Trả lời tở Người dân chủ xã hội, 15 tháng Tám 1905


Trước hết tôi phải xin lỗi bạn đọc vì đã chậm trả lời. Nhưng làm thế nào được ? Hoàn cảnh đã bắt buộc tội phải công tác ở một lĩnh vực khác khiến tôi phải chậm trả lời ; chúng tôi không tự mình làm chủ được mình, bạn đọc cũng biết rõ như thế.

Tôi cũng cần phải nói lên điều này nữa : nhiều người tưởng rằng cuốn: Nói vắn tắt về những sự bất đồng trong đảng là của Ban chấp hành Liên minh viết ra chứ không phải của chỉ có một người. Tôi phải tuyên bố rằng cuốn đó là do tôi viết ra. Ban chấp hành Liên minh chỉ xuất bản nó mà thôi.

Và bây giờ chúng ta đi vào vấn đề.

Đối phương kết tội tôi « không nhìn thấy đối tượng của cuộc tranh luận », « lẩn tránh các vấn đề » ; ông ta cho rằng « điều tranh chấp là những vấn đề tổ chức chứ không phải những vấn đề cương lĩnh » (tr. 2).

Chỉ cần có năng lực quan sát một chút thôi cũng đủ thấy được sự sai trái trong những lời khẳng định của tác giả. Thật thế, cuốn sách của tôi là một sự trả lời cho số đầu tiên của tờ Người dân chủ - xã hội ; khi xuất bản số hai của tờ Người dân chủ - xã hội thì cuốn sách đã được đưa in. Trong số đầu tiên tác giả đã nói gì ? Chỉ nói rằng « phái đa số » đã đi vào con đường chủ nghĩa duy tâm và lập trường của phái đó « căn bản trái với chủ nghĩa Mác ». Ở đó không có một chữ nào nói đến những vấn đề tổ chức. Tôi đã phải trả lời như thể nào ? Tôi đã trả lời rằng « phái đa số » đứng trên lập trường của chủ nghĩa Mác chân chính, và nếu « phái thiểu số » không hiểu điều đó thì chính là vì bản thân « phái thiểu số » đã xa rời chủ nghĩa Mác chân chính. Bất cứ ai hiểu đôi chút về cuộc luận chiến đều làm như thế. Nhưng tác giả đã chỉ nhắc đi nhắc lại: tại sao anh không nói gì đến những vấn đề tổ chức ? Nhà triết học đáng kính, nếu tôi không nói gì đến những vấn đề đó cả chính là vì cho đến ngày đó ngài đã không đả động gì đến nó cả. Làm thế nào mà lại có thể trả lời những vấn đề còn chưa được đặt ra ? Rõ ràng « những vấn đề bị lẩn tránh », « đối tượng cuộc tranh luận bị ỉm đi », v.v., chỉ là những điều tác giả bịa đặt ra mà thôi. Ngược lại, tôi có mọi lý do để tin rằng chính tác giả ỉm đi một số vấn đề nào đó. Ông ta tuyên bố rằng « điều tranh chấp là những vấn đề tổ chức », vậy mà giữa chúng ta cũng có những bất đồng về sách lược còn quan trọng hơn nhiều so với những bất đồng về tổ chức. Thế nhưng « nhà phê bình của chúng ta không nói một lời nào về những điều đó trong cuốn sách của mình cả. Đó đúng là cái được gọi là « lẩn tránh những vấn đề ».

Trong cuốn sách của tôi đã nói gì ?

Cuộc sống xã hội ngày nay đã được tổ chức theo phương thức tư bản chủ nghĩa. Có hai giai cấp lớn : giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, đã tiến hành một cuộc đấu tranh sống mới với nhau. Điều kiện sống của giai cấp tư sản buộc họ phải củng cố chế độ tư bản chủ nghĩa. Điều kiện sống của giai cấp vô sản buộc họ phải đánh đổ chế độ đó đi, phải phá hủy nó đi. Tương ứng với hai giai cấp đó được sáng tạo ra hai loại ý thức : ý thức tư sản và ý thức xã hội chủ nghĩa. Ý thức xã hội chủ nghĩa thích hợp với địa vị của giai cấp vô sản. Bởi thế cho nên giai cấp vô sản lấy ý thức này làm ý thức của mình, thấm nhuần nó và nỗ lực đấu tranh gấp bội chống chế độ tư bản chủ nghĩa. Có cần phải nói rằng, nếu không có chủ nghĩa tư bản, không có đấu tranh giữa các giai cấp, thì cũng sẽ không có ý thức xã hội chủ nghĩa, không ? Nhưng hiện nay vấn đề là xem ai sáng tạo ra, ai có thể sáng tạo ra cái ý thức xã hội chủ nghĩa đó (tức là chủ nghĩa xã hội khoa học). Cau-ski nói, và tôi lấy lại ý đó, – rằng quần chúng vô sản chừng nào vẫn còn là những người vô sản thì không có thì giờ và không có khả năng sáng tạo ra một ý thức xã hội chủ nghĩa được. Cau-ski nói: « Ý thức xã hội chủ nghĩa ngày nay chỉ có thể có được trên cơ sở một sự hiểu biết khoa học sâu sắc ». Thế mà những người đại diện cho khoa học là những người trí thức như Mác, Ăng-ghen và những người khác nữa, họ có thì giờ và có khả năng đạt đến đỉnh khoa học và sáng tạo ra ý thức xã hội chủ nghĩa. Hiển nhiên là việc sáng tạo ra ý thức xã hội chủ nghĩa là công trình của một số ít những người trí thức dân chủ - xã hội có thì giờ và khả năng cần thiết.

Nhưng bản thân ý thức xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa quan trọng gì nếu nó không được truyền bá trong giai cấp vô sản ? Nó chẳng qua sẽ chỉ là một câu rỗng tuếch mà thôi! Nhưng sẽ hoàn toàn khác nếu ý thức đó được truyền bá trong giai cấp vô sản : giai cấp này sẽ nhận thức rõ địa vị của họ và sẽ tiến nhanh đến cuộc sống xã hội chủ nghĩa. Chính đó là lúc cần có đảng dân chủ xã hội (chứ không phải chỉ có những người trí thức dân chủ - xã hội), đảng đó đem ý thức xã hội chủ nghĩa vào trong phong trào công nhân. Đó là điều mà Cau-ski nghĩ đến khi nói rằng « ý thức xã hội chủ nghĩa là một yếu tố từ bên ngoài đưa vào cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản ».

Như vậy ý thức xã hội chủ nghĩa là do một số ít người trí thức dân chủ - xã hội sáng tạo ra. Ý thức đó được đảng dân chủ - xã hội nói chung đưa vào trong phong trào công nhân và làm cho cuộc đấu tranh tự phát của giai cấp vô sản có được tính chất tự giác.

Đó chính là vấn đề được nói đến trong cuốn sách của tôi. Đó là lập trường của chủ nghĩa Mác và cũng là lập trường của « phái đa số ».

Đối phương của tôi phản đối điều đó như thế nào ? Nói thực ra không có gì là trọng đại cả. Ông ta chăm chú đến chửi rủa nhiều hơn là làm sáng tỏ vấn đề. Ông ta có vẻ tức giận lắm! Ông ta không dám công khai đề ra những vấn đề, không trả lời thẳng vào những vấn đề ; nhưng viên « danh tướng » non gan đó lẩn tránh ngay cả đối tượng của cuộc tranh luận, làm lu mờ một cách giả dối những vấn đề đã được đặt ra một cách rõ ràng và, hơn nữa, quả quyết rằng : tôi đã làm sáng tỏ toàn bộ các vấn đề như trở bàn tay ! Chính vì thế mà tác giả hoàn toàn không đề cập đến việc sáng tạo ra ý thức xã hội chủ nghĩa, ông ta không dám nói thẳng ra rằng trong vấn đề đó mình đứng về phía nào: phía Cau-ski hay phía « những người kinh tế chủ nghĩa ». Đúng là trong số đầu tiên của tờ Người dân chủ xã hội nhà phê bình của chúng ta đã có những lời tuyên bố khá cả gan: khi đó ông ta dứt khoát nói theo ngôn ngữ của « những người kinh tế chủ nghĩa ». Nhưng làm thế nào được ? Lúc đó ông ta nói một việc ; bây giờ ông ta « đã có một tâm tính khác » và đáng lẽ phải phê bình, ông ta lảng tránh vấn đề, có lẽ vì đã nhận ra sai lầm nhưng lại không dám công khai thừa nhận sai lầm. Tóm lại, tác giả của chúng ta lâm vào cảnh bế tắc. Ông ta không biết được nên đứng về phía nào. Nếu đi theo « những người kinh tế chủ nghĩa » thì ông ta sẽ phải đoạn tuyệt với Cau-ski và chủ nghĩa Mác ; nhưng ông ta không thấy có lợi trong việc đó ; nếu đoạn tuyệt với « chủ nghĩa kinh tế » và đi theo Cau-ski thì ông ta cần thiết phải tán đồng theo ý phái đa số, nhưng ông ta không đủ can đảm làm như thế. Cái đó làm cho ông ta lâm vào cảnh bế tắc. « Nhà phê bình » của chúng ta còn gì để làm nữa ? Tốt hơn hết là không nói gì cả, ông ta định thế : và quả thật, ông ta hèn nhát ỉm vấn đề được đặt ra ở trên kia.

Tác giả nói gì về việc du nhập ý thức ?

Ở vấn đề đó nữa, ông ta cũng tỏ ra do dự như thế, nhút nhát như thế. Ông ta lẩn tránh vấn đề và tuyên bố một cách rất chững chạc : Cau-ski hoàn toàn không nói rằng « những người trí thức đem chủ nghĩa xã hội từ bên ngoài vào giai cấp công nhân » (tr. 7).

Hay lắm, nhưng chúng tôi, những người bôn-sê-vích, cũng không nói như thế, « ngài phê bình » ạ ; hà tất ngài phải đánh nhau với những cối xay gió ? Làm thế nào mà ngài lại đi đến chỗ không hiểu được rằng, theo chúng tôi, theo những người bôn-sê-vích, thì chính đảng dân chủ - xã hội đưa ý thức xã hội chủ nghĩa vào trong phong trào công nhân, chứ không phải chỉ có những người trí thức dân chủ - xã hội ? Tại sao ngài lại nghĩ rằng đảng dân chủ - xã hội chỉ gồm toàn những người trí thức ? Ngài không biết rằng trong hàng ngũ đảng dân chủ - xã hội có nhiều công nhân tiên tiến hơn những người trí thức sao ? Những người công nhân dân chủ - xã hội há lại không có thể đưa ý thức xã hội chủ nghĩa vào trong phong trào công nhân sao ?

Tác giả thấy rõ « lập luận » của mình đuối lý và ông ta chuyển sang một « lập luận khác ».

« Nhà phê bình » của chúng ta nói tiếp: « Cau-ski đã từng viết rằng : « Đồng thời với sự phát sinh ra giai cấp vô sản, thì ở những người vô sản và những người tán thành theo quan điểm của giai cấp vô sản cũng tất nhiên sẽ phát sinh khuynh hướng xã hội chủ nghĩa ; sự phát sinh khuynh hướng xã hội chủ nghĩa cần được giải thích như vậy » , « Nhà phê bình » của chúng ta tiếp tục bình luận : « Từ đó rút ra kết luận là chủ nghĩa xã hội không phải được đưa từ ngoài vào giai cấp vô sản, mà ngược lại, chủ nghĩa đó do từ giai cấp vô sản mà ra và đi vào đầu óc những ai tán thành những quan điểm của giai cấp vô sản » (Trả lời Ban chấp hành Liên minh, tr. 8).

« Nhà phê bình » của chúng ta, người tự cho là đã làm sáng tỏ vấn đề, - nói như thế đó! Câu của Cau-ski có nghĩa như thế nào ? Chỉ có nghĩa là khuynh huớng xã hội chủ nghĩa tự nhiên phát sinh ra ở trong giai cấp vô sản. Và điều đó đương nhiên là đúng. Cuộc tranh luận của chúng ta không phải là về khuynh hướng xã hội chủ nghĩa mà về ý thức xã hội chủ nghĩa! Có cái gì giống nhau giữa cái này và cái kia ? Phải chăng ý thức và khuynh hướng đều cùng là một cái duy nhất mà thôi ? Có thật tác giả không thể phân biệt « khuynh hướng xã hội chủ nghĩa » với « ý thức xã hội chủ nghĩa » không ? Nếu từ câu của Cau-ski mà đi đến kết luận « chủ nghĩa xã hội không phải từ ngoài đưa vào » thì chẳng là nghèo nàn về tư tưởng sao ? « Giữa sự phát sinh ra khuynh hướng xã hội chủ nghĩa » và « việc du nhập ý thức xã hội chủ nghĩa » có điểm gì là giống nhau không ? Cũng Cau-ski đó chẳng đã nói rằng « ý thức xã hội chủ nghĩa là một yếu tố từ bên ngoài đưa vào cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản » sao ? (Xem Làm gì ?, tr. 27.)

Rõ ràng tác giả tự cảm thấy ở trong một tình thế đáng buồn cho nên để kết thúc ông ta buộc phải thêm : « Từ câu trích dẫn của Cau-ski người ta quả thật có thể kết luận rằng ý thức xã hội chủ nghĩa được đưa từ bên ngoài vào cuộc đấu tranh giai cấp » (Xem Trả lời Ban chấp hành Liên minh, tr.7). Nhưng ông ta không dám thẳng thắn thừa nhận cái chân lý khoa học đó. Đứng trước cái lô-gích, người men-sê-vích của chúng ta, ở đây nữa, cũng tỏ ra do dự và nhút nhát như trên kia.

Đó là « câu trả lời » mập mờ mà « ngài phê bình » đưa ra để giải đáp hai vấn đề chủ yếu.

Còn những vấn đề nhỏ khác rút ra một cách lô-gích từ hai vấn đề lớn đó thì thế nào ? Có lẽ tốt nhất là bạn đọc tự mình đem so sánh cuốn sách của tôi với cuốn của tác giả!. Chỉ còn một vấn đề cần phải xem xét nữa thôi. Nếu nghe theo tác giả thì có thể kết luận rằng chúng tôi cho là « sở dĩ có phân liệt là vì đại hội... đã không chỉ định Ác-xen-rốt, Da-xu-lít-sơ và Sta-rô-ve làm biên tập... » (Trả lời, tr. 13); (do đó chúng tôi) phủ nhận sự phân liệt, chúng tôi lấp liếm tình trạng sâu sắc về nguyên tắc của sự phân liệt đó và trình bày toàn bộ hoạt động của phái đối lập như là công trình của ba biên tập viên « loạn đảng » ». (Trả lời, tr 16).

Ở vấn đề đó nữa, tác giả cũng làm rối tung cả lên. Sự thật là ở đây được đặt ra hai câu hỏi : nguyên nhân sự phân liệt và hình thức biểu hiện của những sự bất đồng.

Tôi trả lời rõ ràng câu hỏi thứ nhất: Bây giờ người ta thấy rõ những mối bất đồng trong đảng đã xuất hiện trên cơ sở nào. Hiển nhiên là trong đảng ta nẩy ra hai xu hướng : xu hướng có tính kiên định của giai cấp vô sản và xu hướng có tính dao động của những phần tử trí thức. Và « phái thiểu số » hiện nay biểu hiện đúng cái tính dao động đó của những phần tử trí thức (xem Nói vắn tắt, tr. 46) . Như người ta thấy, ở đây tôi cắt nghĩa những mối bất đồng là do trong đảng có xu hướng của những phần tử trí thức và xu hướng của giai cấp vô sản chứ không phải do hành vi của Mác-tốp và Ác-xen-rốt. Hành vi của Mác-tốp và những người khác chẳng qua chỉ là biểu hiện của tính dao động của những phần tử tri thức. Những nhà men-sê-vích của chúng ta chắc đã không hiểu đoạn đó, trong cuốn sách của tôi.

Về câu hỏi thứ hai, thật ra tôi đã nói và luôn luôn tôi sẽ nói rằng các thủ lĩnh của « phái thiểu số » đã mếu khóc thút thít để được giao những « địa vị hàng dầu » và đúng là họ đã đem lại cái hình thức đó cho cuộc đấu tranh trong đảng. Tác giả của chúng ta không muốn thừa nhận điều đó. Nhưng sự thật là các thủ lĩnh « phái thiểu số » đã tẩy chay đảng, họ đã công khai đòi phải để cho họ những ghế ở trong Ban chấp hành trung ương, ở trong cơ quan báo trung ương, ở Hội đồng đảng, và ngoài ra họ còn tuyên bố : « Chúng tôi đặt những điều kiện đó như là những điều kiện duy nhất có thể bảo đảm cho đảng tránh khỏi một sự xung đột đe dọa ngay cả đến sự tồn tại của toàn đảng » (xem Bình luận, tr. 26). Như thế nghĩa là gì, nếu không phải các thủ lĩnh phái « thiểu số » đã viết trên lá cờ của họ không phải là : đấu tranh tư tưởng, mà là : « đấu tranh vì địa vị » ? Ai nấy đều biết rằng không ai ngăn cản họ tiến hành đấu tranh tư tưởng và đấu tranh cho những nguyên tắc cả. Những ng trời bôn-sê-vích há chẳng đã từng nói với họ: các anh hãy thành lập cơ quan riêng của các anh và hãy bảo vệ những ý kiến của các anh, đảng có thể cho phép các anh có cơ quan đó (xem Bình luận) ? Tại sao họ đã không chấp nhận nếu họ thật sự quan tâm đến những nguyên tắc chứ không phải đến những « địa vị hàng đầu » ?

Đó là cái mà chúng ta gọi là sự thiếu khí tiết chính trị của những thủ lĩnh men-sê-vích. Này các ngài, xin các ngài đừng giận nhé, nếu chúng tôi gọi đích danh các sự việc ra.

Mới đây các thủ lĩnh « phái thiểu số » còn thừa nhận cùng với chủ nghĩa Mác và với Lê-nin rằng ý thức xã hội chủ nghĩa được đưa từ bên ngoài vào phong trào công nhân (xem bài báo có tính cương lĩnh của tờ Tia. lửa, số 1). Nhưng sau đó, họ đã do dự và tiến hành đấu tranh chống Lê-nin, đem đốt cháy ngày hôm nay cái mà hôm qua họ còn tôn thờ. Tôi đã nói đó là lá mặt lá trái. Lần này nữa, đừng giận nhé, các ngài men-sê-vích.

Hôm qua các ngài đã nghiêng mình trước những cơ quan trung ương và các ngài đã nổi giận lên với chúng tôi : tại sao, – các ngài nói, – lại biểu thị sự không tin tưởng vào Ban chấp hành trung ương ? Nhưng hôm nay, các ngài đã phá không những các trung ương mà cả chế độ tập trung nữa (xem « Hội nghị toàn Nga lần thứ nhất »). Đó là cái mà tôi gọi là tính vô nguyên tắc và tôi hy vọng cả lần này nữa các ngài cũng đừng giận tôi nhé, các ngài men-sê-vích.

Nếu đem sự không có khí tiết chính trị, sự đấu tranh vì những địa vị, sự không kiên định, tính vô nguyên tắc và các đặc điểm khác gộp lại với nhau, người ta sẽ đi đến một đặc tính chung : tính dao động của giới trí thức, tính dao động này là bệnh mà các phần tử trí thức rất thường hay vướng phải nhất. Rõ ràng tính dao động của giới trí thức là miếng đất (là cơ sở) để cho « sự đấu tranh vì địa vị », « tính vô nguyên tắc », v. v., phát triển. Còn tính không kiên định của những người trí thức là do địa vị xã hội của họ tạo nên. Chúng tôi giải thích sự phân liệt trong đảng như vậy đấy. Cuối cùng, liệu ngài tác giả của chúng ta có hiểu được sự khác nhau giữa nguyên nhân với những hình thức của sự phân liệt không ? Tôi lấy làm ngờ lắm.

Đó là lập trường phi lý và mập mờ của tờ Người dân chủ - xã hội và của « nhà phê bình » kỳ quặc của nó, là người, trái lại, đã tỏ ra rất hăng hái trong một lĩnh vực khác. Trong tám tờ sách của mình, khi nói đến những người bôn-sê-vích, ông ta đã tìm cách nói láo được tám lần, và khiến người ta cười rộ. Các bạn không tin chăng ? Đây là những sự thật.

Lời dối láo thứ nhất. Theo tác giả, « Lê-nin muốn rút hẹp đảng lại, biến nó thành một tổ chức chật hẹp của những người chuyên nghiệp » (tr. 2). Thế nhưng Lê-nin nói: « Không nên nghĩ rằng các tổ chức của đảng chỉ nên bao gồm những người cách mạng chuyên nghiệp. Chúng ta cần có những tổ chức hết sức khác nhau, đủ mọi loại, đủ mọi màu sắc và từ những tổ chức vô cùng hẹp và bí mật cho đến cả những tổ chức khác rất rộng và rất tự do (Biên bản, tr. 240).

Lời dối láo thứ hai. Theo tác giả, Lê-nin cho rằng « chỉ đưa vào đảng những thành viên của Ban chấp hành » (tr. 2.). Thế nhưng Lê-nin nói: « Tất cả các tổ, nhóm , phân ban chấp hành, v.v., phải là những cơ quan phụ thuộc của Ban chấp hành hay là phân ban của Ban chấp hành. Một số các tổ chức đó sẽ tuyên bố thẳng là họ muốn gia nhập Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga và nếu được Ban chấp hành phê chuẩn thì được gia nhập đảng » (Xem « Thư gửi người đồng chí », tr, 17).

Lời dối láo thứ ba. Theo tác giả, « Lê-nin đòi hỏi phải thiết lập trong đảng sự thống trị của những phần tử trí thức » (tr. 5). Thế nhưng Lê-nin nói : « Trong điều kiện cho phép, Ban chấp hành phải bao gồm tất cả những lãnh tụ chủ yếu, xuất thân là công nhân, của phong trào công nhân » (xem « Thư gửi người đồng chí , tr. 7 – 8), nghĩa là không những trong tất cả các tổ chức khác, mà cả trong Ban chấp hành, số phiếu của công nhân tiên tiến cũng phải chiếm số đông.

Lời dối láo thứ tư. Tác giả nói rằng câu trích dẫn in ở trang 12 trong cuốn sách của tôi : « Giai cấp công nhân hướng theo chủ nghĩa xã hội một cách tự phát , v.v., « là hoàn toàn bịa đặt ra » (tr. 6). Thế nhưng đoạn đó, tôi chỉ lấy và diễn dịch ở cuốn Làm gì ? ra mà thôi. Sau đây là điều người ta đọc được ở trang 29: « Giai cấp công nhân hướng theo chủ nghĩa xã hội một cách tự phát, nhưng hệ tư tưởng tư sản phổ biến nhất (và luôn luôn sống lại dưới những hình thức rất khác nhau) vẫn còn là hệ tư tưởng chi phối người ta, nhất là công nhân, một cách tự phát ». Đó là đoạn được diễn dịch ra ở trang 12 trong cuốn sách của tôi. Đó là điều mà « nhà phê bình » của chúng ta gọi là một câu trích dẫn bịa đặt! Tôi không biết nên gọi đó là sự đãng trí của tác giả hay là một thủ đoạn cố ý bịp bợm.

Lời dối láo thứ năm. Theo tác giả, « Lê-nin không hề nói ở đâu cả rằng công nhân « tự nhiên cần phải » đi đến chủ nghĩa xã hội » (tr. 7). Thế nhưng Lê-nin nói giai cấp công nhân hướng theo chủ nghĩa xã hội một cách tự phát » (Làm gì ?, tr. 29).

Lời dối láo thứ sáu. Tác giả gán cho tôi cái ý kiến cho rằng « chủ nghĩa xã hội được những người trí thức đưa từ bên ngoài vào giai cấp công nhàn » (tr. 7). Nhưng tôi nói rằng chính đảng dân chủ - xã hội (chứ không phải chỉ có những ng trời trí thức dân chủ - xã hội) là người đưa ý thức xã hội chủ nghĩa vào trong phong trào (tr. 18).

Lời dối láo thứ bảy. Theo tác giả, Lê-nin nói rằng hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa được xuất hiện một cách « hoàn toàn đối lập với phong trào công nhân » (tr. 9). Nhưng hiển nhiên là Lê-nin không bao giờ thoáng có ý nghĩ đó. Người nói hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa được xuất hiện « một cách hoàn toàn độc lập đối với sự phát triển và tự phát của phong trào công nhân » (Làm gì ?, tr. 21).

Lời dối láo thứ tám. Tác giả nói lời tôi khẳng định rằng « Pơ-le-kha-nốp rời bỏ « phái thiểu số » chỉ là một « sự nhảm nhí ». Nhưng những lời nói của tôi đã được chứng thực. Pơ-lê-kha-nốp đã rời bỏ « phái thiểu số » rồi...

Tôi không nói đến những lời dối láo nhỏ bé mà tác giả đã nhã ý gia vị rất nhiều cho cuốn sách của tôi. Nhưng phải thừa nhận rằng tác giả dù sao cũng đã nêu lên một sự thật, một sự thật duy nhất. Tác giả bảo chúng ta rằng « khi một tổ chức bắt đầu bận tâm đến những lời nhảm nhí thì ngày mạt vận của nó không còn bao lâu nữa » (tr, 15). Đương nhiên đó là chân lý thuần túy. Vấn đề là xem ai nói những chuyện nhảm nhí: tờ Người dân chủ - xã hội và người hiệp sĩ kỳ quái của nó, hay Ban chấp hành Liên minh ? Bạn đọc hãy phán đoán lấy.

Còn một vấn đề nữa, và chúng ta sẽ kết thúc ở đây: Tác giả tuyên bố một cách rất tuyên bác : « Ban chấp hành Liên minh trách cứ chúng tôi là lặp lại những ý kiến của Pơ-lê-kha-nốp. Còn chúng tôi, chúng tôi cho việc lặp lại những lời nói của những nhà mác-xít nổi tiếng như Pơ-lê-kha-nốp, Cau-ski và những người khác, là một ưu điểm » (tr. 15). Như vậy các ngài coi việc lập lại những lời của Pơ-lê-kha-nốp và Cau-ski là một ưu điềm. Rất hay, các ngài ạ. Như vậy, xin hãy nghe đây:

Cau-ski tuyên bố rằng « ý thức xã hội chủ nghĩa là một yếu tố tư bên ngoài đưa vào cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản, chứ không phải là một cái gì xuất hiện một cách tự phát » (xem đoạn này của Cau-ski, được dẫn ra ở cuốn Làm gì ?, tr. 27). Cũng Cau-ski đó đã nói rằng « nhiệm vụ của đảng dân chủ - xã hội là đưa vào giai cấp vô sản cái ý thức về địa vị của họ và ý thức về sứ mệnh của họ » (như trên). Thưa ngài men-sê-vích, chúng tôi hy vọng ngài sẽ lặp lại những lời nói đó của Cau-ski và sẽ làm tiêu tan những mối ngờ vực của chúng tôi.

Hãy nói sang Pơ-le-kha-nốp. Pơ-lê-kha-nốp nói: « ... Tôi cũng không hiểu nốt tại sao người ta lại nghĩ rằng dự án của Lê-nin, nếu được thông qua, sẽ ngăn cấm đông đảo công nhân vào đảng. Những công nhân muốn vào đảng sẽ không sợ vào một tổ chức. Kỷ luật không làm cho họ sợ. Chính nhiều người trí thức, nhiễm đầy chủ nghĩa cá nhân tư sản, mới sợ vào một tổ chức. Nhưng như thế là rất tốt. Những người cá nhân chủ nghĩa tư sản đó thường cũng là những người đại diện cho đủ loại chủ nghĩa cơ hội. Chúng ta phải tách xa họ khỏi chúng ta. Dự án của Lê-nin có thể là một hàng rào ngăn cản họ luồn lọt vào đảng, và chỉ nguyên điều đó cũng làm cho tất cả những người thù địch với chủ nghĩa cơ hội phải bỏ phiếu tán thành dự án đó ». (xem Biên bản, tr. 246).

Thưa « ngài phê bình », chúng tôi hy vọng rằng ngài sẽ vứt bỏ mặt nạ đi và sẽ lặp lại một cách thẳng thắn hoàn toàn vô sản những lời của Pơ-lê-kha-nốp.

Nếu không, điều đó sẽ có nghĩa là những lời tuyên bố của ngài trên báo chí là những lời không suy trước nghĩ sau và được đưa ra một cách không chút tinh thần trách nhiệm nào cả,

Báo « Đấu tranh của giai cấp vô sản », số 11,
ngày 15 tháng Tám 1905.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến