Về ruộng đất, 23 tháng Ba 1906



I


Chế độ cũ đang sụp đổ ở khắp nơi, nông thôn bắt đầu nòi dậy. Nông dân, hôm qua đây còn bị áp bức và sỉ nhục, thì hôm nay đang vùng dậy và đứng thẳng người lên. Phong trào nông dân, hôm qua đây còn bất lực thì hôm nay đang xông lên, như một dòng nước lũ, chống lại chế độ cũ : hãy cút khỏi con đường ta đi, nếu không ta sẽ quét sạch mày đấy! « Nông dân muốn nắm lấy ruộng đất của bọn lãnh chúa », « nông dân muốn xóa bỏ những tàn tích nông nô », đó là những điều mà ngày nay người ta nghe nói ở các xóm làng khởi nghĩa của nước Nga.

Những ai định dùng những viên đạn để bắt buộc nông dân phải im tiếng, những người đó đều lầm lẫn cả: kinh nghiệm đã cho chúng ta thấy như thế đó, những viên đạn chỉ làm cho phong trào cách mạng của nông dân thêm khích động và phẫn nộ.

Những ai định dùng những lời hứa hẹn suông và những « ngân hàng nông dân » để làm cho nông dân lắng dịu đi, những người đó cũng đều làm lẫn cả : nông dân muốn có ruộng đất, ngay trong giấc mơ họ cũng thấy ruộng đất và dĩ nhiên họ chỉ ngừng đấu tranh khi nào họ đã lấy được ruộng đất của bọn lãnh chúa. Họ chờ đợi gì ở những lời hứa hẹn rỗng tuếch và ở những « ngân hàng nông dân » vu vơ kia chứ ?

Nông dân muốn chiếm lấy ruộng đất của bọn lãnh chúa. Họ muốn xóa bỏ những tàn tích nông nô bằng cách đó. Và bất cứ ai không chịu phản bội nông dân. đều phải kiên quyết giải quyết vấn đề ruộng đất cũng chính bằng cách đó.

Nhưng làm thế nào mà nông dân có thể sở hữu được ruộng đất đó ?

Người ta cho rằng cách duy nhất là « chuộc lại ruộng đất » với những điều kiện có lợi! Các ngài đó bảo chúng ta : chính phủ và địa chủ có những ruộng đồng bỏ hóa ; nếu nông dân chuộc lại những ruộng đất đó, thì mọi việc sẽ giải quyết xong : như thế chó sói sẽ được no nê và cừu sẽ được cứu thoát. Nhưng các ngài đó không tự hỏi rằng nông dân lấy gì để có thể chuộc lại ruộng đất đó, những người nông dân không những đã bị người ta móc túi hết tiền bạc mà lại còn bị lột da nữa. Các ngài đó không nghĩ đến điều này là khi chuộc lại thì người ta sẽ giao cho nông dân những ruộng đất xấu và sẽ giữ lại cho mình những ruộng đất tốt, như người ta đã làm khi « giải phóng nông nô »! Và lại tại sao nông dân lại phải chuộc lại những ruộng đất mà bấy lâu nay vẫn thuộc về họ ? Phải chăng ruộng đất của Nhà nước và của địa chủ đã không được tưới bằng mồ hôi của nông dân ? Phải chăng ruộng đất đó đã không thuộc về nông dân ? Phải chăng những của cải đó của ông cha nông dân đã không bị lấy đi ? Vậy thì công lý ở đâu, nếu người ta bắt nông dân phải chuộc lại ruộng đất đã bị lấy mất ? Và vấn đề phong trào nông dân phải chăng là một vấn đề bán và mua ? Phải chăng phong trào nông dân không nhằm giải phóng nông dân ? Vậy ai sẽ giải phóng nông dân khỏi ách nông nô, nếu không phải là chính ngay bản thân nông dân ? Thế mà các ngài đó lại nói quả quyết với chúng ta rằng địa chủ sẽ giải phóng cho nông dân : muốn thể chỉ cần trả ngay cho địa chủ một số tiền nhỏ mà thôi. Các bạn có tin được điều đó không ? Cuộc « giải phóng » đó dường như sẽ được thực hiện dưới sự chỉ đạo của bọn quan lại Nga hoàng, cũng chính cái bọn quan lại đó đã nhiều lần tiếp đón nông dân đói khát bằng đạn đại bác và đạn súng liên thanh!...

Không! Việc chuộc lại ruộng đất sẽ không cứu thoát được nông dân đâu. Kẻ nào khuyên nông dân « chuộc lại với những điều kiện có lợi » là đồ phản bội, vì chúng tìm cách làm cho nông dân bị mắc mưu và không muốn cho công cuộc giải phóng nông dân là sự nghiệp của chính bản thân nông dân.

Nếu nông dân muốn chiếm được ruộng đất của lãnh chúa ; nếu họ phải xóa bỏ những tàn tích nông nô bằng cách đó ; nếu việc « chuộc lại với những điều kiện có lợi » không thể cứu thoát được nông dân ; nếu công cuộc giải phóng nông dân phải là sự nghiệp của chính bản thân nông dân thì chắc chắn là họ chỉ có một cách duy nhất: tước đoạt ruộng đất khỏi tay địa chủ, tức là tịch thu ruộng đất.

Đó là cách giải quyết.

Một vấn đề đặt ra : việc tịch thu đó phải tiến hành đến đâu ? Việc tịch thu đó có một giới hạn nào không ? Nông dân phải chiếm tất cả ruộng đất không hay chỉ chiếm một phần ruộng đất mà thôi ?

Một số ng trời nói rằng chiếm tất cả ruộng đất thì quá lắm, chỉ cần lấy một phần ruộng đất đề thỏa mãn nông dân là đủ. Hãy cứ cho là như thế đi. Nhưng nếu nông dân đòi nhiều hơn thì làm thế nào ? Dù sao chúng ta cũng sẽ không cản đường họ và bảo họ: hãy dừng lại, đừng tiến hơn nữa! Như thế sẽ là phản động. Các sự biến ở Nga đã chẳng chứng minh rằng nông dân thực sự đòi tịch thu hết tất cả ruộng đất của lãnh chúa đó sao ? Vả lại « lấy một phần » nghĩa là thế nào ? Phải lấy của địa chủ một phần bao nhiêu, một nửa hay là một phần ba ? Ai phải giải quyết vấn đề đó, chỉ có địa chủ không thôi hay cả địa chủ lẫn nông dân ? Như ta thấy, như thế thì người ta tha hồ bày ra những mưu ma chước quỷ ; việc mà cả cò kè có thể diễn ra giữa địa chủ và nông dân, và như thế là hoàn toàn cản trở công cuộc giải phóng nông dân. Nông dân phải dứt khoát hiệu rằng không nên mặc cả với địa chủ mà nên đấu tranh với chúng. Không nên tu sửa cái ách nông nô, mà nên phá vỡ nó đề vĩnh viễn phá hủy những tàn tích nông nô. « Lấy một phần mà thôi » là ra sức tu sửa những tàn tích nông nô ; và như thế là không phù hợp với công cuộc giải phóng nông dân.

Rõ ràng biện pháp duy nhất là tước đoạt khỏi tay địa chủ toàn bộ ruộng đất của chúng. Chỉ có như vậy mới có thể khiến cho phong trào nông dân đạt được kết quả, mới có thể làm tăng thêm sức mạnh của nhân dân và phá hủy được những tàn tích lỗi thời của chế độ nông nô.

Vì thế phong trào nông thôn hiện nay là một phong trào dân chủ của nông dân. Mục đích của phong trào đó là xóa bỏ những tàn tích nông nô. Và muốn xóa bỏ những tàn tích đó thì phải tịch thu toàn bộ ruộng đất của lãnh chúa và của Nhà nước.

Một số ngài buộc tội chúng ta như sau : tại sao, từ trước đến nay, phong trào dân chủ - xã hội không đòi tịch thu toàn bộ ruộng đất ? Tại sao, từ trước đến nay, phong trào đó chỉ nói đến tịch thu những « phần đất bi cắt » ?

Thưa các ngài, là vì năm 1903, khi đảng nói đến những « phần đất bị cắt », thì nông dân ở Nga còn chưa được thu hút vào phong trào. Nhiệm vụ của đảng là đưa vào nông thôn cái khẩu hiệu làm nức lòng nông dân, làm cho nông dân nổi dậy chống lại những tàn tích nông nô. Cái khẩu hiệu đó là khẩu hiệu về những « phần đất bị cắt » : chúng làm cho nông dân Nga nhớ lại một cách rõ ràng tính chất bất công trong những tàn tích nông nô.

Nhưng thời gian đã làm thay đổi sự vật. Phong trào nông dân đã lớn mạnh. Hiện nay, không cần thiết phải kích thích phong trào đó nữa : nó đang trào lên mà không cần đến sự kích thích đó nữa. Ngày nay, vấn đề không phải là phải làm thế nào để đẩy mạnh nông dân mà là nông dân đã được đẩy mạnh, phải yêu sách cái gì. Rõ ràng là ở đây nên có những yêu sách chính xác, và đảng tuyên bố với nông dân rằng họ phải đòi tịch thu toàn bộ ruộng đất của lãnh chúa và toàn bộ ruộng đất của Nhà nước.

Như thế nghĩa là những « phần đất bị cắt » cũng như việc tịch thu toàn bộ ruộng đất, mọi việc đều phải được đề ra đúng lúc và đúng nơi.


II


Chúng ta đã thấy phong trào hiện nay ở nông thôn là một phong trào giải phóng của nông dân , chúng ta cũng đã thấy rằng muốn giải phóng nông dân, phải xóa bỏ những tàn tích nông nô, và muốn xóa bỏ những tàn tích đó, phải tước đoạt khỏi tay địa chủ và Nhà nước toàn bộ ruộng đất, nhằm dọn đường cho cuộc sống mới, cho sự phát triển tự do của chủ nghĩa tư bản.

Hãy giả định rằng tất cả điều đó đều đã được thực hiện. Sau đó phải phân phối ruộng đất đó như thế nào ? Phải giao ruộng đất đó cho ai ?

Có người nói rằng ruộng đất tịch thu phải giao lại cho xã làm sở hữu chung, sở hữu tư nhân về ruộng đất phải được xóa bỏ ngay từ bây giờ và xã phải được quyền sở hữu tuyệt đối về ruộng đất ; sau đó xã sẽ đứng ra phân phối cho nông dân những « phần đất » bằng nhau , như thế chủ nghĩa xã hội sẽ được thực hiện ở nông thôn ngay từ bây giờ : sẽ thành lập chế độ hưởng thụ ngang nhau về ruộng đất chứ không phải chế độ làm thuê.

Những người xã hội chủ nghĩa - cách mạng bảo với chúng ta rằng đó gọi là « xã hội hóa ruộng đất ».

Liệu chúng ta có thể chấp nhận giải pháp đó không ? Hãy xem xét nội dung của vấn đề và trước hết là điểm này: những người xã hội chủ nghĩa - cách mạng muốn bắt đầu thực hiện chủ nghĩa xã hội từ nông thôn. Có thể làm như thể được không ? Thành thị, như người ta biết, phát triển hơn nông thôn, thành thị là người hướng dẫn nông thôn , vậy thì mọi biện pháp xã hội chủ nghĩa phải được bắt đầu ở thành thị. Thế mà những người xã hội chủ nghĩa - cách mạng lại định biến nông thôn thành « người hướng dẫn thành thị, bất nông thôn phải thực hiện chủ nghĩa xã hội trước tiên, tất nhiên điều đó không thể có được vì tình trạng lạc hậu của nông thôn. Do đó người ta thấy rằng « chủ nghĩa xã hội » của những người xã hội chủ nghĩa - cách mạng sẽ là một thứ chủ nghĩa xã hội mới đẻ ra đã chết ngay.

Bây giờ chúng ta hãy nói đến việc họ định thực hiện chủ nghĩa xã hội ở nông thôn ngay bây giờ. Thực hiện chủ nghĩa xã hội, chính là xóa bỏ nền sản xuất hàng hóa, xóa bỏ nền kinh tế tiền tệ, phá hủy đến tận gốc chủ nghĩa tư bản và xã hội hóa tất cả những tư liệu sản xuất. Bản thân những người xã hội chủ nghĩa - cách mạng định để nguyên những thứ đó như cũ và chỉ xã hội hóa có ruộng đất mà thôi, như thế là hoàn toàn không thể được. Nếu nền sản xuất hàng hóa vẫn được giữ nguyên như cũ, thì ruộng đất cũng sẽ thành hàng hóa ; ngày nay hay ngày mai, ruộng đất sẽ xuất hiện trên thị trường, và thế là « chủ nghĩa xã hội » của những người xã hội chủ nghĩa - cách mạng bị tan thành mây khói. Hiển nhiên là họ muốn thực hiện chủ nghĩa xã hội trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản nhưng tất nhiên như thế là không thể có được. Vì thế người ta nói rằng « chủ nghĩa xã hội » của những người xã hội chủ nghĩa - cách mạng là một thứ chủ nghĩa xã hội tư sản.

Còn cái quyền hưởng thụ ngang nhau về ruộng đất thì chỉ là một câu rỗng tuếch mà thôi. Quyền hưởng thụ ngang nhau về ruộng đất đòi hỏi phải có sự ngang nhau về tiền của, thế nhưng giữa nông dân với nhau lại có một sự chênh lệch về tiền của mà cuộc cách mạng dân chủ ngày nay không thể xóa bỏ được. Liệu có thể tin được rằng người nông dân có tám đôi bò lại sẽ cày cấy ruộng đất với mức độ cũng giống như người nồng dân chỉ có một đội bò không ? Nhưng những người xã hội chủ nghĩa - cách mạng lại nghĩ rằng « quyền hưởng thụ ngang nhau về ruộng đất » sẽ xóa bỏ chế độ làm thuê và sẽ kết thúc sự phát triển của tư bản ; tất nhiên điều đó là phi lý. Dĩ nhiên những người xã hội chủ nghĩa - cách mạng định đấu tranh chống lại sự tiếp tục phát triển chủ nghĩa tư bản và quay ngược bánh xe lịch sử: họ cho đó là lối thoát. Bản thân khoa học thì lại bảo chúng ta rằng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là tùy thuộc vào sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và kẻ nào đấu tranh chống lại sự phát triển đó thì cũng đấu tranh chống lại chủ nghĩa xã hội. Đó là lý do tại sao người ta lại còn gọi những người xã hội chủ nghĩa - cách mạng là những người xã hội chủ nghĩa - phản động.

Đấy là chưa kể rằng nông dân muốn dựa vào quyền sở hữu tư sản để đấu tranh xóa bỏ quyền sở hữu phong kiến chứ không phải chống lại quyền sở hữu tư sản; họ muốn phân chia với nhau những ruộng đất tịch thu được để trở thành những người sở hữu tư nhân những ruộng đất và họ sẽ không thỏa mãn với việc « xã hội hóa ruộng đất ».

Như ta thấy, công cuộc « xã hội hóa ruộng đất » là không thể thừa nhận được.

Có những người khác lại nói rằng ruộng đất, tước đoạt được phải đem giao lại cho Nhà nước dân chủ và nông dân sẽ chỉ là những người thuê ruộng đất mà thôi. !

Đó là điều mà người ta gọi là « quốc hữu hoá ruộng đất ».

Liệu có thể chấp nhận được việc quốc hữu hóa ruộng đất không ? Nếu chúng ta xét đến tình hình là Nhà nước tương lai tuy nhiên sẽ mang tính chất tư sản mặc dù nó có dân chủ như thế nào đi nữa, thì giao trả ruộng đất lại cho cái chính phủ đó tức khắc sẽ làm cho giai cấp tư sản mạnh lên về chính trị, điều đó hết sức bất lợi cho giai cấp vô sản nông thôn và thành thị , nếu chúng ta cùng xét đến tình trạng là bản thân nông dân sẽ chống lại việc « quốc hữu hóa ruộng đất » và sẽ không thỏa mãn với vai trò chỉ là những người đi thuê ruộng đất mà thôi, thì người ta sẽ dễ dàng hiểu rằng « quốc hữu hóa ruộng đất » không đáp ứng với những quyền lợi của phong trào hiện nay.

Bởi vậy cho nên cũng không thể chấp nhận được « quốc hữu hóa ruộng đất ».

Có những người khác nữa nói rằng phải đem ruộng đất giao lại cho các nhà chức trách địa phương và họ sẽ cho nông dân thuê lại.

Người ta gọi đó là « địa phương công hữu hoá ruộng đất ».

Liệu có thể chấp nhận được việc địa phương công hữu hóa ruộng đất không ? Như thế nghĩa là gì ? Trước hết nó có nghĩa là nông dân sẽ không trở thành người sở hữu những ruộng đất mà họ đã đấu tranh quyết liệt đề tước đoạt khỏi tay địa chủ và Nhà nước. Họ sẽ nghĩ như thế nào về việc này ? Nông dân muốn được nhận ruộng đất hoàn toàn về mình, họ muốn phân chia nhau những ruộng đất tước đoạt được, ngay trong cơn mê ngủ họ cũng thấy mình là chủ ruộng đất đó. Và khi người ta bảo họ rằng phải giao lại ruộng đất không phải cho họ mà cho các nhà chức trách địa phương thì nhất định họ sẽ không tán thành những người chủ trương « địa phương công hữu hóa ». Điều đó, chúng ta không thể quên được.

Rồi ra nếu nông dân đi theo cách mạng, họ chiếm lấy toàn bộ ruộng đất tịch thu được và không để lại cho các nhà chức trách địa phương tí gì cả, thì làm thế nào. Dù sao chúng ta cũng sẽ không cản đường bảo họ : hãy dừng lại, phải giao lại ruộng đất này cho các nhà chức trách địa phương chứ không phải cho các anh ; cho các anh thuế là đủ rồi!

Thứ nữa, nếu chúng ta chấp nhận khẩu hiệu « địa phương công hữu hóa » thì ngay từ bây giờ chúng ta phải lao mình vào trong nhân dân và giải thích tức khắc cho nông dân biết rằng ruộng đất mà họ đang đấu tranh và muốn chiếm lấy đó, sẽ đem giao lại cho các nhà chức trách địa phương chứ không phải giao lại cho họ. Tất nhiên nếu đảng có ảnh hưởng lớn trong nông dân thì họ có thể tán thành, nhưng nhất định họ sẽ không đấu tranh mạnh mẽ như trước nữa, điều đó sẽ vô cùng tại hại cho cuộc cách mạng hiện nay. Và nếu đảng không có ảnh hưởng lớn trong nông dân thì họ sẽ xa lánh đảng, quay lưng lại với đảng, điều đó sẽ gây ra sự xích mích giữa nông dân và đảng và sẽ làm cho lực lượng cách mạng bị yếu đi rất nhiều.

Người ta sẽ bảo chúng ta : thông thường thì những ham muốn của nông dân đều mâu thuẫn với sự phát triển của lịch sử ; thế nhưng chúng ta không thể bỏ qua bước tiến của lịch sử mà luôn luôn đi uốn mình theo những ham muốn của nông dân - đảng phải có những nguyên tắc của mình. Rất đúng! Đảng phải dựa vào những nguyên tắc của mình. Nhưng đảng nào mà vứt bỏ tất cả những nguyện vọng nói trên đây của nông dân thì sẽ phản bội lại những nguyên tắc của mình. Nếu lòng ham muốn của nông dân định chiếm lấy ruộng đất của lãnh chúa và đem phân chia cho nhau, không trái với bước tiến của lịch sử ; nếu ngược lại, những nguyện vọng đó lại hoàn toàn xuất phát từ cuộc cách mạng dân chủ hiện nay, nếu một cuộc đấu tranh thật sự chống lại quyền sở hữu phong kiến chỉ có thể có được trên cơ sở quyền sở hữu tư sản ; nếu những nguyện vọng của nông dân biểu thị chính cái xu hướng đó, như thế thì dĩ nhiên đảng không thể vứt bỏ những yêu sách đó của nông dân, vì rằng từ chối không ủng hộ những yêu sách đó sẽ cũng giống như từ chối sự phát triển của cách mạng. Trái lại, nếu đảng có những nguyên tắc, nếu đảng không muốn trở thành vật kìm hãm cuộc cách mạng thì đảng phải góp phần thực hiện những nguyện vọng đó của nông dân. Thế mà những nguyện vọng đó lại hoàn toàn mâu thuẫn với công cuộc « địa phương công hữu hóa ruộng đất »!

Như ta thấy, cũng không thể chấp nhận được cả công cuộc « địa phương công hữu hóa ruộng đất » nữa.


III


Chúng ta đã thấy rằng cả « xã hội hóa », « quốc hữu hóa » lẫn « địa phương công hữu hóa » đều không thật sự đáp ứng những quyền lợi của cuộc cách mạng hiện nay.

Vậy thì phải phân phối những ruộng đất tịch thu được như thế nào đây? Phải giao lại ruộng đất đó cho ai chiếm hữu ?

Rõ ràng là ruộng đất do nông dân tịch thu được phải được giao lại cho chính ngay nông dân để cho họ có thể phân chia với nhau. Chính phải giải quyết vấn đề đặt ra ở trên đây như thế đó. Sự phân chia ruộng đất sẽ dẫn đến sự tập trung ruộng đất. Những người nghèo hơn sẽ bán ruộng đất của mình đi và sẽ đi theo hướng vô sản hóa , nông dân khá giả sẽ mua những ruộng đất mới và ra sức cải tiến kỹ thuật canh tác ; nông thôn sẽ chia thành giai cấp, một cuộc đấu tranh ác liệt hơn sẽ bùng cháy lên giữa các giai cấp đó và cái cơ sở của sự phát triển về sau này của chủ nghĩa tư bản sẽ được tạo ra như thế đó.

Như ta thấy, sự phân chia ruộng đất phát sinh từ sự phát triển kinh tế hiện tại mà ra.

Mặt khác, khẩu hiệu: « Ruộng đất thuộc về nông dân , chỉ thuộc về nông dân và không thuộc về ai khác cả » sẽ khuyến khích nông dân, nó thổi vào nông dân một luồng sức mạnh mới và khiến cho phong trào cách mạng đã bắt đầu ở nông thôn, đạt đến kết quả.

Như ta thấy, bản thân bước tiến của cuộc cách mạng hiện nay đòi hỏi phải phân chia ruộng đất.

Kẻ thù chúng ta kết tội chúng ta rằng làm như thế là chúng ta đã khiến cho giai cấp tiểu tư sản phát sinh trở lại, điều đó hoàn toàn trái ngược lại học thuyết của Mác. Tờ nước Nga cách mạng viết như sau :

« Giúp đỡ nông dân tước đoạt bọn địa chủ là vô tình các anh đã góp phần thiết lập ra nền kinh tế tiểu tư sản trên đống gạch vụn của những hình thức tương đối phát triển của nền kinh tế nông nghiệp tư bản chủ nghĩa. Đứng về quan điểm chủ nghĩa Mác chính thống, đó chẳng phải là « một bước lùi » sao ? » (xem Nước Nga cách mạng, số 75).

Tôi phải nói rằng các « ngài phê bình » đã làm rối rắm các sự việc. Các ngài đã quên rằng nền kinh tế của địa chủ không phải là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nó là một tàn dư của nền kinh tế phong kiến và, do đó, tước đoạt bọn địa chủ là người ta phá hủy những tàn tích của nền kinh tế phong kiến chứ không phải của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Các ngài cũng quên rằng đứng về mặt chủ nghĩa Mác mà xét thì nền kinh tế phong kiến đã không bao giờ và sẽ không thể tức khắc kéo theo sau nó nền kinh tế tư bản chủ nghĩa : giữa hai nền kinh tế là nền kinh tế tiểu tư sản tiếp theo sau nền kinh tế phong kiến rồi sau đó biến thành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Các Mác, trong cuốn Tư bản tập III, đã khẳng định rằng trong lịch sử, tiếp theo sau nền kinh tế phong kiến thì trước hết là nền kinh tế nông thôn của giai cấp tiểu tư sản và chỉ sau đó mới phát triển thành nền đại kinh tế tư bản chủ nghĩa ; từ nền kinh tế này đến nền kinh tế kia, trước đây đã không có và không thể có bước nhảy vọt trực tiếp nào cả. Tuy vậy, những « nhà phê bình » lạ lùng đó lại bảo chúng ta rằng đứng về quan điểm mác-xít thì sự tịch thu và phân chia ruộng đất các lãnh chúa là một bước thụt lùi! Họ lại sắp buộc chúng ta phải nhận rằng « xóa bỏ chế độ nông nô », theo quan điểm mác-xít, cũng lại là một bước thụt lùi, vì lúc đó một số ruộng đất « tước đoạt » khỏi tay địa chủ cũng lại đem giao lại cho những người canh tác nhỏ : những nông dân! Các ngài thật kỳ cục! Các ngài không hiểu rằng chủ nghĩa Mác xem xét mọi sự vật theo quan điểm lịch sử ; theo quan điểm chủ nghĩa Mác thì nền kinh tế nông thôn tiểu tư sản tiến bộ hơn nền kinh tế phong kiến ; phá hủy nền kinh tế phong kiến và thiết lập nền kinh tế tiểu tư sản là điều kiện cần thiết cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, sau đó nó sẽ loại trừ cái nền kinh tế tiểu tư sản đó...

Nhưng hãy để các nhà « phê phán » nằm yên đó.

Sự thật là việc giao lại ruộng đất cho nông dân, rồi đến việc phân chia ruộng đất đó, đang phá hoại nền tảng của những tàn tích nông nô, chuẩn bị CƠ SỞ cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển, củng cố rất mạnh mẽ cao trào cách mạng : đó là lý do tại sao đảng dân chủ - xã hội đều có thể chấp nhận được những biện pháp đó.

Bởi vậy, muốn xóa bỏ những tàn tích nông nô, thì phải tịch thu toàn bộ ruộng đất của lãnh chúa ; nông dân phải nắm quyền sở hữu các ruộng đất đó và đem phân chia cho nhau theo như quyền lợi của mình. Cương lĩnh ruộng đất của đảng phải được thảo ra trên chính cái cơ sở đó.

Người ta sẽ bảo chúng ta : tất cả những điều đó đều là đối với nông dân nhưng các anh định làm gì đối với giai cấp vô sản nông thôn ? Chúng ta trả lời rằng nếu nông dân cần có một cương lĩnh ruộng đất dân chủ, thì những người vô sản nông thôn và thành thị lại có một Cương lĩnh xã hội chủ nghĩa thể hiện những quyền lợi giai cấp của họ ; còn những quyền lợi trước mắt của họ thì đã bao gồm trong mười sáu điểm của cương lĩnh tối thiểu trong đó nói đến sự cải thiện những điều kiện lao động (xem Cường lĩnh của đảng được thông qua tại Đại hội II). Hiện nay, hoạt động Xã hội chủ nghĩa trước mắt của đảng là như sau ; đảng tiến hành một cuộc tuyên truyền vận động xã hội chủ nghĩa trong những người vô sản nông thôn, đảng tập hợp họ vào những tổ chức xã hội chủ nghĩa dành riêng cho họ và đoàn kết họ với những người vô sản thành thị thành một đảng chính trị riêng biệt. Đảng luôn luôn liên hệ với bộ phận đó của nông dân ; đảng nói với bộ phận đó: nếu các anh muốn thực hiện cuộc cách mạng dân chủ thì các anh phải giữ mối liên hệ với nông dân đang đấu tranh và phải đấu tranh chống bọn địa chủ; nếu các anh muốn tiến đến chủ nghĩa xã hội thì các anh phải kiên quyết đoàn kết với những người vô sản thành thị và phải đấu tranh không thương xót chống lại mọi tên tư sản mặc dù nó là nông dân hay là quý tộc. Đi với nông dân để thực hiện nền Cộng hòa dân chủ! Đi với công nhân để thực hiện chủ nghĩa xã hội! Đảng đã nói với những người vô sản nông thôn như thế đó.

Nếu phong trào những người vô sản và cương lĩnh xã hội chủ nghĩa của họ thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của các giai cấp, để từ đó mà xóa bỏ vĩnh viễn mọi sự phân chia giai cấp, thì về phía mình, phong trào nông dân và cương lĩnh ruộng đất dân chủ của nó, thổi bùng ruộng lên ở nông thôn ngọn lửa đấu tranh giữa các đẳng cấp xã hội, để từ đó xóa bỏ đến tận cội rễ mọi sự phân chia đẳng cấp.

---------------------

T.B. Đề kết thúc bài báo này, chúng tôi không thể bỏ qua không trả lời bức thư của một bạn đọc viết cho chúng tôi như sau : « Bài báo thứ nhất của các anh dù sao cũng không làm cho tôi thỏa mãn. Đảng, phải chăng đã không tán thành tịch thu toàn bộ ruộng đất ? Và nếu đúng như thế, tại sao đảng đã không nói lên điều đó ? »

Không, bạn đọc thân mến, chưa bao giờ đảng đã không tán thành công cuộc tịch thu đó cả. Nga y từ Đại hội II, đại hội đã thông qua chính cái điểm nói về những « phần đất bị cắt », ngay từ đại hội đó (năm 1903), qua lời của Pa-lê-kha-nốp và Lê-nin, đảng đã nói rằng chúng tôi sẽ ủng hộ nông dân nếu họ yêu sách tịch thu toàn bộ ruộng đất*. Hai năm sau (năm 1905), hai phái trong đảng, « phái bôn-sê-vích » tại Đại hội III và « phái men-sê-vích » trong hội nghị lần thứ nhất của họ, đã nhất trí tuyên bố rằng hai phái sẽ ủng hộ không điều kiện nông dân về công cuộc tịch thu toàn bộ ruộng đất**. Về sau, báo chí của hai xu hướng trong đảng, tờ Tia lửa và tờ Người vô sản cũng như tờ Đời sống mới và tờ Bắt đầu đều nhiều lần kêu gọi nông dân tịch thu toàn bộ ruộng đất... Như ta thấy, ngay từ ban đầu, đảng đã tán thành tịch thu toàn bộ ruộng đất và, vì vậy, không có một lý nào đề nghị rằng đảng đã theo đuôi phong trào nông dân. Thực ra phong trào nông dân còn chưa bắt đầu, nông dân còn chưa yêu sách đến ngay cả những « phần đất bị cắt », thế mà tại Đại hội II, đảng đã nói đến tịch thu toàn bộ ruộng đất rồi.

Tuy nhiên nếu các bạn hỏi chúng tôi tại sao trong cũng cái năm 1903 đó, chúng tôi đã không ghi vào cương lĩnh của chúng tôi yêu sách đòi tịch thu toàn bộ ruộng đất thì lại đến lượt chúng tôi trả lời các bạn bằng một câu hỏi : vậy thì tại sao ngay từ 1900, những người xã hội chủ nghĩa - cách mạng đã không ghi vào cương lĩnh của họ yêu sách đòi thành lập và nước cộng hoà dân chủ? họ có thật sự chống lại yêu sách đó không ? Tại sao lúc đó họ không nói đến quốc hữu hóa, còn bây giờ thì họ lại nói lải nhải mãi về việc xã hội hóa ? Và nếu ngày nay trong bản cương lĩnh tối thiểu của chúng ta không hề nói đến ngày lao động 7 giờ, như thể có nghĩa là chúng ta phản đối không ? Kết luận như thế nào ? Chỉ có thể như thế này : vì rằng năm 1902, phong trào lúc đó còn yếu, khẩu hiệu tịch thu toàn bộ ruộng đất sẽ chỉ là câu chuyện bỏ đi, phong trào còn yếu không thể làm cho yêu sách đó thắng lợi được ; đó là lý do tại sao khẩu hiệu những « phần đất bị cắt » phù hợp với thời kỳ đó hơn. Nhưng về sau, khi phong trào đã lớn nhanh và nêu lên những vấn đề về thực tiễn, thì đảng phải chứng tỏ rằng phong trào đã không thể và không nên chỉ dừng lại ở những « phần đất bị cắt » mà thôi, rằng phải đòi tịch thu toàn bộ ruộng đất.

Đó là những sự thật.

Để kết thúc hãy nói vài lời về Tờ tin tức (xem số 3033). Tờ báo đó tuồn ra những điều phi lý về « phương thức » và « nguyên tắc », và báo đó khẳng định rằng gần đây đảng mới đề những « phần đất bị cắt » lên thành nguyên tắc. Đó là một sự dối láo, vì ngay từ lúc đầu, đảng đã công khai chấp nhận nguyên tắc tịch thu toàn bộ ruộng đất, bạn đọc có thể nhận thấy điều đó đoạn trên. Còn Tờ tin tức không phân biệt được những nguyên tắc với những vấn đề thực tiễn thì tai họa không lớn lắm đâu : với tuổi tác, tờ báo đó sẽ biết phân biệt những nguyên tắc với những vấn đề thực tiễn*.

Báo « Tia chớp », số 5, 9 và 10,
Ngày 17, 22 và 23 tháng Ba 1906
Ký tên: I. Bét-xô-sơ-vi-li

Nhận xét

Bài đăng phổ biến