Về bài Xã luận của Ăng-ghen, 19 tháng Bảy 1934
Đồng chí Adoratsky đề xuất in trong số tiếp theo của tờ “Bolshevik”, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 cuộc Chiến tranh thế giới của Chủ nghĩa Đế quốc, một bài xã luận của Ăng-ghen, có tiêu đề “Chính sách đối ngoại của Sa hoàng nước Nga”, được xuất bản lần đầu tiên ở hải ngoại vào năm 1890. Tôi cho rằng đây là một vấn đề hoàn toàn bình thường nếu bài xã luận được in trong bộ sưu tập các bài viết của Ăng-ghen, hoặc là trong một tập san lịch sử; tuy nhiên đề xuất lại là in trong tuần báo chiến đấu “Bolshevik”, trong số xuất bản dành riêng cho đợt kỷ niệm lần thứ 20 cuộc Chiến tranh thế giới của Chủ nghĩa Đế quốc. Điều này có nghĩa những người đã đề xuất ra ý tưởng quyết định coi bài xã luận có điểm chưa hợp lý này như một bài xã luận sẽ đưa ra những sự hướng dẫn, hoặc chí ít là để lại một bài học sâu sắc cho Đảng của chúng ta, trong việc làm rõ những mâu thuẫn của Chủ nghĩa Đế quốc và các cuộc Chiến tranh Đế quốc. Nhưng bài xã luận của Ăng-ghen, với sự dễ dàng nhận ra từ nội dung, vô tình thiếu đi một vài điểm quan trọng, mặc cho sự xuất sắc của chính nó. Ngoài ra, bài xã luận còn có một số khuyết điểm mà nếu được xuất bản không đi kèm với lời chú thích phê bình, thì e rằng sẽ dẫn đến hiểu lầm cho người đọc. Do đó, tôi cho rằng thật không cần thiết phải xuất bản bài xã luận của Ăng-ghen trong số tiếp theo của tờ “Bolshevik”.
Vậy những khuyết điểm mà tôi nói tới là gì?
1. Mô tả chính sách cướp bóc của Chế độ chuyên chế Nga hoàng và chỉ ra một cách đúng đắn bản chất ghê tởm của chính sách này, ở đây Ăng-ghen đã giải thích không đầy đủ về “nhu cầu” quân sự-phong kiến-mậu dịch của giới thống trị Nga trong việc tìm lối thông ra biển, hải cảng, cho việc mở rộng ngoại thương và chiếm lĩnh các địa điểm chiến lược, cũng như hoàn cảnh mà ở đó những người đứng đầu chính sách đối ngoại của Nga, một nhóm những con người ưa phiêu lưu được cho là đầy quyền lực và tài năng, những người đã may mắn đạt được sự thành công ở mọi nơi và mọi lĩnh vực, những người đã xoay sở để vượt qua những trở ngại trên con đường thực hiện mục đích phiêu lưu của họ; những người lanh lợi đã đánh lừa các Chính phủ Châu Âu, và cuối cùng đưa nước Nga trở thành nhà nước quyền lực nhất về sức mạnh quân sự.
Cách xử lý câu hỏi như vậy của Ăng-ghen có vẻ như chưa chính xác, nhưng thật không may, đó là một sự thật. Dưới đây là những đoạn có liên quan từ bài xã luận của Ăng-ghen:
“Chính sách đối ngoại, không tranh cãi gì nữa, là lĩnh vực mà chế độ Sa hoàng rất mạnh – cực kỳ mạnh. Ngoại giao Nga, ở mức độ nào đó, là những tín đồ văn minh, đầy quyền năng, nếu cần, vượt xa những ý tưởng chợt nảy sinh của Sa hoàng, họ tự nghiền nát sự thối nát trong chính bản thân mình, chỉ để lan truyền ra ngoài một cách rộng rãi hơn; khởi đầu, họ tuyển mộ từ những người ngoại quốc, những người đảo Corse như Pozzo di Borgo, những người Đức như Nesselrode, những người Nga-Đức như Lieven, cũng như là người sáng lập ra nó, Catherine Đệ Nhị, là một người ngoại quốc.
Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất một người có dòng máu Nga, Gortchakov, là đảm nhiệm vị trí cao nhất trong nhóm này, song người kế nhiệm ông ấy, Von Giers, một lần nữa lại mang một cái tên nước ngoài.
Những tín đồ bí mật này, với truyền thống tuyển mộ những người ưa sự mạo hiểm, là thứ đã gây dựng nên một Đế quốc Nga hùng mạnh như hiện tại. Với lòng kiên định sắt đá, sự kiên quyết cao độ với mục tiêu, không vi phạm đức tin, không phản bội, không ám sát lén lút, không nô dịch tàn bạo, từ chối mọi hình thức hối lộ, thắng không kiêu, bại không nản, bước qua xác chết của hàng triệu binh lính và ít nhất là một Nga hoàng, nhóm người này, nhóm người mà chúng ta có thể coi sự không ngần ngại là một tài năng của họ, đã làm những công việc thậm chí nhiều hơn tất cả công việc của quân đội Nga cộng lại để mở rộng biên giới của Nga từ hai dòng sông Dnepr và Dvina tới những dòng sông xa xôi như Vistula, Pruth, Danube và biển Đen; từ hai dòng sông Don và Volga ở bên kia dãy Caucasus tới nơi khởi nguồn của hai dòng sông Oxus và Jaxartes; nhờ đó biến nước Nga trở nên vĩ đại, hùng mạnh và đáng sợ, đồng thời mở ra cho đất mẹ, con đường đến với chủ quyền toàn thế giới."
Có thể dễ thấy trong bài xã luận một quan điểm rằng trong lịch sử tồn tại của nước Nga, ngoại giao là thứ đã giúp đạt được mọi thứ, trong khi các Nga hoàng, những người ủng hộ chế độ phong kiến, những thương nhân cùng các nhóm xã hội khác đều vô dụng, hoặc gần như thế.
Ngoài ra, một ý nữa cho rằng nếu bộ sậu lãnh đạo trong chính sách đối ngoại của nước Nga không phải những người ngoại quốc ưa mạo hiểm như Nesselrode hay Von Giers mà là những người Nga ưa mạo hiểm như Gortchakov và những người khác, chính sách đối ngoại của Nga có lẽ sẽ theo một hướng hoàn toàn khác.
Ở đây phải nói rằng việc đề cập đến chính sách xâm lược, về sự kinh tởm và bẩn thỉu vốn có của nó, là hầu như không cần thiết, bởi nó không phải là những cách thức độc quyền của duy nhất các Nga hoàng. Mọi người đều biết rằng chính sách xâm lược là một chính sách mà ngay tại thời điểm đó, nói một cách thực tế thì ở một mức độ không hề nhỏ, nếu không muốn nói là lớn hơn, của mọi nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao trên toàn Châu Âu, trong đó có cả vị Hoàng đế với lai lịch tư sản như Napoleon, người mặc dù không phải có gốc gác Nga hoàng gì, cũng đã thi hành một chính sách đối ngoại hội tụ đầy những mưu đồ, xảo trá, sự nịnh nọt, sự phản bội, sự tàn ác, hối lộ, giết người và đốt phá. Rõ ràng là, những vấn đề này không thể khác được.
Dễ thấy thì trong khi viết những ấn phẩm nhỏ chống lại Sa hoàng, (Bài xã luận của Ăng-ghen là một ấn phẩm nhỏ có sức chiến đấu tốt), Ăng-ghen đã nhầm một chút về một số điều cơ bản mà vốn dĩ ông biết rõ.
2. Mô tả tình hình tại Châu Âu, đồng thời diễn giải các nguyên nhân và những viễn cảnh của một cuộc đại chiến thế giới đang tiến đến gần, Ăng-ghen viết:
“Tình hình Châu Âu ngày nay bị chi phối bởi ba sự thật:
(1). Việc sáp nhập vùng Alsace-Lorraine vào Đức. (2). Một cuộc tấn công sắp xảy đến của nước Nga Sa hoàng vào Constantinople. (3). Cuộc đấu tranh ở tất cả các quốc gia đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa giai cấp công nhân và những người thuộc tầng lớp trung lưu, một cuộc đấu tranh mà lò lửa của nó là phong trào xã hội chủ nghĩa tiến bộ ở khắp mọi nơi.
“Hai sự thật đầu tiên xác định sự phân chia Châu Âu thành hai phe lớn. Sự sáp nhập Alsace-Lorraine đã biến Pháp thành đồng minh của Nga trong việc chống lại Đức; việc Constantinople đang bị đe dọa bởi Nga hoàng đẩy Áo và thậm chí Italy, thành đồng minh của Đức. Cả hai phe này đang chuẩn bị cho một trận chiến quyết định, cho một cuộc chiến mà thế giới chưa từng thấy bao giờ, nơi mười đến mười lăm triệu binh lính có vũ trang đối đầu trực diện nhau. Cho đến hiện tại, chỉ có hai tình huống đã ngăn chặn được việc bùng nổ cuộc chiến tranh đầy đáng sợ này: đầu tiên, sự cải tiến nhanh chóng đến mức khó tin trong lĩnh vực vũ khí cá nhân dẫn đến việc những vũ khí mới được phát minh trước đó bị thay thế bởi những phát minh mới hơn, trước khi chúng có thể được thực sự đi vào trang bị trong một quân đội; và, hai là, việc không thể tính toán được các cơ hội, rằng ai sẽ là kẻ đi đến chiến thắng cuối cùng từ cuộc đại chiến này”.
“Tất cả hiểm họa của một cuộc chiến tranh này sẽ biến mất vào ngày mà mọi thứ ở Nga thay đổi cho thấy người dân Nga có thể xóa bỏ một cách tức thì chính sách chinh phạt truyền thống của các Nga hoàng; đồng thời chuyển sự chú ý vào những quyền lợi mang tính sống còn trong nước, giờ đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng, thay vì mơ mộng thống trị thế giới”.
“… một Hội đồng Quốc gia Nga, chỉ để giải quyết những khó khăn nội bộ cấp bách nhất, sẽ phải đưa ra quyết định chấm dứt ngay lập tức mọi thèm khát theo sau những cuộc xâm lược mới.
“Châu Âu đang trượt trên một mặt phẳng nghiêng với một tốc độ ngày càng lớn xuống thẳng vực thẳm của một cuộc chiến tranh toàn diện, một cuộc chiến tranh mà từ trước tới nay chưa ai được nghe về quy mô lẫn độ tàn khốc. Và chỉ một thứ có thể ngăn nó – một sự thay đổi hệ thống chính trị ở Nga. Không nghi ngờ gì, đó là điều sẽ phải đến trong ít năm nữa.
“Vào ngày đó, khi Nga hoàng - thành trì cuối cùng của nền phản động trên toàn Châu Âu - phải rời ngai vàng, thì, một làn gió lạ sẽ thổi khắp Châu Âu.”
Không thể nào không nhận thấy rằng khi mô tả về tình hình tại Châu Âu và trong bản tóm lược các nguyên nhân dẫn đến cuộc đại chiến thế giới, Ăng-ghen đã bỏ qua một nhân tố quan trọng, thứ sau này sẽ đóng vai trò quyết định nhất, cụ thể ở đây là cuộc cạnh tranh của chủ nghĩa đế quốc về thuộc địa, thị trường và nguồn nguyên liệu. Điều này có tầm quan trọng rất lớn vào thời điểm đó. Ngoài ra, ông cũng bỏ qua vai trò của Vương quốc Anh trong cuộc chiến tranh thế giới sắp đến và những mâu thuẫn giữa Đức và Anh, những mâu thuẫn vô cùng nghiêm trọng gần như sẽ quyết định việc khởi đầu và phát triển cuộc chiến tranh thế giới sau này.
Cá nhân tôi cho rằng những thiếu sót này đã tạo ra khuyết điểm nghiêm trọng nhất trong bài xã luận của Ăng-ghen. Từ khuyết điểm này kéo theo những khuyết điểm còn lại trong bài xã luận, trong đó đáng chú ý là những điều sau đây.
(a). Đánh giá quá cao nỗ lực tiến tới Constantinople của Nga dưới chế độ Sa hoàng với việc làm chín muồi cuộc đại chiến thế giới. Thật vậy, Ăng-ghen đề cập yếu tố chiến tranh đầu tiên, sự sáp nhập vùng Alsace-Lorraine bởi Đức, nhưng ngay sau đó, ông loại bỏ yếu tố này khỏi bối cảnh chung và đưa những nỗ lực cướp bóc của Nga hoàng lên vị trí hàng đầu, khẳng định rằng “Tất cả hiểm họa của một cuộc chiến tranh toàn diện sẽ biến mất vào ngày khi sự thay đổi ở Nga cho phép người dân Nga xóa bỏ một cách tức thì chính sách chinh phạt truyền thống của các Nga hoàng.”
Đây chắc chắn là một sự quá lời.
(b). Đánh giá quá cao vai trò của một cuộc cách mạng tư sản Nga, vai trò của “Hội đồng Quốc gia Nga” (Quốc hội tư sản), trong việc ngăn chặn cuộc chiến tranh thế giới sắp xảy ra. Ăng-ghen khẳng định rằng sự sụp đổ của chế độ chuyên chế Nga hoàng là cách duy nhất để ngăn cuộc đại chiến thế giới. Đây rõ ràng là một sự quá lời. Một trật tự tư sản mới ở Nga, với cái “Hội đồng Quốc gia” của nó, không thể ngăn chặn chiến tranh, nếu chỉ vì những nguồn gốc trọng yếu của cuộc chiến nằm ở việc cuộc cạnh tranh giữa các nước đế quốc chính ngày càng gay gắt hơn. Sự thật là, từ thất bại của Nga ở Crimea trong những năm 50 của thế kỷ trước, sự độc lập của chế độ chuyên chế Nga hoàng đối với chính sách đối ngoại Châu Âu đã bắt đầu suy yếu với một mức độ đáng kể, và, với vai trò như một nhân tố trong cuộc xung đột đế quốc toàn cầu, nước Nga Sa hoàng đã phục vụ về cơ bản như một lực lượng dự bị hỗ trợ cho các cường quốc chính của Châu Âu.
(c). Đánh giá quá cao thế lực của Nga hoàng như một “thành trì cuối cùng của nền phản động trên toàn Châu Âu”. Có thể không có nghi ngờ gì khi cho rằng thế lực Nga hoàng là một thành trì đồ sộ của nền phản động toàn Châu Âu (và có khi là cả Châu Á), nhưng nếu nói rằng nó là thành trì cuối cùng của nền phản động thì người ta có lý do để nghi ngờ điều đó.
Điều cần lưu ý ở đây là những khuyết điểm này trong bài xã luận của Ăng-ghen không chỉ là về “giá trị lịch sử”. Chúng có, hoặc có thể có, một ảnh hưởng tiêu cực đối với thực tế. Thật sự thì, nếu sự cạnh tranh giữa những kẻ ủng hộ chủ nghĩa đế quốc giành thuộc địa và phạm vi ảnh hưởng không được xem xét như một nhân tố trong cuộc chiến tranh thế giới sắp đến; nếu mâu thuẫn giữa những kẻ ủng hộ chủ nghĩa đế quốc của Anh và Đức bị quên lãng ; nếu sự sáp nhập vùng Alsace-Lorraine bởi Đức được rút khỏi vị trí nhân tố chiến tranh hàng đầu để hỗ trợ cho việc đánh giá nỗ lực tiến tới Constantinople của Sa hoàng Nga là nhân tố mang tính nghiêm trọng và quyết định hơn; cuối cùng, nếu Sa hoàng Nga đại diện cho thành lũy cuối cùng của mọi thế lực phản động Châu Âu, - thì, liệu phải chăng cuộc chiến của nước Đức tư sản chống lại nước Nga dưới chế độ Sa hoàng không phải một cuộc chiến tranh đế quốc, không phải một cuộc chiến tranh cướp bóc, không phải một cuộc chiến tranh chống lại loài người mà là một cuộc chiến tranh giải phóng, hoặc gần như là một sự giải phóng?
Người ta hầu như không ngờ rằng chính lối suy nghĩ này đã tạo điều kiện cho nền Dân chủ Xã hội Đức sụp đổ vào ngày 4 tháng Tám, 1914, khi họ quyết định bỏ phiếu tán thành chiến tranh, và tuyên bố khẩu hiệu bảo vệ Tổ quốc tư sản chống lại nước Nga dưới chế độ Sa hoàng, chống lại “người Nga man rợ”, ….
Điều đặc biệt là, trong những lá thư gửi Bebel được viết năm 1891, một năm sau khi xuất bản bài xã luận, khi ông đề cập đến những viễn cảnh của một cuộc chiến tranh không còn xa, Ăng-ghen đã trực tiếp nói rằng “vì vậy, chiến thắng của nước Đức là chiến thắng của cuộc cách mạng”, và rằng “nếu nước Nga tuyên chiến, thì – hãy bước tới chống lại người Nga và đồng minh của họ, bất kể chúng là ai!”.
Dễ thấy thì cách suy nghĩ như vậy không cho phép biến một cuộc chiến tranh đế quốc trở thành cuộc nội chiến cách mạng theo quan điểm của Chủ nghĩa Lê-nin.
Đó là cách những vấn đề liên quan tới những khuyết điểm trong bài xã luận của Ăng-ghen đã tồn tại.
Hiển nhiên thì Ăng-ghen, lo lắng bởi liên minh Pháp-Nga đang được hình thành vào lúc đó (1801-91), cộng với việc ưu thế của nó trực tiếp chống lại liên minh Áo-Đức đã đặt bản thân ông vào nhiệm vụ công kích chính sách ngoại giao của Nga trong bài xã luận này, để lấy đi toàn bộ sự tán thành trong mắt của dư luận Châu Âu, đặc biệt là dư luận Anh; nhưng trong khi đảm nhiệm nhiệm vụ này, ông đã bỏ qua một số nhân tố khác rất quan trọng và thậm chí còn mang tính quyết định, dẫn đến kết quả là ông rơi vào sự phiến diện mà chúng tôi đã vạch ra.
Xét cho cùng, liệu có phù hợp khi in bài xã luận của Ăng-ghen trong cơ quan ngôn luận mang tính chiến đấu của chúng ta, tờ “Bolshevik”, như một bài xã luận cung cấp chỉ dẫn, hoặc, trong bất cứ trường hợp nào, như một bài viết để lại một bài học sâu sắc – vì rõ ràng rằng để in nó trên tờ “Bolshevik”, có nghĩa là ngụ ý cho nó một lời đề xuất như vậy?
Cá nhân tôi nghĩ nó không phù hợp.
J.V. Stalin
(Thư gửi tới các thành viên của Bộ Chính trị
Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 19 tháng Bảy, 1934.)
Tờ Bolshevik Số 9
Tháng Năm 1941
Nhận xét
Đăng nhận xét