? Người ta sẽ bảo chúng ta : Chúng tôi không phản đối vũ trang và những đội quân đỏ. Được rồi, nhưng nếu các anh không chú ý đầy đủ đến công tác vũ trang, nếu các anh lơ là công tác đó như thế có nghĩa là trên thực tế các anh phản đối công tác đó rồi.
Có cần phải nói rằng đại hội đã không nói một lời nào đến việc tổ chức khởi nghĩa và đến chính sách tấn công không ? Không thể nào làm khác thế được vì nghị quyết của đại hội lạc hậu hơn cuộc sống đến bốn hoặc năm năm và vì đối với đại hội, khởi nghĩa vẫn còn là một vấn đề lý luận.
Về vấn đề này, tại đại hội, những ng trời bôn-sê-vích đã nói gì ?
Những người bôn-sê-vích đã nói rằng : « ... công tác tuyên truyền và cổ động của đảng, cần phải là Ng tăng cường chú ý đến việc nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của khởi nghĩa tháng Chạp, đến việc phê phán nó về mặt quân sự và đến những bài học trực tiếp rút ra từ cuộc khởi nghĩa đó cho tương lai », « cần ra sức hoạt động mạnh bạo hơn nữa để tăng thêm số nhóm chiến đấu, để cải tiến việc tổ chức của những nhóm đó và để cung cấp cho nó mọi loại vũ khí ; hơn nữa như kinh nghiệm đã dạy chúng ta, cần tổ chức không những những nhóm chiến đấu của đảng, mà cả những nhóm gần gũi với đảng hay ngoài đảng nữa... » ; « trước sự tiến bộ của phong trào nông dân mà trong tương lai rất gần đây có thể dẫn đến một cuộc bùng nổ, đến một cuộc khởi nghĩa thực sự, cần phải hướng sự cố gắng của chúng ta vào việc phối hợp những hành động của công nhân và nông dân để nếu có thể thì tổ chức những cuộc chiến đấu phối hợp và đồng loạt », do đó, « vì một cuộc khủng hoảng chính trị mới ngày càng to lớn và trầm trọng thêm, nên có khả năng chuyển từ những hình thức phòng ngự của cuộc đấu tranh vũ trang sang những hình thức tấn công…» , cần phải cùng với binh sĩ « hành động tấn công kiên quyết chống lại chính phủ …» v.v… (xem nghị quyết của những người phú» bôn-sê-vích).
Những người bôn-sê-vích đã nói như thế đó.
Nhưng lập trường của họ đã không được đại hội tán thành.
Sau những điều như thế thì cũng là hiểu vì sao những nghị quyết của đại hội đã được những người dân chủ lập hiến tự do hết sức hoan nghênh (xem Đời sống của chúng ta, số 432): họ hiểu rằng những nghị quyết đó lạc hậu hơn cuộc cách mạng hiện tại nhiều năm ; rằng những nghị quyết đó không hề phản ánh nhiệm vụ của giai cấp vô sản ; rằng những nghị quyết đó nhằm làm cho giai cấp vô sản biến thành cái đuôi của phái tự do chứ không phải là một lực lượng độc lập. Họ hiểu tất cả những điều đó và vì thế họ hết lòng ca ngợi những nghị quyết đó.
Nhiệm vụ của các đồng chí trong đảng là xem xét có phê phán những nghị quyết đó của đại hội và, vào lúc thích hợp, đưa lại những điều sửa đổi cần thiết. Chính đó là nhiệm vụ mà chúng tôi đã nhìn thấy, khi bắt đầu viết cuốn sách này.
Đúng là ở đây chúng tôi đã chỉ xem xét có hai nghị quyết thôi: « Về thái độ đối với Đu-ma Nhà nước » và « Về khởi nghĩa vũ trang », nhưng cả hai nghị quyết đó đều là những nghị quyết căn bản, những nghị quyết thể hiện rõ hơn cả lập trường sách lược của đại hội.
Chúng ta đã đi đến kết luận chính của chúng ta ; chúng ta thảy rằng trong đảng vấn đề được đặt ra theo cách sau đây : giai cấp vô sản giác ngộ có cần phải nắm quyền lãnh đạo trong cuộc cách mạng hiện nay không, hay là nó cần phải đi theo đuôi những người dân chủ tư sản không ?
Chúng ta thấy rằng việc giải quyết các vấn đề khác đều tùy thuộc ở cách giải quyết vấn đề này như thế nào. Các đồng chí chúng ta tất phải cân nhắc cẩn thận thực chất của hai lập trường này.
Theo đúng cuốn sách do Nhà xuất bản « Vô sản »
phát hành năm 1906
Ký tên: Đồng c hi K.
Nhận xét
Đăng nhận xét