Về việc cấm vũ khí nguyên tử, 6 Tháng Mười 1951
[Trả lời phỏng vấn cùng phóng viên của tờ “Sự thật” (Pravda), ngày 6 tháng 10 năm 1951]
Câu hỏi: Xin cho biết ý kiến của ông về sự ồn ào nổi lên gần đây trên báo chí nước ngoài liên quan đến vụ thử bom nguyên tử ở Liên Xô?
Trả lời: Thật sự thì gần đây một trong những loại bom nguyên tử đã được thử nghiệm ở nước ta. Các cuộc thử nghiệm bom nguyên tử với mức độ khác nhau cũng sẽ được tiến hành trong tương lai, phù hợp với kế hoạch bảo vệ đất nước chúng ta khỏi sự tấn công của khối quốc gia hiếu chiến Anh-Mỹ.
Câu hỏi: Liên quan đến vụ thử bom nguyên tử, rất nhiều yếu nhân khác nhau tại Hoa Kỳ đang lên tiếng cảnh báo và la hét về mối đe dọa này với an ninh đất nước Hoa Kỳ. Xin hỏi có căn cứ nào cho những cảnh báo như vậy không?
Trả lời: Không có căn cứ nào cho những cảnh báo như vậy. Những yếu nhân ở Hoa Kỳ không thể không biết rằng Liên Xô không chỉ phản đối việc sử dụng vũ khí nguyên tử mà còn ủng hộ việc cấm và chấm dứt sản xuất chúng. Như chúng ta biết thì Liên Xô từng nhiều lần yêu cầu cấm vũ khí nguyên tử, nhưng mỗi lần điều này được đưa ra thì các cường quốc trong khối Đại Tây Dương đều từ chối. Điều này có nghĩa trong trường hợp Hoa Kỳ tấn công đất nước chúng ta, giới cầm quyền của Hoa Kỳ sẽ sử dụng bom nguyên tử. Chính tình huống đó buộc Liên Xô phải có vũ khí nguyên tử nhằm đối phó với những kẻ chuyên đi gây sự đã chuẩn bị đầy đủ này. Tất nhiên những kẻ chuyên đi gây sự không muốn Liên Xô có vũ khí trong trường hợp bọn họ tấn công nó, song Liên Xô không đồng ý với điều này và cho rằng cần phải chuẩn bị đầy đủ để đối phó với kẻ đi gây sự. Do đó, nếu Hoa Kỳ không có ý định tấn công Liên Xô thì cảnh báo từ những yếu nhân ở Hoa Kỳ sẽ được coi là vô nghĩa và sai lầm, bởi Liên Xô không bao giờ nghĩ đến việc tấn công Hoa Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào khác.
Những nhân vật có địa vị quan trọng ở Hoa Kỳ cảm thấy bất bình vì bí mật về quả bom nguyên tử giờ không chỉ nằm trong tay Hoa Kỳ mà còn nằm trong tay các quốc gia khác, chủ yếu là Liên Xô. Họ muốn Hoa Kỳ là nhà độc quyền sản xuất bom nguyên tử. Họ muốn Hoa Kỳ có quyền lực vô hạn để đe dọa và tống tiền các quốc gia khác. Nhưng họ nghĩ như vậy dựa trên cơ sở nào? Xin hỏi việc quan tâm đến công cuộc gìn giữ hòa bình yêu cầu một sự độc quyền như thế thông qua quyền nào? Phải chăng không còn đúng đắn khi nói tình huống đang được bàn luận cần một yêu cầu ngược lại, rằng việc quan tâm đến công cuộc gìn giữ hòa bình trước hết đòi hỏi phải thủ tiêu đi một sự độc quyền như thế, cũng như tiếp đó là cấm vũ khí nguyên tử một cách vô điều kiện? Tôi nghĩ những người ủng hộ bom nguyên tử có thể đồng ý với việc cấm vũ khí nguyên tử chỉ khi nào họ thấy bản thân mình không còn là những nhà độc quyền nữa.
Câu hỏi: Xin cho biết ý kiến của ông về một sự kiểm soát quốc tế đối với vũ khí nguyên tử?
Trả lời: Liên Xô ủng hộ việc cấm vũ khí nguyên tử và chấm dứt sản xuất vũ khí nguyên tử. Liên Xô ủng hộ việc thiết lập một sự kiểm soát quốc tế đối với việc thi hành một cách hoàn toàn đúng đắn và cẩn thận quyết định cấm vũ khí nguyên tử, chấm dứt sản xuất vũ khí nguyên tử và chỉ sử dụng những quả bom nguyên tử đã được sản xuất cho các mục đích dân sự. Chính xác thì Liên Xô là đại diện cho loại hình kiểm soát quốc tế này. Các nhân vật nổi tiếng ở Mỹ cũng nói về quyền kiểm soát, nhưng sự kiểm soát của họ không bao hàm việc chấm dứt sản xuất vũ khí nguyên tử, mà là tiếp tục sản xuất ở số lượng phù hợp với lượng nguyên liệu thô được các quốc gia khác nhau đem bán. Vì lẽ đó, sự kiểm soát của Mỹ không bao hàm việc cấm vũ khí nguyên tử, mà là làm cho nó hợp pháp về cả nội dung lẫn hình thức. Hệ quả từ chuyện này là quyền huỷ diệt hàng chục hay hàng trăm ngàn cư dân hiền lành với sự trợ giúp của vũ khí nguyên tử đến từ những kẻ hiếu chiến được thực hiện hợp pháp. Không có gì khó hiểu khi đây không phải là sự kiểm soát mà là sự chế nhạo đối với việc kiểm soát và lừa dối khát vọng hòa bình của các dân tộc. Rõ ràng sự kiểm soát như vậy không thể làm hài lòng những dân tộc yêu chuộng hòa bình, những người yêu cầu cấm vũ khí nguyên tử và chấm dứt sản xuất loại vũ khí này.
(Vì sự chung sống hòa bình: Các cuộc phỏng vấn sau chiến tranh, Nhà xuất bản Quốc tế, New York, 1951)
Đức Anh
Nhận xét
Đăng nhận xét