Về vấn đề Phần Lan, 17 tháng Tư 1940
(Bài phát biểu tại cuộc họp bí mật với các lãnh đạo Hồng quân để tổng kết kinh nghiệm của cuộc chiến tranh chống Phần Lan)
Thưa các đồng chí, tôi xin đề cập đến một số vấn đề chưa được đề cập trong các bài phát biểu, hoặc đã được đề cập nhưng chưa đầy đủ.
Vấn đề đầu tiên: là Cuộc chiến với Phần Lan.
Liệu Chính phủ và Đảng đã đúng khi tuyên chiến với Phần Lan ? Đây còn là vấn đề liên quan đến Hồng quân.
Liệu có thể giải quyết vấn đề mà không cần đến chiến tranh ? Tôi cho rằng là không thể. Chiến tranh là bắt buộc phải xảy ra. Chiến tranh nổ ra là bởi vì các cuộc đàm phán hòa bình với Phần Lan đã không mang lại kết quả nào, và việc bảo đảm an toàn cho Leningrad là yêu cầu tối quan trọng, an toàn của nó là an toàn của Tổ quốc của chúng ta. Không chỉ vì Leningrad chiếm từ 30-35% ngành công nghiệp quốc phòng đất nước, mà bởi vì Leningrad là thủ đô thứ hai của Tổ quốc chúng ta, số phận của Tổ quốc chúng ta phụ thuộc vào việc bảo vệ Leningrad. Để mất Leningrad, thành lập ở đó một chính phủ tư sản - bạch vệ chẳng hạn, thì có nghĩa là một mối nguy hiểm nghiêm trọng đe dọa đối với chính quyền Xô viết.
Đó là ý nghĩa chính trị của việc bảo vệ Leningrad, thủ đô thứ hai của chúng ta. Đó là lý do vì sao an toàn của Leningrad cũng là an toàn của Tổ quốc chúng ta. Rõ ràng, cuộc đàm phán hòa bình với Phần Lan đã không đạt được kết quả, nên cần chiến tranh để tổ chức lại, củng cố lại các tuyến bảo vệ Leningrad bằng các hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang.
Vấn đề thứ hai: Có phải Đảng, Chính phủ chúng ta quá vội vàng trong việc tuyên chiến vào cuối tháng mười một, đầu tháng mười hai hay không; liệu có thể trì hoãn hai đến bốn tháng hay không ? Không. Đảng và Chính phủ đã làm đúng, không trì hoãn vấn đề này, mặc dù chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến tranh bên phần lãnh thổ Phần Lan, trong các cuộc xung đột cuối tháng mười một, đầu tháng mười hai. Điều đó hoàn toàn không phải chỉ phụ thuộc vào chúng ta, mà còn phải căn cứ trên tình hình quốc tế. Ở phương Tây, ba cường quốc lớn (Anh, Pháp Đức) đang đánh nhau - vấn đề Leningrad không giải quyết bây giờ thì lúc nào nữa - trong khi họ đang luống cuống thì đây là tình thế rất thuận lợi cho chúng ta.
Sẽ là một sự ngu ngốc và thiển cận về chính trị nếu chúng ta bỏ lỡ thời điểm và phải càng sớm càng tốt, khi phương Tây đang chiến tranh, để giải quyết triệt để vấn đề Leningrad. Trì hoãn vấn đề hai, ba tháng có nghĩa là trì hoãn hai mươi năm, chúng ta không thể lường hết sự phức tạp của chính trị. Kể cả khi cuộc chiến tranh đó quy mô nhỏ hay là chỉ cuộc khoa môi. (ám chỉ rằng cuộc chiến tranh ở Châu Âu chỉ là hình thức khi Anh, Pháp chỉ tuyên chiến cho có)
Điều này có thể nhanh chóng biến mất. Do đó, nếu không thực hiện, thì việc giải quyết triệt để vấn đề an toàn của Leningrad có thể bị bỏ lỡ. Đó sẽ là một sai lầm.
Đó là lý do vì sao Đảng và Chính phủ đã làm đúng khi tiến hành các chính sách thù địch sau khi các cuộc đàm phán với Phần Lan kết thúc trong thất bại.
Vấn đề thứ ba: Chiến tranh đã nổ ra và sự thù địch bắt đầu. Liệu đã bố trí quân đội của chúng ta ở mặt trận đã chính xác hay chưa ? Như đã biết, quân đội đã được bố trí thành 5 đạo chính. Một đạo chiếm các vị trí trọng yếu trên eo đất Karenlian. Một đạo ở phía Bắc hồ Ladoga với hướng chính là Serdobolya. Một đạo ở hướng Ulebo. Một đạo hướng về Torneo và cuối cùng là hướng Petsamo.
Việc triển khai quân đội ở mặt trận như vậy đúng không ? Tôi cho rằng đúng. Chúng ta cần phải đạt lấy những cái gì khi bố trí như thế ?
Về vấn đề eo đất Karelian như sau: Chúng ta không thể không lường trước cho tình hình xấu nhất. Việc bố trí quân ở eo đất Karelian là nhằm ngăn ngừa bất kỳ một cuộc phản công nào vào Leningrad từ phía Phần Lan.
Chúng ta cần nên biết rằng, người Phần Lan được hỗ trợ bởi Pháp, Anh; được hỗ trợ ngầm bởi Đức, Thụy Điển, Na Uy; được hỗ trợ bởi cả người Mỹ, Canada. Chúng ta biết rõ điều đó. Cần phải dự trù tính tất cả, không được để lọt điều tồi tệ nhất. Do đó, chúng ta tập trung một đạo quân lớn ngay eo đất Karelian để có thể ngăn ngừa bất kỳ nguy cơ tấn công Leningrad nào.
Hơn nữa, đạo quân này còn cần thiết trong việc phản công Phần Lan trên toàn bộ eo đất Karelian. Do đó, vai trò của nó phải đáp ứng cả hai nhiệm vụ, phòng ngự và phản công.
Hơn nữa, đó là bước đệm để ta đưa các lực lượng dự bị phía sau tiến lên. Nếu tốt, có thể giải phóng Vyborg.
Việc triển khai quân trên eo đất Karelian nhằm thực hiện ba mục tiêu: tạo một tuyến phòng thủ chống lại bất kỳ nguy cơ Leningrad bị tấn công; thứ hai, tiến hành trinh sát mặt trận và hậu phương của quân Phần Lan; thứ ba là tạo vùng đệm đưa đưa lực lượng dự bị của ta vào.
Tiếp theo, đối với đạo quân ở Bắc hồ Ladoga. Chúng ta nhắm đến hai mục tiêu: trinh sát mặt trận quân địch; mở một tuyến vòng phía sau phòng tuyến Mannerheim để có thể đột phá.
Đạo thứ ba tiến hành trinh sát lãnh thổ, dân cư, đột phá các tuyến phòng thủ.
Đạo thứ tư ở hướng Torneo, đột phá mở đường.
Đạo thứ năm ở hướng Petsamo. Làm nhiệm vụ trinh sát, đột phá vào thành thị. Mục tiêu cụ thể hơn, đánh bại hoàn toàn sự kháng cự của quân Phần Lan, chúng ta mạnh hơn họ ở đây - gây áp lực lên phòng tuyến trên eo đất Karelian - cuối cùng là để đột phá ở eo đất Karelian và tiến tới Vịnh Phần Lan.
Đạo quân Bắc Ladoga có nhiệm vụ chiếm Serdobol, một đạo chiếm Ulebo, một đạo chiếm Torneo, đạo ở Petsamo hợp quân với cánh ở Kondopozh.
Tất nhiên, chúng ta đã không lật ngửa hết bài của mình. Nếu như bị lật tẩy, chúng ta sẽ bị giáng những đòn nặng nề. Chúng ta phải tiếp cận vấn đề này một cách cẩn trọng, không nên đặt ra yêu cầu có thể cùng lúc phát động năm đạo quân này tấn công. Vì sao ? Chúng ta không thể đặt ra một yêu cầu khó khăn như vậy, bởi vì cuộc chiến ở Phần Lan là rất khó khăn. Lịch sử quân sự của chúng ta đã cho thấy trong những cuộc chiến trước đây, mặc dù Phần Lan đã thất bại những bốn lần, chúng ta cũng đã cố gắng thực hiện lần thứ năm, nhưng nó luôn là vấn đề rất khó nhằng.
Vua Peter đã chiến đấu suốt 21 năm để chiếm toàn bộ Phần Lan từ Thụy Điển khi nó đang là tỉnh của nước này. Những vùng đất mà chúng ta được nhận Kohtla-Jarve và Petsamo, toàn bộ eo đất Karelian đến Vyborg, mặc dù khi đó không có bán đảo Hanko, Peter đã phải mất đến 21 năm.
Sau Peter, đến Elizaveta Petrovna đã tiến hành cuộc chiến tranh trong hai năm để mở rộng ảnh hưởng của Nga ở Phần Lan. Tuy nhiên lúc bấy giờ Helsingfors vẫn nằm trong tay Phần Lan. Ekatherina II đã đánh Phần Lan trong hai năm nhưng cũng không thu được kết quả gì. Cuối cùng đến Alexander I thì mới chinh phục được Phần Lan.
Những điều tương tự xảy ra với quân đội Nga lúc đó đã xảy ra với chúng ta bay giờ: bị bao vây, bị bắt làm tù binh và rồi sau đó là quân Phần Lan bị bao vây, bị bắt làm tù binh ngược. Chúng ta đã nghĩ rằng cuộc chiến Phần Lan sẽ kéo dài mãi đến tháng 8, tháng 9 năm 1940, đó là lý do vì sao chúng ta phải tính toán đến cả những điều kiện thuận lợi nhất và bất lợi nhất, do đó, ngay từ đầu chiến tranh, chúng ta đã phải bố trí năm đạo quân như thế. Nếu chiến tranh kéo dài hoặc bất kỳ quốc gia nào can thiệp, chúng ta sẽ có sẵn 62 sư đoàn bộ binh và 10 sư đoàn dự bị, tổng cộng là 72 sư đoàn để ngăn chặn cuộc can thiệp đó. Nhưng điều đó đã không xảy ra, chúng ta chỉ cần 50 sư đoàn và 10 sư đoàn dự bị, họ đã làm rất tốt, đánh bại và dồn ép quân Phần Lan. Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, chúng ta đã đặt vấn đề với họ, một trong hai: nhượng bộ hoặc bị lật đổ. Và giai cấp tư sản Phần Lan phải nhượng bộ, họ cần bảo tồn chính phủ tư sản chứ không phải chủ quyền, họ không muốn thành lập chính phủ nhân dân. Chúng ta đã đồng ý với điều đó, sau đó họ rất nghiêm túc trong các nhượng bộ, nhường các phần phía bắc, tây và nam của Leningrad, bản thân điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh Phần Lan. Helsingfors bị đặt trong tầm của Vyborg và Hanko. Do đó, chiến tranh đã kết thúc trước khi nó trở thành quy mô lớn vào ngày 3 tháng mười hai. Quân đội đội chúng ta đã làm rất tốt và điều đó hóa ra là đúng đắn. Hoặc là chính phủ tư sản Phần Lan phải nhượng bộ, hoặc là không có chính phủ tư sản nữa.
Vấn đề nữa, sau những thắng lợi đầu tiên khi bắt đầu cuộc chiến, chúng ta đã nhanh chóng nhận ra rằng quân ta chưa thể thích ứng được với điều kiện Phần Lan.
Câu hỏi: điều gì khiến quân ta chưa thể thích ứng với điều kiện Phần Lan ? Tôi cho rằng chúng ta bị cản trở bởi tâm lý chủ quan. Thực tế thắng lợi của chiến dịch Ba Lan (1939) đã làm hư hỏng chúng ta. Các bài báo, phương tiện truyền thông đã mô tả rằng Hồng quân là bất khả chiến bại, không có gì sánh bằng. Nhưng trên thực tế, đội quân của chúng ta không phải là bất khả chiến bại. Rằng trong thực tế lịch sử không có bất kỳ đội quân bất khả chiến bại nào cả. Những đội quân hùng mạnh nhất, tốt nhất vẫn bị đánh bại. Một số đồng chí của chúng ta đã khoe khoang điều đó, và trong thực tế không hề có đội quân nào như vậy.
Điều này khiến cho quân đội chúng ta không kịp nhận ra những khuyết điểm của mình để tái cơ cấu và tổ chức lại cho phù hợp với điều kiện chiến tranh Phần Lan. Một số tướng lĩnh không hiểu, rằng chiến dịch Ba Lan không phải là một cuộc chiến, nó chỉ là một cuộc hành quân. Không hiểu rằng cuộc chiến tranh ở Phần Lan là một cuộc chiến thật sự. Phải mất một chút thời gian, quân đội chúng ta mới nhận thức ra được vấn đề này, bắt đầu thích nghi và có tổ chức.
Đó là những hạn chế đã làm ngăn cản sự thích nghi của quân đội ta với các điều kiện của cuộc chiến Phần Lan, để hiểu rằng đấy không phải là một cuộc hành quân, mà là một cuộc chiến. Chính điều đó, quân đội ta với những kẻ khoe mẽ, cái thói hiện nay đang phát triển rất thịnh ở nước ta, của những kẻ ngu dốt nhất - cần phải chấm dứt nó. Phải chấm dứt một lần và mãi mãi. Chúng ta cần phải tuyên truyền cho nhân dân rằng không hề có bất kỳ một đội quân bất khả chiến bại nào cả. Cần phải chỉ ra rằng - như lời Lenin nói - các đội quân sẽ luôn chiến đấu tốt hơn sau mỗi lần thất bại. Cần phải chỉ rõ rằng chiến tranh không phải là trò chỉ thắng. Vì vậy, không phải chỉ học cách tấn công mà còn học cả cách rút lui. Hãy nhớ những lời Lenin đã dạy. Những người Bolsheviks phải nhớ nằm lòng lấy điều đó mà không được quên, từ bỏ quan điểm cho rằng quân đội ta là quân đội bất khả chiến bại đi. Tâm lý này, chúng ta phải loại bỏ, nếu muốn quân đội ta trở thành một đội quân cách mạng hiện đại.
Điều gì đã ngăn cản quân đội ta được tổ chức lại nhanh chóng và thích nghi với cuộc chiến ở Phần Lan ?
Điều gì đã ngăn cản Bộ chỉ huy của chúng ta tái tổ chức để tiến hành chiến tranh theo phương thức mới ?
Hãy nhớ lấy rằng, trong suốt thời gian tồn tại chính quyền Xô viết, chúng ta vẫn chưa tiến hành bất kỳ một cuộc chiến tranh hiện đại thực sự nào. Những trận đánh nhỏ ở Mãn Châu, Hồ Khasan hoặc ở Mông Cổ không phải là một cuộc chiến - đấy là một cuộc tập dượt đặc biệt. Người Nhật lo ngại về việc nổ ra một cuộc chiến, chúng ta cũng không muốn điều đó, do đó một cuộc đọ sức đã diễn ra đã cho thấy người Nhật thất bại. Họ có 2-3 sư đoàn và chúng ta cũng vậy ở Mông Cổ, Khasan. Quân đội ta vẫn chưa có dịp tiến hành một cuộc chiến tranh nghiêm túc thực sự. Nội chiến cũng không phải một cuộc chiến hiện đại, một cuộc chiến không pháo binh, máy bay, xe tăng, súng cối. Thế thì nó là chiến tranh gì ? Một cuộc chiến tranh không hiện đại. Quân đội ta lúc đấy trang bị kém, ăn mặc kém, y tế kém, nhưng chúng ta đã đánh bại quân thù có nhiều vũ khí hơn, trang bị tốt hơn, bởi vì ở đây tinh thần đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Điều gì đã ngăn cản Bộ chỉ huy chúng ta tiến hành cuộc chiến ở Phần Lan theo phương cách mới ? Sự sùng bái truyền thống và kinh nghiệm của cuộc nội chiến đã cản trở chúng ta. Làm thế nào để xem các vị chỉ huy của chúng ta đủ tư cách ?
- Bạn đã từng tham gia nội chiến chưa ? - Chưa - Đi chỗ khác
- Bạn đã từng tham gia nội chiến chưa ? - Rồi - Hãy ở lại, hãy dùng kinh nghiệm của mình.
Tất nhiên, tôi cho rằng kinh nghiệm nội chiến là rất quý giá, những truyền thống trong cuộc nội chiến là rất giá trị, nhưng điều đó không đủ cho sự nghiệp hiện nay. Chính sự sùng bái kinh nghiệm và truyền thống của cuộc nội chiến, mà chúng ta cần phải chấm dứt, đã ngăn cản Bộ chỉ huy chúng ta tái tổ chức quân đội lại theo một phương thức hiện đại.
Trách nhiệm phải thuộc về các vị chỉ huy; họ có rất nhiều kinh nghiệm trong nội chiến, những người được tôn trọng và trung thực, nhưng họ chưa thể đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quân đội. Họ không hiểu rằng không thể ngay lập tức phát động cuộc tấn công mà không có pháo binh yểm trợ. Đôi khi họ lại dẫn đầu các cuộc tiến công. Điều đó có nghĩa là chuốc lấy những thảm bại kinh khủng. Nếu địch nấp sau chiến hào, có pháo binh và xe tăng, thì chắc chắn chúng ta sẽ bị đè bẹp.
Những thiếu sót đã diễn ra ở Tập đoàn quân số 7 - kém hiểu biết về pháo binh. Cần phải biết tiếc đạn pháo tránh sử dụng bừa bãi, chỉ cần biết sử dụng súng trường kiểu cũ, không cần quan tâm đến mục tiêu. Rõ ràng là đã quá lỗi thời, nó chính là kinh nghiệm và truyền thống của cuộc nội chiến và không có bất cứ thứ gì liên quan đến hiện đại.
Cuộc tranh cãi ở đây, giữa chúng tôi và các nhà quân sự. Những người không phải là quân nhân như chúng tôi đang cố tranh cãi và buộc các nhà quân sự phải thừa nhận rằng chúng ta đang không phải tiến hành cuộc chiến tranh hiện đại với Phần Lan, những kẻ đang tiếp thu những tiến bộ từ Anh, Pháp, Đức. Tiến hành một cuộc chiến tranh như thế rõ ràng là không khôn ngoan.
Cuộc tranh cãi về lý do ngừng sản xuất súng máy DP. Đến 25 lần bị bác bỏ. Thật tệ, nhưng dù sao việc đó cũng đã bị ngăn cản. Tại sao ? Tôi không thể hiểu họ.
Tại sao lại không có súng cối ? Đây không phải vấn đề mới. Trong thời kỳ chiến tranh đế quốc lần thứ nhất, Đức đã ngăn cản quân ta và Pháp bằng chúng. Đã 24 năm trôi qua, nhưng tại sao vẫn chưa có cối. Tại sao ? Tôi không thể hiểu họ.
Giải thích điều đó như thế nào ? Bởi vì truyền thống và kinh nghiệm của cuộc nội chiến ngự trị trong đầu óc của chúng ta: một cuộc chiến không có mìn, không có cối, không có súng máy, không có pháo binh; rằng dân tộc ta là một dân tộc tuyệt vời, anh hùng và .... Những lời nói đó làm tôi nhớ đến thổ dân da đỏ ở Mỹ, họ chiến đấu chống lại những kẻ cầm súng khi trong tay chỉ có gậy - tất cả họ đều bị giết.
Sự sùng bái truyền thống và kinh nghiệm nội chiến đã lan khắp mọi người, và do đó tước đi những khả năng tái tổ chức lại quân đội ta theo phương pháp mới đáp ứng nhu cầu chiến tranh hiện đại. Tôi cần phải nói rõ rằng, sau 2-3-4 tuần họ mới bắt đầu tổ chức lại: Đầu tiên là tập đoàn quân số 13, Stern đã cố gắng chấn chỉnh lại, điều đó tốt. Kế đến, tập đoàn quân số 14, Kovalev thực sự là kẻ tệ lậu. Anh ta là một người lính giỏi, anh hùng của thời kỳ nội chiến và danh tiếng, rất khó để anh ta tự giải thoát mình khỏi kinh nghiệm của cuộc nội chiến. Rõ ràng, chỉ với kinh nghiệm nội chiến thì chưa đủ, ai không nhận thấy được điều đó sớm sẽ chuốc lấy thất bại. Một vị chỉ huy chỉ với kinh nghiệm của cuộc nội chiến sẽ chỉ chuốc lấy thất bại. Rõ ràng anh ta cần nên bổ sung kinh nghiệm của mình ... kinh nghiệm của chiến tranh hiện đại. Thế chiến tranh hiện đại là gì ? - đó là một vấn đề rất thú vị, nó đòi hỏi những gì ? - lực lượng pháo binh hùng hậu. Trong chiến tranh hiện đại, pháo binh là cốt lõi, pháo binh giải quyết nhiều vấn đề. Muốn xây dựng lực lượng quân sự hiện đại thì phải hiểu rằng pháo binh quyết định vận mệnh của chiến tranh, cần loại pháo phản lực. Do đó, phải tập trung vào vấn đề mục tiêu, chứ không phải khu vực, không bắn dàn trải. Không nên tiếc đạn pháo nếu như nó có thể giải quyết được vấn đề. Để phá vỡ hậu phương của kẻ thù, 400-500 quả đạn đã được bắn mỗi ngày, điều đó khiến chúng không thể yên, không thể chợp mắt được. Lính Phần Lan cho biết, họ không thể ngủ được suốt gần 4 tháng, chỉ đến khi đình chiến, họ mới thực sự ngủ ngon. Đó là ý nghĩa của pháo binh, nó rất quan trọng.
Vấn đề nữa là máy bay - không phải hàng trăm chiếc, mà là hàng nghìn. Nói đến chiến tranh hiện đại và mong muốn chiến thắng cuộc chiến đó thì có nghĩa là không nên keo kiệt sử dụng bom đạn. Đó là dở hơi, thưa các đồng chí, cần phải dội thêm bom để làm quân địch choáng váng, đảo lộn hết chúng thì chúng ta mới có thể giành được thắng lợi. Nhiều đạn hơn thì người sẽ mất ít hơn. Ít đạn hơn thì tổn thất về người sẽ nhiều hơn. Hoặc là sản xuất nhiều đạn hoặc là mất nhiều nhân mạng của quân đội ta.
Tiếp theo là vấn đề xe tăng, cũng mang tính chất quyết định, chúng ta cần những chiếc tăng lớn, không phải hàng trăm mà là hàng nghìn. Xe tăng là tối quan trọng. Nếu những chiếc xe tăng của chúng ta có vỏ dày, những điều kỳ diệu sẽ đến, với việc phối hợp nó với bộ binh và pháo binh (hiệp đồng quân binh chủng). Cần phải giáng thêm nhiều đòn vào quân thù, để chúng cảm thấy sợ hãi trước sức mạnh của quân đội ta.
Kế đến là súng cối. Không có cuộc chiến tranh hiện đại nào mà không có cối. Tất cả các quân đoàn, đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn đề phải trang bị cối 6 - 8 inch. Điều rất quan trọng đối với chiến tranh hiện đại. Nó rất hiệu quả và rẻ. Đừng tiếc cho nó, mà hãy tiếc cho sinh mạng của đồng bào chúng ta, nếu đạn ít hơn thì chúng ta sẽ tổn thất lớn hơn. Để cuộc chiến bớt đổ máu, đừng tiếc đạn.
Tiếp đến là tự động hóa vũ khí cầm tay. Có người còn tranh cãi: liệu chúng ta có cần súng trường tự động nạp với băng đạn mười viên không ? Những kẻ chủ nghĩa kinh nghiệm nội chiến mặc dù là người tốt, song đó là những kẻ dốt nát, họ sẽ cãi: tại sao chúng ta lại phải cần khẩu súng tự động như thế, những khẩu súng cũ của chúng tôi là đủ rồi.
Và rồi nhắm - lên đạn - bắn - nếu trượt thì sẽ tiếp tục nhắm lại - lên đạn - bắn. Trong khi đấy một người lính với súng trường tự động mười viên sẽ bắn hiệu quả gấp ba lần với một người lính cầm súng cũ. Do đó, một súng mới bằng ba súng cũ. Làm sao mà chúng ta lại không thể không chuyển sang dùng súng trường tự động được chứ. Nó lại quan trọng là đằng khác và chiến tranh đã chứng minh rằng điều đó là đúng. Đối với trinh sát của chúng ta, đối với các trận đánh ban đêm, đối với các cuộc đột kích cần thiết phải gây nên sự áp đảo quân thù. Những người lính của chúng ta không hèn nhát, nhưng họ không thể không chạy trước những họng súng máy của quân thù. Không dùng nó sao được.
Vì vậy, bộ binh cần súng trường tự động, bán tự động và súng lục tự động.
Hơn nữa, cần phải đào tạo ra đội ngũ chỉ huy có trình độ văn hóa, kỹ năng và học vấn. Chúng ta chỉ có rất ít những người như vậy.
Chúng ta đang nói về những chỉ huy chung chung. Phải hiểu cả về hàng không, pháo binh, tăng thiết giáp, cối,... nếu không hiểu thì họ sẽ chỉ huy kiểu gì ? Họ không phải những là những chỉ huy như thời kỳ nội chiến nữa, những người chỉ hiểu biết về súng trường cũ, súng máy hạng nhẹ. Bây giờ, người chỉ huy phải am hiểu về các loại quân binh chủng, hàng không, xe tăng, thiết giáp thì mới có thể chỉ huy được. Điều này có nghĩa là chúng ta cần một đội ngũ chỉ huy có trình độ văn hóa, kỹ năng và giáo dục.
Tiếp nữa, cần lắm những chuyên viên và một tổng hành dinh có tổ chức. Gần đây yêu cầu này mới được đặt ra. Việc không có tổng hành dinh có nghĩa là gì ? Nghĩa là không tồn tại một cơ quan có chức năng chuẩn bị mệnh lệnh và thi hành mệnh lệnh quân sự đó. Đấy là vấn đề to. Chúng ta cần phải thành lập một tổng hành dinh với nhân lực có trình độ văn hóa cao, có chuyên môn và tổ chức. Đây là yêu cầu của chiến tranh hiện đại, cũng như khi ta đặt yêu cầu pháo binh, hàng không vậy. Họ phải được huấn luyện tốt và có kỷ luật, đáp ứng nhu cầu cho chiến tranh hiện đại.
Những người lính của chúng ta thiếu tính chủ động, kỹ năng kém. Đó là do huấn luyện của chúng ta chưa tốt, chưa làm cho họ nhìn thấy vấn đề, đó là lý do vì sao kỷ luật họ kém. Việc huấn luyện phải được nâng lên, không phải như hồi nội chiến. Chúng ta cần phải đổi mới. Phải rèn luyện ra những chiến sĩ: chủ động, giàu kỹ năng và kỷ luật.
Đối với chiến tranh hiện đại, chúng ta cần những người làm chính trị hiểu biết về lý luận chính trị. Họ không phải chỉ biết nhại đi nhại lại những câu "Đảng của Lenin - Stalin", hay đại loại lạy chúa, ... Bây giờ, họ cần phải có học thức, có văn hóa, phải am hiểu quân sự. Nếu không có điều đó thì làm sao chúng ta có thể những đội quân tốt, những binh sĩ tốt.
Đó là tất cả những điều kiện cần thiết để chuẩn bị tiến hành cuộc chiến tranh hiện đại trong tương lai của chúng ta, nhân dân Liên Xô sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến ấy.
Các đồng chí có thấy rằng chúng ta đã có một đội quân như vậy khi tham gia Chiến tranh Phần Lan không ? Rõ ràng là không. Quân đội ta đương thiếu nhiều điều kiện bên trên. Quân đội ta, dù chúng ta có khen ngợi đến đâu, thì nó vẫn là đội quân non trẻ, chưa giàu kinh nghiệm. Chúng ta có kỹ thuật, chúng ta có niềm tin, nhưng chúng ta không bất bại, bởi vì quân đội ta vẫn còn non kinh nghiệm.
Trước nhất, Hồng quân chúng ta đã lọt vào các ổ phục kích ở Phần Lan - đó là bài học sâu sắc đầu tiên. Cần phải thấy gì ? Mặc dù quân đội ta còn non kinh nghiệm, nhưng chỉ sau một tháng rưỡi, họ đã thay đổi, và phải nhanh chóng tổ chức lại thành một quân đội hiện đại, tất nhiên là chưa hoàn thiện hết. Vẫn còn vết tích cũ của thời nội chiến. Đó chính là những kinh nghiệm mà chúng ta học được từ cuộc chiến Phần Lan. Điều đó thật tốt, khi chúng ta không phải nhận lấy kinh nghiệm này từ người Đức, thật may mắn. Quân đội ta hiện nay đã không giống như hồi tháng 11 năm ngoái, bộ chỉ huy cũng khác, vũ khí cũng khác. Đó là những dấu hiện cho thấy rằng quân đội ta đương trở thành quân đội hiện đại.
Liệu rằng quân đội Phần Lan cũng là quân đội hiện đại ? Nhiều người đã thấy về sự cơ động của họ, kỷ luật và kế hoạch của họ. Đã có sự ghen tị đối với họ. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu đó có phải là một đội quân hiện đại ? Tôi cho là không. Đối với khía cạnh của việc phòng thủ, họ đã có những thắng lợi, nhưng rõ ràng là chưa đạt đến trình độ hiện đại. Họ co rúm trong tuyến phòng thủ và bị động, ngồi chờ, đó không phải là thái độ của đội quân hiện đại. Chiến tranh hiện đại không chỉ biết co rúm phòng thủ, dù bất kể sức mạnh như thế nào.
Sự thụ động trong phòng thủ và thái độ thụ động của các tuyến phòng thủ đã chứng minh rằng đó không phải là đội quân hiện đại. Họ cược hết niềm tin của mình vào hệ thống tuyến phòng thủ này và do đó suốt cuộc chiến họ không phát động bất kỳ cuộc tấn công nào. Suốt ba tháng chiến đấu, không hề thấy quân Phần Lan tiến hành tổ chức tiến công có tổ chức nào cả ? Họ không dám phản công, ngay cả khi họ có vị trí tốt nhất, như ở bãi tập sân nhà, họ nắm nằm lòng tất cả nhưng không hề có cuộc tấn công nào. Họ không đột phá hay chọc thủng phòng tuyến của ta. Quân đội Phần Lan đã không thể tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn, phòng thủ bị động, còn phản công thì lúng túng. Do đó, cứ sau mỗi đợt phản công, họ lại chịu những tổn thất nặng nề hơn.
Đó là nhược điểm của quân đội Phần Lan. Đội quân chỉ biết phòng thủ và không biết tấn công, phòng thủ thì quá bị động mà không phải chủ động.
Họ ảo tưởng về việc bất khả xâm phạm. Tôi không thể coi đội quân như vậy là hiện đại được.
Họ có những khả năng gì ? Trong suốt cuộc chiến họ đã sử dụng những thủ thuật. Một lần, hai lần, ba lần, nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ mãi luôn hiệu quả. Thiếu một đội quân thực sự hiện đại, họ đã phải chuốc lấy thất bại. Dưới đây là đánh giá của tôi về quân đội Phần Lan, tôi nghiêng nhiều về mặt chiến thuật, họ có rất ít pháo. Không phải là do họ nghèo nên không có pháo, nhưng sau đó họ nhận ra rằng nếu họ không có pháo thì họ sẽ thất bại. Họ có rất ít máy bay, không phải vì họ nghèo, thậm chí họ có các nhà máy sản xuất thuốc súng rất đắt tiền. Họ sản xuất chúng gấp đôi chúng ta với sản lượng lên đến 100.000 tấn trên năm. Đấy là một đất nước giàu có. Nhưng nếu họ không có máy bay, thì đó là do họ chưa hiểu đúng về sức mạnh và tầm quan trọng của những thứ đó. Đó là nhược điểm của họ.
Một đội quân được huấn luyện để phòng thủ thụ động, thiếu pháo, thiếu máy bay, mặc dù nó dư sức làm điều đó; một đội quân chỉ biết du kích - Tôi không thể gọi đội quân đó là quân đội hiện đại được.
Kết luận. Thế thì chiến thắng của chúng ta trước ai, và chúng ta đã giành được những cái gì ?
Chúng ta đã chiến thắng sau 3 tháng 12 ngày chiến tranh, quân Phần Lan đã đầu hàng, xin thua và chiến tranh đã kết thúc. Nhưng chúng ta đã đánh bại những ai ? - Tất nhiên đó là người Phần Lan. Nhưng không phải chỉ riêng họ, nhiệm vụ của chúng ta rộng hơn. Chúng ta đã đánh bại những kẻ hỗ trợ họ - chiến thuật phòng ngự và kỹ thuật phòng ngự của Đức, Anh, Pháp. Do đó, không phải chỉ mỗi Phần Lan, mà còn cả công nghệ quân sự tiên tiến của châu Âu. Chúng ta đã đánh bại chiến lược, chiến thuật của họ. Toàn bộ lực lượng phòng thủ của Phần Lan được bố trí theo những lời khuyên của các cố vấn Anh, Pháp và thậm chí người Đức đã giúp họ rất nhiều trong việc bố trí một nửa số tuyến phòng thủ. Đó mới chính là cốt lõi của vấn đề.
Chúng ta không chỉ đánh bại người Phần Lan - mà mấu chốt chính là chiến thắng những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, chiến lược và chiến thuật của các cường quốc Châu Âu. Đây chính là chiến thắng của chúng ta.
Tạp chí ngày mới, 1966, số 51.
Nhận xét
Đăng nhận xét